Mục Lục
Bóc tách động mạch chủ thường xuất hiện ở nam giới trên 50 tuổi và có tiền sử tăng huyết áp. Đây là sự thoát mạch của máu đi vào trong lớp giữa và dọc theo lớp áo giữa của thành động mạch chủ.
Các bác sĩ chuyên bệnh nội khoa sẽ chỉ định người bệnh điều trị phẫu thuật hoặc điều trị nội khoa tùy thuộc vào phần động mạch chủ bị tổn thương.
1. Những đặc điểm chung của bóc tách động mạch chủ
- Bóc tách động mạch chủ xuất hiện điển hình (hơn 85% bệnh nhân) với triệu chứng đau ngực cấp tính khu trú ở trước ngực và có thể đau lan ra sau lưng.
- Căn cứ vào vị trí đau ngực, bác sĩ có thể đoán biết được đoạn động mạch chủ bị bóc tách.
- Theo thống kê, có khoảng 70% bệnh nhân bóc tách đoạn lên của động mạch chủ có triệu chứng đau vùng trước ngực, khoảng 63% bệnh nhân bóc tách đoạn xuống của động mạch chủ bị đau sau lưng. Vị trí đau ngực thay đổi khi sự bóc tách diễn tiến từ đoạn ĐMC này đến đoạn ĐMC khác.
- Bệnh nhân mô tả cảm giác đau như xé có thể kèm triệụ chứng buồn nôn, nôn ói, vả mồ hôi.
- So với nữ giới thì tỉ lệ nam giới bị bóc tách động mạch chủ cao hơn, chiếm 66%, và đa phần xuất hiện ở những người lớn hơn 50 tuổi và có tiền sử tăng huyết áp. Tuy nhiên một nhóm bệnh nhân khác, trẻ tuổi hơn có yếu tố nguy cơ như bệnh mô liên kết, bệnh tim bẩm sinh và phụ nữ có thai cũng có thể gây bóc tách. Trên 30% bệnh nhân mắc hội chứng Marfan bị bóc tách động mạch chủ, và nguyên nhân bóc tách có thể xảy ra sau khi phẫu thuật tim hoặc nong vành.
Phân loại Standfor chia bóc tách động mạch chủ thành 2 loại :
+ Type A: Bóc tách đoạn lên của động mạch chủ
+ Type B: Bóc tách đoạn xuống của động mạch chủ
Phân loại DeBakey chia bóc tách động mạch chủ thành 3 nhóm:
+ Type I:bóc tách liên quan đến đoạn lên và đoạn xuống của ĐMC.
+ Type II: bóc tách chỉ liên quan đến đoạn lên của động mạch chủ
+ Type III: bóc tách chỉ liên quan đến đoạn xuống động mạch chủ.
* Những biến chứng có thể có khi bị bóc tách động mạch chủ như: tổn thương van ĐMC, tắc nghẽn động mạch vành gây nhồi máu cơ tim cấp (thường tắc động mạch vành phải -> gây nhồi máu cơ tim thất phải), bóc tách liên quan đến động mạch cảnh gây đột quỵ, sự tắc nghẽn mạch máu cung cấp cho cột sống có thể gây liệt, bóc tách động mạch chủ xé vào khoang màng ngoài tim gây chèn ép tim cấp -> choáng tim và tĩnh mạch cảnh nổi ở tư thế 45 độ; chèn ép dây thần kinh quặt ngược thanh quản gây khan giọng; chèn ép hạch giao cảm cổ trên gây hội chứng Horner.
* Sự phát hiện triệu chứng và các dấu hiệu lâm sàng khi thăm khám phụ thuộc vào vị trí bóc tách và sự diễn tiến của quá trình bóc tách động mạch chủ: có thể nghe được âm thổi tâm trương của hở van động mạch chủ do bóc tách gây tổn thương van; kèm tăng huyết áp và nhịp tim nhanh nhưng có khi bị tụt huyết áp. Khoảng 50% bệnh nhân giảm hoặc mất mạch khi bắt động mạch quay, mạch bẹn hoặc mạch cảnh. Khoảng 40% bệnh nhân có di chứng thần kinh.
Bóc tách động mạch chủ có thể gây ra những biến chứng rất nguy hiểm.
