Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Gợi ý bài thuốc điều trị bệnh trĩ chữa đâu khỏi đó

Tùy theo từng thể bệnh mà y học cổ truyền có phương pháp điều trị bệnh trĩ khác nhau. Điều này giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh và điều trị bệnh dứt điểm.

Gợi ý bài thuốc điều trị bệnh trĩ chữa đâu khỏi đó

Y học cổ truyền điều trị trĩ nội như thế nào?

Dấu hiệu nhận biết trĩ nội: Búi trĩ không lòi ra khỏi hậu môn, thường đi kèm với triệu chứng táo bón và đại tiện ra máu tươi.

Để cải thiện tình trạng này, bạn có thể sử dụng bài thuốc có tác dụng hoạt huyết và lương huyết để giải phóng huyết ứ trệ ở trực tràng. Bạn có thể tham khảo những bài thuốc sau:

Bài 1: Kinh giới sao đen 16g, bạch thược 12g, chỉ xác 8g, huyền sâm 2g, trắc bách diệp sao 16g, đương quy 8g, hòe hoa 10g, xuyên khung 8g, hạt vừng 12g, sinh địa 12g, cỏ nhọ nồi sao 16g, hồng hoa 8g, đại hoàng 4g. Sắc uống đều đặn mỗi ngày.

Bài 2: Sinh địa 20g, hoàng cầm 12g, xích thược 12g, đương quy 12g, hòe hoa 12g, kinh giới 12g và địa du 12g. Sắc lấy nước uống, ngày dùng 1 thang, cho đến khi khỏi.

Điều trị trĩ nội thể nhiệt độc

Biểu hiện: búi trĩ sưng nóng, đau nhức và buốt ở hậu môn. Tuy nhiên không thấy dịch vàng hay mủ chảy ra khi đại tiện dù thấy có máu tươi.

Sử dụng bài thuốc: hoàng liên, hạ khô thảo, kim ngân, hoàng bá, xuyên khung, hoàng cầm, hoàng kỳ, đương quy mỗi thứ 12g; sinh địa 16g, đại hoàng 4g. Đem các vị sắc lấy nước uống.

Điều trị trĩ nội thể thấp nhiệt

Biểu hiện: búi trĩ sưng nóng, đỏ, loét, đau rát, có thể chảy nước hoặc chảy mủ. Khi ngồi gây đau đớn khó chịu, đi kèm với triệu chứng táo bón và tiểu tiện vàng.

Đối với thể thấp nhiệt, người bệnh cần dùng những thảo dược có tính mát để hành khí, để thanh nhiệt, hoạt huyết và cầm máu.

Bài 1: Xích thược 12g, hoàng bá 12g, hoàng liên 12g với đào nhân 8g, đem sắc uống.

Bài 2: Chỉ xác, hòe hoa, kim ngân, hoàng bá, xích thược, chi tử sao mỗi thứ 12g. Đem sắc uống đều đặn.

Trị trĩ nội theo thể khí huyết hư yếu

Biểu hiện: Búi trĩ lòi ra bên ngoài hậu môn, người mệt mỏi, gầy yếu, hoa mắt, sắc mặt kém, ù tai,  mạch trầm tế, đoản hơi.

Sử dụng dược liệu có tác dụng chỉ huyết, bồi bổ khí huyết và thăng đề gồm các bài thuốc:

Bài 1: Hòe hoa sao 8g, bạch truật 12g, biển đậu 12g, đảng sâm 16g, kinh giới sao đen 12g, hoài sơn 16g, hà thủ ô 12g, kê huyết đằng 12g. Đem sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2: Thăng ma 8g, hòe hoa sao đen 8g, đảng sâm 16g, địa du 8g, cam thảo 4g, đương quy 8g, kinh giới sao đen 12g, bạch thược 12g, trần bì 16g, thăng ma 8g, địa du 8g. Đem sắc uống ngày dùng 1 thang.

Thăng ma – vị thuốc trong bài thuốc điều trị bệnh trĩ

Điều trị trĩ ngoại bằng y học cổ truyền

Theo thầy thuốc YHCT Hữu Định – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur, điều trị trĩ ngoại trị tương tự như trĩ nội thể huyết ứ. Điều trị bằng bài thuốc và châm cứu đối với trĩ ngoại thể nhiệt độc tương tự trĩ nội thể nhiệt độc.

