Bạch truật là vị thuốc hay trong y học cổ truyền với các tác dụng nổi bật như: kiện tỳ, bổ khí, chỉ hãn, an thai,…
- Chăm sóc bệnh nhân bó bột gãy xương
- Bài thuốc trị bệnh từ vị thuốc mẫu đơn bì
- Giải pháp khắc phục chứng lạnh tay chân
Bài thuốc bổ khí kiện tỳ, an thai bằng bạch truật
Mục Lục
Bạch truật là vị thuốc như thế nào?
Bạch truật là rễ củ phơi hay sấy khô của cây Bạch truật (Atractylodes macrocephala Koidz.), thuộc họ Cúc (Asteraceae).
Theo y học hiện đại, bạch truật có các hợp chất sterol, sinh tố A, tinh dầu,… Tác dụng tăng khả năng thực bào, lợi mật, tăng sức bền, bảo vệ gan, chống loét, lợi niệu, chống đông máu, chống u bướu, làm giãn mạch, giảm đường huyết, hạ huyết áp.
Theo y học cổ truyền, bạch truật vị ngọt đắng, tính ôn; vào kinh vị và tỳ. Tác dụng táo thấp, bổ khí, lợi thủy, kiện tỳ, an thai. Trị chứng tỳ vị khí hư, khí hư tự hãn đàm ẩm, thủy thũng và an thai. Liều dùng: 6 – 12g. Nếu dùng chữa táo thấp thì để sống, dùng để bổ tỳ vị thì phải sao tẩm.
Lưu ý: Hiện nay trên thị trường có vị thuốc “bạch truật nam”, là thân rễ của cây thổ tam thất, hay bạch truật nam (Gynura pseudochina DC.), thuộc họ Cúc (Asteraceae). Rễ củ để nguyên gọi là thổ tam thất, vì vậy bạn cần phân biệt hai vị thuốc này.
Bạch truật làm thuốc
Bạch truật trong y học cổ truyền được dùng làm thuốc trong các trường hợp như:
Bài thuốc kiện tỳ, cầm tiêu chảy:
- Bài 1: Bột sâm truật: bạch truật 12g, đảng sâm 12g, phục linh 12g, nhục đậu khấu 12g, kha tử 12g, ý dĩ 12g, liên nhục 12g, trần bì 12g, mộc hương 4g, sa nhân 4g, sơn tra 8g, thần khúc 8g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang hoặc tán bột. Trị các chứng tỳ hư thấp trệ, người mệt, bụng đầy hơi, ăn uống không tiêu, đại tiện lỏng.
- Bài 2: Thang lý trung: bạch truật 12g, đảng sâm 12g, cam thảo 4g, sinh khương 8g. Sắc uống. Trị chứng tỳ hư thấp trệ, người mệt, kém ăn, đại tiện lỏng.
Bài thuốc kiện vị tiêu thực (dễ tiêu hoá, làm khoẻ dạ dày):
Dùng Thang chỉ truật: bạch truật (sao) 12g, chỉ thực 6g. Sắc uống ngày 1 thang hoặc tán bột làm viên hoàn. Mỗi lần uống 8g, ngày uống 2 – 3 lần, chiêu với nước cơm. Theo thầy thuốc, bài thuốc này có tác dụng trong việc trị vị, tỳ đều hư nhược, không muốn ăn uống, tiêu hoá không tốt.
Vị thuốc bạch truật
Bài thuốc cố biểu, chỉ hãn:
- Bài 1: Thuốc bột bạch truật: bạch truật 12g, mẫu lệ 24g, phòng phong 12g. Sắc uống ngày 1 thang hoặc tán thành bột, mỗi lần uống 12g, chiêu với nước đun sôi nguội. Trị chứng tỳ hư, tự ra mồ hôi, người mỏi mệt, hơi thở ngắn.
- Bài 2: Thuốc sắc bạch truật: bạch truật 12g, hoàng kỳ 12g, phù tiểu mạch 20g. Sắc uống ngày 1 thang. Trị chứng lo âu, tim hồi hộp, tự ra mồ hôi.
Bài thuốc lợi niệu tiêu thũng:
- Bài 1: Bột toàn sinh bạch truật: bạch truật 12g, ngũ gia bì 12g, địa cốt bì 12g, đại phúc bì 12g, gừng tươi 12g, phục linh bì 20g. Sắc uống. Tác dụng trị phù nề toàn thân, phụ nữ có thai bị phù.
- Bài 2: Thang linh quế truật cam: phục linh 12g, cam thảo 8g, quế chi 8g, bạch truật 8g. Sắc uống ngày 1 thang. Công dụng trị các chứng bệnh thường gặp như: ho hen có đờm, tỳ hư, tim đập nhanh, mắt mờ.
Bài thuốc an thai
- Bài 1: Thái sơn bàn thạch thang: bạch truật 10g, nhân sâm 5g, xuyên khung 4g, thục địa 10g, đương quy 8g, hoàng cầm 5g, chích thảo 4g, tục đoạn 5g, thược dược 6g, hoàng kỳ 15g, sa nhân 4g, nhu mễ 5g. Sắc uống ngày 1 thang. Tác dụng trong việc ích khí kiện tỳ, dưỡng huyết an thai.
- Bài 2: Đương quy tán: bạch truật 32g, bạch thược 64g, xuyên khung 64g, đương quy 64g, hoàng cầm 64g. Các vị sấy khô, tán bột. Ngày uống 8 – 12g, uống với rượu loãng. Thích hợp cho phụ nữ có thai mà thai nhiệt không yên, huyết kém.
Lưu ý: Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế cho lời khuyên của bác sĩ, thầy thuốc. Vì vậy để đảm bảo an toàn và đúng bệnh, bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị tốt nhất.
Nguồn:sưu tầm
Facebook Comment