Khám phá vị thuốc hay trong dân gian từ quả lê

70 / 100

Lê không chỉ hấp dẫn bởi hương vị đặc biệt mà còn có thể chế biến thành những món ăn dinh dưỡng hay các bài thuốc trị bệnh độc đáo, có lợi đối với sức khỏe.

Khám phá vị thuốc hay trong dân gian từ quả lê

Khám phá vị thuốc hay trong dân gian từ quả lê

Mục Lục

Đôi nét về quả lê

Tên gọi khác: tuyết lê, bạch lê, ngọc nhũ, mật phụ, khoái quả, sa lê.

Theo các nghiên cứu hiện đại, cứ 100g lê có 86,5g nước; 0,1g lipid; 0,3g protein; 8g đường (fructose, levulose,glucose…); 1,6g chất xơ; 0,5mg Fe; 14mg Ca; 0,2mg vitamin PP; các vitamin nhóm B; acid acetic, betacaroten và acid malic.

Với đặc tính vị mát ngọt, lê rất thích hợp trong việc bổ sung nước và các chất dinh dưỡng cho người cao tuổi, bệnh nhân suy nhược cơ thể; trợ tiêu hóa, khai vị và bảo vệ tế bào gan; thích hợp đối với những bệnh nhân viêm phế quản, lao phổi, viêm họng; tác dụng tư âm thanh nhiệt hạ huyết áp nên rất tốt đối với những bệnh nhân tăng huyết áp; đồng thời có vai trò quan trọng trong tiêu hóa và chuyển hóa do trong lê chứa nhiều chất xơ.

Theo y học cổ truyền, quả lê tính lương, vị chua ngọt; vào Phế và Vị. Tác dụng sinh tân, thanh nhiệt, nhuận táo, hóa đàm; thích hợp đối với người bị âm hư, đàm nhiệt như: ho khan, sốt nóng, ho, sốt, mất nước khát nước, khái huyết, kích ứng vật vã, người đái tháo đường, nôn nấc, táo bón.

Bạn có thể sử dụng quả lê một cách đa dạng như ăn tươi, ép nước hoặc nấu, hầm; có thể ăn 1-5 quả mỗi ngày.

Dược thiện trị bệnh từ quả lê

Dẫn nguồn từ báo Sức khỏe và Đời sống, trang Bệnh học giới thiệu đến bạn 6 món ăn thuốc hấp dẫn có quả lê như sau:

– Nước ép lê: lê tươi 1-2 quả, ép nước, để tủ lạnh nửa ngày, uống dần ít một. Thích hợp cho người bị nhiễm siêu vi trùng sốt nóng, khát nước, mất nước.

Ngoài ra bạn có thể dùng nước ép lê, uống nhiều lần từng ít một; tác dụng tốt cho người bị khản giọng mất tiếng do viêm họng nhiệt táo.

– Ngũ trấp ẩm: nước ép quả lê, nước ép lô căn, nước ép củ mã thầy, nước ép giá đỗ xanh (hoặc ngó sen), nước ép mạch môn, liều lượng bằng nhau, hòa chung rồi uống hoặc hấp cách thủy, uống.

Tác dụng thanh nhiệt sinh tân. Ngũ trấp ẩm trị ôn bệnh làm tổn thương tân dịch, lưỡi đỏ ít rêu, miệng háo khát, họng khô.

Lê hấp đường phèn tác dụng điều trị viêm phế quản

Lê hấp đường phèn tác dụng điều trị viêm phế quản

– Lê hấp đường phèn: lê 2 quả, bột bối mẫu 10g, đường phèn 30g. Lê đem khoét bỏ hạt, sau đó cho bối mẫu và đường phèn vào trong quả lê, rồi hấp chín. Ăn vào buổi sáng và buổi tối trong ngày.

Tác dụng: Trị thể viêm khô, viêm phế quản cấp, ho khan ít đờm.

– Si rô hạnh nhân nước ép lê: lê 1 quả, hạnh nhân (nhân hạt quả mận) 10g, đường phèn lượng thích hợp. Lê gọt vỏ thái lát, hạnh nhân giã nát. Hạnh nhân và lê cho vào nồi, thêm nước nấu chín nhừ, cho đường phèn vào, khuấy đều.

Tác dụng: Si rô hạnh nhân nước ép lê được đánh giá rất tốt đối với người bệnh bị thể viêm khô, viêm khí phế quản cấp, ho khan ít đờm.

– Lê hầm mật: lê 1kg, mật ong vừa đủ. Lê đem rửa sạch, bỏ hạt, thái lát, sau đó đem ninh nhừ, tiếp đến cho mật ong vào, đun thành dạng cao và bảo quản trong lọ. Mỗi lần uống 2-3 thìa nhỏ với nước, hoặc nhai ngậm.

Tác dụng: Rất tốt cho người bị mất nước, khát nước, sốt nóng dài ngày, ho ra máu, đái tháo đường.

– Cháo bạch lê: lê 3 quả, gạo tẻ 100g. Lê đem gọt vỏ, thái lát. Gạo đem vo sạch rồi nấu cháo, khi cháo chín thì cho lê vào nấu tiếp, khuấy cho tan đều.

Tác dụng: Cháo bạch lê thích hợp cho người bị sốt nóng, khát nước, kích ứng vật vã, chán ăn.

Mặc dù quả lê mang lại nhiều tác dụng có lợi đối với sức khỏe, sử dụng dễ dàng nhưng những người bị tỳ hư tiêu chảy, ho do cảm lạnh thì không nên dùng.

Bên cạnh đó, những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo mà không thể thay thế lời khuyên của bác sĩ/thầy thuốc chuyên khoa. Vì vậy nếu nhận thấy sức khỏe không tốt, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị kịp thời.

Nguồn: suckhoedoisong