Tuy nhiên do trĩ ngoại là tình trạng búi trĩ lòi ra bên ngoài hậu môn nên việc dùng các bài thuốc rửa và ngâm như thế nào vô cùng quan trọng. Bạn có thể sử dụng một trong những bài thuốc sau:

Bài 1: Hoàng liên 12g, phác tiêu 8g, kinh giới 16g, hoàng cầm 12g, khổ sâm 16g, phòng phong 12g, chi tử 10g, phòng phong 12g, đại hoàng 4g, hoàng bá 20g. Đem tất cả các vị đun sôi và ngâm rửa thường xuyên để giảm viêm nhiễm và cải thiện triệu chứng nóng rát.

Bài 2: Phèn phi và kha tử mỗi thứ 10g. Đem đun sôi kha tử với nước sôi sau đó pha thêm phèn phi vào, ngâm rửa hậu môn.

Theo các chuyên gia, đối với tình trạng thiếu máu trong bệnh trĩ cần phải điều trị căn nguyên bệnh trước, bởi bệnh trĩ cải thiện thì tình trạng chảy máu cũng sẽ được cải thiện. Vì vậy người bệnh cần thăm khám theo định kỳ để sớm phát hiện và điều trị đúng cách, kịp thời.

Nguồn: suckhoedoisong – benhhoc.edu.vn

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Món ăn thuốc từ sen dễ làm, tác dụng lớn

Tất cả các bộ phận của sen có thể sử dụng trong sinh học đời thường. Đặc biệt, sen có thể làm thuốc, với nhiều tác dụng trong việc bồi bổ cơ thể.

Món ăn thuốc từ sen dễ làm, tác dụng lớn

Món ăn thuốc từ sen

Sen thường thu hái từ tháng 7 đến tháng 9 và bạn có thể tham khảo một trong những món ăn thuốc sau theo gợi ý của trang Bệnh học – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur:

– Chè trứng gà hạt sen: hạt sen 30g, rượu 30ml, đường 30g và trứng gà 1 quả. Hạt sen nấu chín nhừ cho đường, rượu vào khuấy đều, đập trứng vào, đun sôi, ăn trước khi đi ngủ.

Tác dụng: Chè trứng gà hạt sen thích hợp cho người bị bệnh lâu ngày, phụ nữ sau đẻ cơ thể suy nhược, người cao tuổi.

– Chè hạt sen củ súng: hạt sen 30g, củ súng 30g, đường vừa đủ. Tất cả nấu chè, ăn vào bữa sáng. Món ăn thuốc tốt cho người di tinh, đái hạ huyết trắng, tảo tiết, kinh nguyệt quá nhiều, tiểu đêm nhiều.

– Hạt sen hầm thịt lợn: hạt sen 30g, thịt lợn nạc 150g, thêm gia vị hầm nhừ. Ăn ngày 1 lần. Dùng tốt cho phụ nữ sẩy thai liên tiếp, mang thai dọa sẩy, có thai bị đau lưng.

– Nước ép ngó sen tươi: nước ép ngó sen 60-100ml (khoảng 100g tươi) cho uống 1 lần. Nước uống được đánh giá rất tốt cho người bị viêm khí phế quản ho lẫn máu, ngộ độc cua cá,…

– Cháo hạt sen: hạt sen 30g, gạo tẻ 150g. Tất cả đem nấu cháo ăn, thêm đường hoặc muối. Món cháo tốt cho người suy nhược cơ thể, đại tiện lỏng dài ngày.

– Nước ép ngó sen sinh địa củ cải: ngó sen 30g, củ cải 30g, sinh địa 30g. Tất cả xay, ép, lọc lấy nước. Mỗi lần dùng 1 chén (khoảng 100ml) uống với mật hoặc nước đường nóng.

Nước uống thích hợp cho người bị tiểu dắt, buốt.

– Nước ép ngó sen hòa mật: ngó sen tươi 100g, mật mía tươi (hoặc nước mía) 50g (50ml). Ngó sen ép lấy nước, đem khuấy trộn với nước mía, chia 2 lần uống trong ngày.

