Món ăn thuốc y học cổ truyền trị mề đay mẩn ngứa

Nổi mề đay mặc dù không phải là bệnh nguy hiểm nhưng chúng ảnh hưởng trực tiếp đến thẩm mỹ và công việc của người bệnh, vì vậy cần tìm món ăn thuốc trị hiệu quả để khắc phục.

Biểu hiện mề đay mẩn ngứa

Biểu hiện mề đay mẩn ngứa

Mục Lục

Nổi mề đay là bệnh gì?

Nổi mề đay là bệnh dị ứng da thường gặp, nguyên nhân có thể do thức ăn, tác dụng phụ của một số loại thuốc; tiếp xúc với tác nhân như phấn hoa, lông súc vật, hóa chất tẩy rửa; thay đổi thời tiết; ô nhiễm môi trường…

Triệu chứng: ngứa ít hoặc nhiều, tại chỗ sưng nề, có màu sáng tía, da dày co cứng, mặt da mẩn nổi rải rác hoặc từng mảng. Cơn ngứa liên tục và mỗi lúc càng nặng hơn, tê bì ở từng vùng trên cơ thể.

Món ăn thuốc trị mề đay mẩn ngứa

Bạn có thể tham khảo một số bài thuốc điều trị theo hướng dẫn của trang Bệnh học – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur dẫn  nguồn từ báo Sức khỏe và đời sống như sau:

– Cháo rau má đậu xanh: đậu xanh 30g, rau má 70g, gạo tẻ 40g, gia vị vừa đủ. Rau má rửa sạch cắt ngắn. Đậu xanh xay lấy cả vỏ, gạo đãi sạch. Cho đậu xanh và gạo vào nồi, đổ nước vừa đủ nấu cháo, cháo chín cho rau má vào đun thêm một lát là được, nêm gia vị, Chia ăn 2 lần trong ngày.

Tác dụng dụng: giảm ngứa, nhuận huyết, kháng viêm, lợi gan mật, tiêu độc,…; rất tốt cho người bị mề đay do cơ địa, hay tái phát khi thay đổi thời tiết.

– Cháo chi tử hạt sen: hạt sen 20g, chi tử 16g, gạo tẻ 70g, gia vị vừa đủ. Hạt sen ngâm vào nước ấm 3 giờ, chi tử sắc kỹ chắt lấy nước thuốc. Cho gạo vo sạch và hạt sen vào nồi, đổ nước thuốc nấu cháo, cháo chín nêm gia vị. Chia ăn 2 lần trong ngày.

Tác dụng: Thích hợp đối với người bị mề đay thể phong nhiệt, biểu hiện: toàn thân nóng ran, cơn ngứa bùng phát rất nhanh, mặt da đỏ, sưng nề nhẹ kèm theo các nốt tịt và những mảng da dày, có co cứng, tê bì…

– Cháo khổ qua rau muống tim lợn: tim lợn 1 quả, rau muống 40g, khổ qua 60g, gạo tẻ 60g, gia vị vừa đủ. Khổ qua rửa sạch bỏ ruột thái lát mỏng. Rau muống rửa sạch cắt ngắn. Quả tim lợn bổ làm tư rửa sạch, gạo vo sạch. Cho gạo cùng tim lợn vào nồi, đổ nước nấu cháo, cháo chín cho khổ qua vào đun tiếp, cho rau muống đun sôi thêm một lát, nêm gia vị, chia ăn 2 lần trong ngày.

Tác dụng: Thích hợp với người bị mề đay hay tái phát, người nóng, hay ngứa lở ngoài da, tim hồi hộp, ngủ trằn trọc.

Cháo khổ qua rau muống tim lợn

Cháo khổ qua rau muống tim lợn trị mề đay hay tái phát.

– Cháo sài hồ thịt nạc: thịt thăn lợn 80g, gạo tẻ 70g, gia vị vừa đủ. Sài hồ sắc kỹ lấy nước, thịt thăn lợn băm nhỏ ướp gia vị rồi xào với hành khô cho chín. Cho gạo tẻ vo sạch cùng nước thuốc vào nồi nấu cháo, cháo chín cho thịt vào nấu thêm một lát, nêm gia vị, chia ăn 2 lần trong ngày.

Tác dụng: Tốt đối với các trường hợp có các triệu chứng giảm nhanh, ổn định sức khỏe.

Thầy thuốc y học cổ truyền lưu ý rằng:

– Vệ sinh không gian sống tránh tiếp xúc với nấm mốc, côn trùng…

– Không tắm nước quá nóng. Những vùng da bị nổi mẩn nên sử dụng những kem dưỡng da loại nhẹ hoặc làm mát với quạt, vòi sen,…

– Kiêng ăn các loại đồ ăn, thức uống có thể gây dị ứng, thực phẩm cay nóng, đồ ngọt, giàu protein và các chất kích thích như cà phê, thuốc lá,…

– Nghỉ ngơi và ăn uống điều độ.

– Không mặc các trang phục và giày dép có chất liệu dày cứng, bí và bó sát.

– Báo với bác sĩ tiền sử dị ứng và tình trạng nổi mề đay mẩn ngứa khi dùng một số dược phẩm để được chỉ định loại thuốc phù hợp.

Lưu ý: Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế cho lời khuyên của bác sĩ, thầy thuốc. Vì vậy để đảm bảo an toàn và đúng bệnh, bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị tốt nhất.

Ngoài ra bạn có thể tham gia group Hội Nhà Thuốc – Quầy Thuốc Chữa Bệnh Việt Nam để cập nhật những thông tin về thuốc cũng như điều trị các bệnh lý bằng thuốc.

Nguồn: BS. Thanh Ngọc – benhhoc.edu.vn