Đặc trưng của tổ đỉa là các mụn nước lớn nhỏ không đều và gây ngứa ở da bàn tay bàn chân, vậy liệu căn bệnh này có nguy hiểm hay không?
Bệnh tổ đỉa có triệu chứng bệnh như thế nào?
Mục Lục
Bệnh tổ đỉa có triệu chứng bệnh như thế nào?
Tổ đỉa trước đây còn có tên chàm do rối loạn bài tiết mồ hôi, thực thế đây là một bệnh da liễu thường gặp ở lòng bàn tay và lòng bàn chân, tên tiếng anh là Pompholyx (nổi bong bóng). Đặc trưng của tổ đỉa là các mụn nước lớn nhỏ không đều và gây ngứa ở da bàn tay bàn chân. Bệnh thường xảy ra trên nền cơ địa dị ứng, khởi phát khi có stress hoặc tiếp xúc nickel hoặc các chất gây dị ứng khác. Tổ đỉa được cho là thuộc về nhóm bệnh quá mẫn hoặc dị ứng. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi 30, tái đi tái lại nhiều lần trong suốt đời sống bệnh nhân, gây ra những vết nứt và dày da kèm theo nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày.
Triệu chứng điển hình nhất thường gặp ở hầu hết các bệnh nhân đó là mụn nước. Mụn mọc thành từng đám, kích thước nhỏ, nằm rải rác ở kẽ ngón tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Thông thường mụn nước không vượt quá đường kính 3mm, chứa dịch trong, trông giống hạt gạo tròn. Các mụn nước sâu hơn hoặc bội nhiễm có thể đục.
Mụn nước nói chung bằng hoặc hơi nhô cao hơn bề mặt da. Thường các mụn không dễ vỡ, phát triển lớn dần và kết hợp tạo ra những mụn nước lớn hơn. Mụn nước có thể không gây ra cảm giác khó chịu nào, cũng có thể gây đau và ngứa. Tình trạng đau ngứa tăng khi tiếp xúc xà phòng, nước, chất kích thích.
Giai đoạn cuối hoặc khi gãi, mụn nước vỡ giải phóng dịch khiến tổn thương khô, da cứng và nứt. Chất dịch này thường là huyết thanh ứ tại khoảng kẽ, không phải mồ hôi. Ngoài ra móng tay và móng chân có thể bị biến dạng do ảnh hưởng của tổ đỉa.
Chẩn đoán phân biệt bệnh tổ đỉa như thế nào?
Chẩn đoán phân biệt bệnh tổ đỉa như thế nào?
Tổ đỉa là một bệnh thường gặp gây ra do viêm da tiếp xúc dị ứng. Bởi vậy, thường tổn thương của tổ đỉa tập trung ở vùng lòng bàn tay, lòng bàn chân; hiếm khi lan ra mu bàn tay. Các bác sĩ có thể nghiên cứu tiền sử dị ứng và chỉ định test áp nhằm xác định tác nhân gây bệnh. Bệnh nấm tay chân có thể khiến lòng bàn tay xuất hiện mụn nước, nhưng hiếm khi xảy ra. Đôi khi nhóm bệnh nhân HIV/AIDS có thể có thương tổn herpes simplex ở lòng bàn tay dễ nhầm với mụn nước do tổ đỉa.
Tùy thuộc vào giai đoạn và mức độ nghiêm trọng, có nhiều phương pháp điều trị có thể được cân nhắc. Sau đây là một số phương pháp điều trị thường dùng nhất hiện nay:
Sử dụng thuốc Corticosteroid
Kem và thuốc mỡ corticoid liều cao sử dụng ngắn ngày thường được chỉ định cho bệnh nhân tổ đỉa. Thông thường, bác sĩ sẽ hướng dẫn bôi kem, bọc lại bằng nhựa và chườm ấm nhằm tăng khả năng hấp thu thuốc trên bề mặt da. Các corticoid đường uống chẳng hạn prednisone có thể được chỉ định nhằm cải thiện triệu chứng bệnh. Cần chú ý các tác dụng không mong muốn khi sử dụng corticoid lâu dài và theo dõi suốt quá trình điều trị.
Liệu pháp ánh sáng
Trong những trường hợp đã điều trị corticoid kèm với việc thay đổi lối sống – tránh tất cả những yếu tố có khả năng gây kích ứng da; mà bệnh nhân không đáp ứng điều trị. Lúc này liệu pháp ánh sáng có thể được cân nhắc. Các kỹ thuật ánh sáng sử dụng tia cực tím nhằm điều trị tổ đỉa. Kỹ thuật thường dùng là PUVA (dùng psoralen bôi và chiếu UVA) hoặc kỹ thuật UVA đơn thuần.
Các loại thuốc mỡ ức chế miễn dịch khác
Ngoài corticoid, một số dạng kem có tác dụng ức chế miễn dịch khác bao gồm: tacrolimus (Protopic) và pimecrolimus (Elidel). Hai nhóm thuốc này tránh được tác dụng phụ do dùng corticoid nhưng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da.
Ngoài ra, trong một số trường hợp khi triệu chứng của tổ đỉa quá nghiêm trọng, botulinum toxin có thể được sử dụng. Tuy nhiên để việc điều trị bệnh có hiệu quả bệnh nhân nên đến các trung tâm Y tế để thăm khám và điều trị.
Nguồn: sưu tầm
Facebook Comment