Tác dụng: Dùng tốt khi bị cảm cúm, trúng nắng, trúng nóng, hoặc khí hậu khô hanh gây kích ứng, sốt, vật vã, khát nước.

– Ngó sen hầm đại táo: ngó sen 150g, đại táo 250g. Ngó sen rửa sạch, cắt đoạn, đại táo cắt thành 2-4 lát. Tất cả đem nấu nhừ, gạn lấy nước uống. Ngó sen hầm đại táo theo các thầy thuốc y học cổ truyền có tác dụng tốt đối với những người bị chảy máu chân răng, ban xuất huyết dưới da, do giảm tiểu cầu, trợ tiêu hóa, khai vị giúp ăn ngon miệng.

Ngó sen tươi có tác dụng tốt đối với cơ thể

– Nước ép ngó sen gừng tươi: ngó sen tươi 30-50g, gừng tươi 5-8g. Tất cả giã nát, vắt lấy nước, chia 3 lần uống trong ngày.

Tác dụng: tốt cho người bị nôn dai dẳng khát nước.

– Đậu xanh hầm ngó sen: ngó sen cả đọt 50-100g cho vào nồi, đổ nước vừa đủ nấu chín ăn. Món này rất tốt cho người bệnh đau mắt đỏ.

– Ngó sen hầm: ngó sen 150-200g, hầm nhừ ăn. Tác dụng chữa thực nhiệt ở hạ tiêu, bổ ngũ tạng.

– Bột gạo hạt sen củ mài phục linh: hạt sen sao 30g, củ mài 30g, gạo tẻ sao vàng 30g, phục linh 15g. Tất cả đem tán thành bột mịn, khuấy trong nước sôi, thêm đường trắng thành dạng chè, ăn ngày một lần sáng hoặc tối. Dùng tốt cho người bị tỳ hư tiêu chảy.

– Hạt sen hầm long nhãn táo tàu: hạt sen, long nhãn mỗi loại 30g, táo tàu 5- 6 quả, đường phèn lượng vừa đủ. Đầu tiên ngâm hạt sen cho nở, bỏ tâm, rửa sạch. Sau đó cho hạt sen, táo tàu, long nhãn vào nồi, đổ nước vừa đủ nấu nhừ, thêm đường phèn.

Tác dụng: bổ huyết dưỡng tâm an thần, làm da tươi nhuận.

Để phù hợp hơn với cơ thể, bạn nên đến các bệnh viện, cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn sử dụng từ những người có chuyên môn. Lưu ý: Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo và không thay thế hoàn toàn cho lời khuyên của bác sĩ, thầy thuốc.

Nguồn: suckhoedoisong – benhhoc.edu.vn

 

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Địa cốt bì: Vị thuốc trị bách bệnh qua bài thuốc món ăn

Địa cốt bì là vị thuốc hay trong y học cổ truyền, có tác dụng trong việc thanh phế, trừ cốt chưng, lương huyết, giáng hỏa, trị được nhiều chứng bệnh thường gặp.

Cây cây câu kỷ tử cho ra địa cốt bì

Đặc điểm về địa cốt bì

Địa cốt bì (kỷ tử cân bì) là vỏ rễ sấy khô của cây câu kỷ tử (Lycium sinense Mill.), họ cà (Solanaceae). Tuy nhiên, một số nơi dùng vỏ rễ cây bọ mảy (đại thanh – Clerodedron cyrtophyllum Turcz.), họ cỏ roi ngựa (Verbenaceae) với tên địa cốt bì.

Theo Đông y, địa cốt bì vị ngọt, tính hàn; vào can, phế và thận. Tác dụng của địa cốt bì bao gồm thanh phế, trừ cốt chưng, lương huyết, giáng hỏa; thường được dùng để điều trị ra mồ hôi trộm, đái tháo đường, hư lao triều nhiệt, ho hen, nôn ra máu, tiểu ra máu, tăng huyết áp, mụn nhọt… Liều dùng: 12 – 20g.

Bài thuốc hay trị bệnh dùng địa cốt bì

Mát phổi, dịu ho: dùng bài Tả bạch tán: địa cốt bì 12g, tang bạch bì 12g, ngạnh mễ 20g, sinh cam thảo 8g. Sắc uống.

Bài thuốc có tác dụng chữa ho do nhiệt ở phổi. Trị viêm phổi, viêm phế quản, sốt nhẹ, ho he.