2. Chẩn đoán phân biệt bóc tách động mạch chủ
– Chẩn đoán phân biệt phụ thuộc vào vị trí và diễn tiến của bóc tách động mạch chủ. Những nguyên nhân khác như tổn thương động mạch chủ ,nhồi máu cơ tim, vỡ thực quản, những nguyên nhân khác gây đột quỵ, tổn thương hoặc u cột sống, u dây thanh quản và những nguyên nhân gây chèn ép tim như viêm màng ngoài tim cũng cần được tầm soát. Một điện tâm đồ sẽ giúp chứng minh tổn thương động mạch vành, thường gặp nhất là động mạch vành phải.
– Khi có nghi ngờ bóc tách động mạch chủ cần chụp ngay XQ tim phổi thẳng ,và theo thống kê thì bất thường trên XQ phổi thẳng chiếm 80% ở bệnh nhân bị bóc tách bao gồm bất thường ở cung ĐMC,dãn rộng trung thất ,đẩy lệch khí quản và phế quản chính hoặc thực quản,hoặc có tràn dịch màng phổi. Dấu hiệu canxi hoá có thể xuất hiện ở đoạn cuối cùng động mạch chủ. CT scanner có độ nhạy 83-100% và độ chuyên biệt 87-100% cho chẩn đoán bóc tách động mạch chủ. Chụp cắt lớp xoắn ốc có tiêm thuốc cản quang đạt độ nhạy cao nhất. Mặc dù chụp mạch máu xoá nền DSA là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bóc tách tuy nhiên đó là xét nghiệm hình ảnh học xâm lấn và có độ chuyên biệt 94% ,độ nhạy chỉ 88%, xét nghiệm này xác định rõ ràng về hình ảnh giải phẫu học của động mạch chủ và biến chứng do bóc tách gây ra. Ngoài ra siêu âm qua thực quản là một xét nghiệm rất có giá trị trong chẩn đoán bóc tách với độ nhạy 97-100% và độ chuyên biệt đạt 97 – 99%. Tuy nhiên, khi thực hiện những xét nghiệm này cần kết hợp với các phẫu thuật viên lồng ngực hoặc mạch máu.
3. Điều trị bóc tách động mạch chủ
– Tất cả bệnh nhân bị bóc tách ĐMC hoặc nghi ngờ bóc tách đòi hỏi hội chẩn cấp cứu phẫu thuật lồng ngực hoặc mạch máu và chụp ngay XQ tim phổi thẳng để hỗ trợ chẩn đoán. Thông thường tất cả bệnh nhân bóc tách đoạn lên động mạch chủ cần can thiệp phẫu thuật, và bóc tách đoạn đoạn xuống của động mạch chủ thường ổn định với điều trị nội khoa.
– Lập đường truyền tĩnh mạch
– Định nhóm máu và làm ngay phản ứng chéo ở những bệnh nhân nguy cơ vỡ động mạch chủ.
– Điều trị hạ huyết áp để giảm áp lực động mạch và áp lực bóc tách: tốt nhất nên lựa chọn thuốc ức chế beta như esmolol 0,3mg/kg TM sau đó truyền tĩnh mạch duy trì với liều 0,05mg/kg/phút hoặc labetolol 20mg TM trong 2 phút sau đó liều 20-40mg TM trong 10phút. Mục tiêu điều trị duy trì nhịp tim khoảng 60-70 lần/phút.
– Dùng thuốc giãn mạch như Nitroprusside bắt đầu liều 0,3 microgam/phút TM chỉ được sử dụng sau khi đã dùng ức chế beta hoặc ức chế canxi thích hợp mà lâm sàng vẫn chưa đáp ứng tốt.
– Dùng thuốc hạ áp đường tĩnh mạch trong trường hợp bóc tách động mạch chủ cấp cứu để giảm đau và kiểm soát huyết áp duy trì huyết áp tâm thu mục tiêu khoảng 100-120mmHg, thậm chí có thể thấp hơn nhưng đòi hỏi duy trì tưới máu hiệu quả cho các cơ quan quản trọng như tim, não, thận.
Nguồn: Cao đẳng Dược TPHCM
Facebook Comment