Lương huyết, trị đau xương: Dùng bài Thang Địa cốt bì: địa cốt bì 12g, tri mẫu 12g, miết giáp 12g, ngân sài hồ 16g, bối mẫu 8g, tần giao 12g, đương quy 12g. Sắc uống.

Tác dụng trị lao phổi, sốt nhẹ, đau nóng trong xương, mồ hôi trộm, tự nhiên ra mồ hôi và các chứng sốt nhẹ khác.

Trị chai chân: địa cốt bì 6g, hồng hoa 3g. Các vị tán bột mịn, thêm dầu vừng trộn đều. Cắt bỏ lớp da cứng ở chai chân rồi đắp thuốc vào. 2 ngày thay thuốc 1 lần.

Cầm máu:

Bài 1: địa cốt bì tươi 30g, rửa sạch, giã nát, thêm ít nước sôi để nguội, lọc lấy nước uống. Trị tiểu ra máu.

Bài 2: địa cốt bì 15 – 20g. Sắc uống trong ngày. Trị nôn ra máu.

Sinh tân dịch, dịu khát:

Bài 1: địa cốt bì 12g, rễ cây lứt 6g, mạch môn 12g. Sắc uống. Chữa ho sốt, khát nước.

Bài 2: địa cốt bì 500g, râu ngô 500g. Chia làm 8 ngày. Sắc uống. Dùng cho người đái tháo đường, biểu hiện tiểu nhiều, miệng khát.

Bài 3: địa cốt bì 250g, rễ dâu 250g. Sắc uống. Trị tăng huyết áp. Nếu nhức đầu, thêm thương nhĩ thảo 24g hoặc cúc hoa 20g.

Vị thuốc địa cốt bì

Món ăn thuốc từ địa cốt bì

Trang Bệnh học – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur dẫn nguồn từ SK&ĐS gợi ý đến độc giả một số món ăn bài thuốc có chứa địa cốt bị trị bệnh:

Cháo địa cốt bì: địa cốt bì 30g, mạch đông 15g, tang bạch bì 15g, bột miến dong 100g. Đem 3 loại dược liệu cùng sắc lấy nước, đem nước sắc này nấu hồ cháo với bột miến dong.

Dùng tốt cho bệnh nhân đái tháo đường, gầy yếu suy kiệt, khát nước uống nhiều.

Canh địa cốt bì gan lợn: địa cốt bì 20g, thiến thảo 20g, lá khởi tử 20g, gan lợn 120g. Sắc dược liệu bỏ bã lấy nước; gan lợn rửa sạch, thái nhỏ, nấu với nước sắc dược liệu. Ăn trong ngày.

Trị trẻ em cam tích sốt nhẹ.

Cháo thận dê lá khởi: lá khởi tử 500g, thịt dê 250g, thận dê 2 đôi, gạo tẻ 250g, hành 5 củ. Thịt dê và thận dê làm sạch thái lát, lá củ khởi dùng vải xô gói lại. Gạo tẻ vo sạch. Tất cả cùng cho trong nồi, thêm nước nấu cháo, cháo chín nhừ nêm gia vị, chia ăn trong ngày, ăn nóng.

Cháo thận dê lá khởi thường được sử dụng và có hiệu quả cho người di tinh liệt dương đau bại vùng thắt lưng, thận hư suy giảm tính dục, đau mỏi đầu gối.

Lưu ý: Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo và không có tác dụng thay thế hoàn toàn cho lời khuyên của bác sĩ, thầy thuốc. Đặc biệt với những người bị cảm mạo phong hàn mà phát sốt thì không nên dùng.

Nguồn: suckhoedoisong.vn – benhhoc.edu.vn

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Điều trị viêm nha chu theo phương pháp YHCT

Viêm nha chu là căn bệnh thường gặp với các biểu hiện như hôi miệng, răng lợi đau, chân răng bị sưng làm mủ,… Ngoài phương pháp điều trị hiện đại, y học cổ truyền cũng được nhiều người bệnh lựa chọn.

Biểu hiện của bệnh viêm nha chu

Viêm nha chu là gì?

Viêm nha chu là tình trạng viêm nhiễm mạn tính ở mô lợi, mô nha chu nâng đỡ của răng và xương ổ răng. Người bệnh có triệu chứng như răng lợi đau, miệng hôi, chân răng bị sưng làm mủ, răng bị đen xám, bản thân răng cũng bị hủy hoại hoặc dễ mẻ vỡ tự nhiên khiến lợi và răng không bám vào nhau làm lung lay nghiêng ngả. Bên cạnh đó người bệnh có thể bị di, mộng tinh, đau lưng, mỏi gối,…

Theo y học cổ truyền (YHCT), nguyên nhân gây viêm nha chu ban đầu do vị hỏa tích kết hợp với phong nhiệt gây nên bệnh cấp tính (thực chứng). Tình trạng bệnh diễn ra trong thời gian dài không được điều trị làm thận âm hư, vị âm hư, tân dịch suy giảm gây hư hỏa bốc lên thành bệnh mạn tính (hư chứng).

Bài thuốc điều trị viêm nha chu bằng phương pháp YHCT

Phần lớn các trường hợp mất răng ở người trưởng thành là do bệnh viêm nha chu gây nên. Do đó người bệnh cần ý thức được việc vệ sinh răng miệng đúng cách cũng như điều trị bệnh ngay khi bệnh xuất hiện. Tùy theo mỗi trường hợp mà người bệnh có thể áp dụng các bài thuốc tương ứng:

Thể cấp tính: Chân răng đỏ sưng đau, ấn mạnh có thể ra mủ; trường hợp nặng bệnh có thể gây táo bón, sốt, ăn kém, có hạch ở dưới hàm. Điều trị bằng cách tiêu thũng, sơ phong thanh nhiệt. Người bệnh có thể dùng một số bài thuốc sau:

Bài 1: Bạc hà 8g, ngưu bàng tử 12g, hạ khô thảo 16g, bồ công anh 20g, kim ngân hoa 16g, tạo giác thích 8g. Sắc uống.

Bài 2: Ngưu bàng giải cơ thang gia giảm: ngưu bàng 12g, hạ khô thảo 12g, bạc hà 6g, xích thược 8g, kim ngân 20g, sơn chi 12g, liên kiều 20g, xuyên sơn giáp 6g, tạo giác thích 20g. Sắc uống.

Bài 3: Phòng phong 12g, kinh giới 12g, , thạch cao sống 20g, bạch chỉ 12g. Sắc uống. Trị đau do sưng lợi răng.

Bài 4: Thanh vị thang gia giảm: hoàng liên 8g, thăng ma 4g, sinh địa 20g, thạch cao (sắc trước) 40g, đan bì 8g, kim ngân hoa 16g, ngưu bàng tử 12g, liên kiều 16g, bạc hà (cho sau) 8g. Sắc uống.

Hoàng liên – vị thuốc hay trong bài trị viêm nha chu

Bài 5. Thuốc cam xanh (ngũ bội tử 0,1g, thanh đại 0,39g, mai hoa băng phiến vừa đủ 0,6g, bạch phàn 0,1g). Mỗi lần dùng 0,05g – 0,1g. Súc miệng sạch, dùng tăm bông chấm thuốc, bôi đều lên chỗ đau; giữ thuốc tại chỗ đau càng lâu càng tốt (bôi thuốc sau bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ). Thuốc có bán tại các nhà thuốc.

Người bệnh có thể kết hợp day bấm các huyệt: giáp xa, hợp cốc, hạ quan, nội đình.

Thể mạn tính: Chân răng đỏ, đau ít, viêm ít, có mủ ở chân răng, răng lung lay, họng khô, miệng hôi, đầu lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít, mạch tế sác. Phép chữa là dưỡng âm thanh nhiệt. Dùng một trong các bài:

Bài 1: Trị nha tiên đơn: hoàng liên 3g, sinh địa 32g, chi tử 8g, thạch cao 20g, hoàng cầm 6g, tri mẫu 6g, huyền sâm 32g, thục địa 32g. Sắc uống.

Bài 2: Bạch thược 8g; huyền sâm, sinh địa, sa sâm, kỷ tử, quy bản, ngọc trúc mỗi vị 12g, kim ngân hoa 16g. Sắc uống.

Bài 3: Lục vị hoàn gia giảm: trạch tả, sơn thù, đan bì, tri mẫu, phục linh, hoàng bá mỗi vị 8g; hoài sơn, thục địa, ngọc trúc, bạch thược, thăng ma, kỷ tử mỗi vị 12g. Sắc uống.

Bài 4: Thuốc cam xanh. Thời gian điều trị lâu hơn thể cấp tính.

Người bệnh có thể kết hợp day bấm các huyệt giáp xa, hợp cốc, hạ quan, túc tam lý, thái khê, thận du, nội đình, theo thầy thuốc – giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur.

Vị trí huyệt Giáp xa

Vị trí huyệt:

Giáp xa: Ở dưới tai 0,8 tấc, đầu của xương quai hàm, nơi cơ cắn nhô lên cao nhất khi bệnh nhân cắn chặt răng.

Hợp cốc: Kẽ xương đốt bàn tay, huyệt ở trên cơ liên cốt mu tay 1, phía dưới trong xương đốt bàn tay 2.

Hạ quan: Chỗ lõm dưới cung tiếp xương má, trước lồi cầu của xương hàm dưới – ngang nắp tai.

Túc tam lý: Từ độc tỵ đo xuống 3 tấc, huyệt cách mào chày 1 tấc.

Thái khê: Từ gồ cao của mắt cá trong xương chày đo ngang ra phía sau 0,5 tấc.

Thận du: Từ mỏm gai đốt sống lưng L2 – L3 đo ra 1,5 tấc.

Nội đình: Kẽ ngón chân 2 – 3 đo lên về phía mu chân 0,5 tấc.

Trên đây là những bài thuốc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho lời khuyên của bác sĩ, thầy thuốc. Vì vậy, bạn nên tìm đến các thầy thuốc uy tín để được tư vấn cụ thể cho trường hợp của mình.

Nguồn: suckhoedoisong – benhhoc.edu.vn

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Trị ngộ độc thực phẩm đơn giản từ bài thuốc dân gian rẻ tiền

Trong cuộc sống có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm. Vì vậy việc biết được các bài thuốc điều trị ngộ độc đơn giản sẽ giúp bạn tránh khỏi kết quả không mong muốn.

Ngộ độc thực phẩm có nhiều nguyên nhân gây ra

Nguyên nhân gây ngộ độc thức ăn có thể kể đến như do nấm mốc, ký sinh trùng, vi khuẩn, các chất gây ô nhiễm, do chất gây dị ứng, chế biến bảo quản thực phẩm với các chất phụ gia độc hại, rau quả có chứa lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật,…

Biểu hiện của chứng ngộ độc thực phẩm gồm: trướng bụng, đau bụng dưới, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, mẩn ngứa, dị ứng,…các triệu chứng sẽ giảm dần trong vòng 48 giờ. Trong trường hợp nhẹ, người bệnh có thể chữa trị ngay tại nhà hoặc điều trị sơ cứu bằng một trong những bài thuốc dân gian hay y học cổ truyền. Trong trường hợp nặng, bạn cần đến cơ sở y tế trong thời gian sớm nhất.

Chữa ngộ độc thức ăn

Bài 1: Hạt đậu xanh nghiền sống hòa nước, uống thật nhiều để nôn ra và giải độc.

Bài 2: Quả khế (2-3 quả) ép lấy nước uống.

Bài 3: Củ chuối tiêu thái miếng cho đầy nồi, đổ ngập nước, nấu với 40g muối, lấy 0,5 lít nước sắc uống để gây nôn. Quả chuối xanh chát, chuối hột non thái lát làm rau ăn sống với sứa, cá gỏi cùng với rau thơm để cho bớt tanh và phòng tiêu chảy.

Điều trị nôn, đầy bụng giải độc thức ăn, giúp tiêu hóa: Hạt thìa là 3-6g nhai nuốt.

Nếu ngộ độc gây tiêu chảy: Tỏi 100g sắc với 300ml, còn 100ml uống ấm.

Bài thuốc điều trị ngộ độc thực phẩm bằng gừng sống và hành trắng

Chữa dị ứng mẩn ngứa do ăn hải sản

Bài 1: Gừng sống và hành trắng, mỗi vị 15-20g cho vào ấm đậy kín sắc lấy nước uống nóng.

Bài 2: Lá tía tô một nắm giã vắt lấy nước cốt uống, lấy bã xát vào chỗ ngứa. Lưu ý kiêng dầm nước và ra gió.

Chữa ngộ độc thức ăn gây đau bụng, nôn nhiều, đại tiện lỏng

Bài 1: Đậu ván trắng 20g, hậu phác 12g, hương nhu 16g, sắc uống.

Bài 2: Giềng khô, củ gấu, gừng khô, lượng bằng nhau, tán nhỏ, uống mỗi lần 6g, ngày uống 3 lần.

Chữa ngộ độc thức ăn gây nôn mửa, tiêu chảy

Đậu ván trắng 20g, hương nhu 16g, hậu phác 12g. Sắc uống.

Giải độc đối với ngộ độc thịt và nấm

Cam thảo bắc (không sao, đồ mềm, sấy khô) 20g, đại hoàng 20g. Sắc uống.

Theo thầy thuốc Hữu Định – giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur, người bệnh mắc chứng ngộ độc cần theo dõi thường xuyên nhiệt độ, số lần đi đại tiện, tính chất dịch ói, phân và nước tiểu. Nếu xuất hiện các trường hợp như: đau bụng nhiều, nôn nhiều, chất nôn có máu hoặc ngả màu xanh, sốt cao, phân có máu, khát nhiều, trẻ em không thể uống được hoặc bỏ bú, mệt nhiều, bụng sình, nhức đầu hoặc bệnh kéo dài trên 2 ngày.

Thực hiện an toàn thực phẩm phòng tránh ngộ độc thực phẩm

Cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

Tốt nhất các thực phẩm tiêu thụ vào cơ thể cần đảm bảo an toàn và hợp vệ sinh. Bạn nên chọn các loại thực phẩm chế biến an toàn, tránh đồ ô nhiễm.

Lưu ý cần ăn chín uống sôi; bảo quản thức ăn đã nấu cẩn thận, tốt nhất là giữ trong tủ lạnh, không để ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ.

Hâm kỹ lại thức ăn trước khi ăn.

Đặc biệt hãy tạo thói quen cho bản thân và trẻ nhỏ rửa tay trước khi ăn, người lớn rửa tay trước khi chế biến thức ăn hoặc cho bé ăn và sau khi đi vệ sinh.

Hãy là bác sĩ của chính bạn bằng những kiến thức y học bằng cách tạo cho mình lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học và không quên tuân theo chỉ định điều trị của bác sĩ nếu được chẩn đoán ngộ độc thực phẩm.

Nguồn: suckhoedoisong – benhhoc.edu.vn

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Hướng dẫn dùng bạch tuyết hoa trị bệnh

Bạch tuyết hoa được sử dụng trong nhiều bài thuốc điều trị với tác dụng tán ứ, giảm đau, giải độc, tiêu thũng, khử phong…

Hướng dẫn dùng bạch tuyết hoa trị bệnh

Bạch tuyết hoa còn có tên gọi khác như cây lá đinh, thiên lý cập, bạch hoa xà, đuôi công, đuôi công hoa trắng,… Cây cao 0,3 – 0,6m, có gốc dạng thân rễ. Là cây cỏ mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi để làm thuốc.

Lá mọc so le, hình trái xoan, nhẵn, nhưng hơi trắng ở mặt dưới. Hoa màu trắng, thành bông ở ngọn và ở nách lá, phủ lông dính, tràng hoa dài gấp đôi đài. Cây ra hoa quả gần như quanh năm. Cây được thu hái lá và rễ quanh năm. Rễ sau khi đào về sẽ được đem rửa sạch, cắt đoạn ngắn rồi phơi khô dùng dần nhưng nếu dùng tươi tốt hơn.

7 bài thuốc điều trị bệnh có dùng bạch tuyết hoa

Bạch tuyết hoa được sử dụng trong nhiều bài thuốc điều trị bệnh. Người bệnh có thể tham khảo những bài thuốc y học cổ truyền dưới đây để giúp bản thân khỏe mạnh hơn:

Bài 1: Chữa kinh nguyệt không đều (bế kinh) thể huyết ứ: bạch tuyết hoa (toàn cây) 16g, lá móng tay 40g, cam thảo đất 16g, nghệ đen 20g. Tất cả rửa sạch cho vào ấm đổ 700ml nước sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.  Khi thấy kinh phải ngừng uống ngay.

Bài 2: Chữa bong gân: Rễ bạch tuyết hoa 20g, cam thảo đất 16g. Đổ 500ml nước sắc còn 150ml, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng từ 3-5 ngày.

Bài 3: Trị bầm tím do chấn thương: Rễ hoặc lá bạch tuyết hoa rửa sạch, sao ấm, đắp lên chỗ sưng đau ngày 2 – 4 lần, dùng liền 3 ngày.

Bài 4: Hỗ trợ điều trị phong thấp: Rễ bạch tuyết hoa 12g, thổ phục linh 16g, dây đau xương 12g. Sắc uống ngày một thang. Tất cả rửa sạch, cho 500ml nước sắc còn 150ml, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng 10 ngày một liệu trình.

Bạch tuyết hoa trị bệnh tăng huyết áp hiệu quả

Bài 5: Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp: Bạch tuyết hoa (toàn cây) 16g, hoa đại 12g, lá dâu 20g, hạt muồng 16g, ích mẫu 12g, cỏ xước 12g. Tất cả rửa sạch cho vào ấm đổ 800ml nước sắc còn 250ml, chia 3 lần uống trong ngày. Dùng 10 ngày một liệu trình.

Bài 6: Chữa mụn, nhọt sưng tấy: Lá bạch tuyết hoa, giã nát. Để 2 lớp vải sạch (gạc)  phủ trên mụn nhọt. Sau đó đắp lá bạch tuyết hoa, chỉ đắp khoảng 15 -20 phút, khi nào thấy hơi nóng cần bỏ ra, có tác dụng làm tan nhọt.

Bài 7: Chữa ghẻ khô: Lấy 20g rễ bạch tuyết hoa, sắc lấy nước. Dùng nước này để bôi ghẻ, ngày 3 lần, bôi từ 3-5 ngày.

Tuy nhiên thầy thuốc Hữu Định – giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cần lưu ý rằng, mỗi người có một cơ địa khác nhau, các vị thuốc theo đó cũng sẽ được gia giảm một cách phù hợp. Vì vậy nếu muốn sử dụng một trong những bài thuốc trên, bạn nên tham khảo ý kiến từ những người có chuyên môn; tốt nhất nên khám tại các bệnh viện, cơ sở y tế uy tín để được tư vấn bài thuốc phù hợp với cơ địa cũng như tình trạng bệnh.

Lưu ý: Phụ nữ có thai không dùng bài thuốc có bạch tuyết hoa.

Nguồn: suckhoedoisong – benhhoc.edu.vn

 

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Khiếm thực trong y học cổ truyền có tác dụng gì?

Khiếm thực trong y học cổ truyền là một trong những vị thuốc được dùng trong các bài thuốc với nhiều tác dụng chữa bệnh hiệu quả.

Khiếm thực được sử dụng trong nhiều bài thuốc YHCT chữa bệnh

Vài nét về vị thuốc khiếm thực

Khiếm thực còn gọi bằng tên kê đầu mễ, đao khiếm,.., là nhân hạt đã chín già của cây khiếm thực (Euryale ferox Salisb.), họ súng (Nymphaeaceae).

Trong khiếm thực chứa nhiều protein, tinh bột, cellulose, Ca, P, Fe; các sinh tố B, C, caroten và acid nicotinic. Khiếm thực Nam có protein, carbohydrat, chất béo, chất xơ…, nupharin (thuộc nhóm hợp chất oestrogen).

Hiện nay, ở Việt Nam hay dùng củ của cây súng nhỏ (Nymphaea stellata Wild.) gọi là khiếm thực Nam thay cho khiếm thực Bắc. Do đó bạn cần chú ý phân biệt khi sử dụng.

Tác dụng của vị thuốc khiếm thực trong Đông y

Khiếm thực trong Đông y có vị ngọt, sáp, tính bình; vào thận, tỳ. Vị thuốc có tác dụng bổ tỳ, chỉ tiết tả, cố thận sáp tinh, trừ thấp tiêu trệ; trị các bệnh như di tinh di niệu, tỳ hư tiết tả, khí hư huyết trắng. Ngày dùng 15 – 30g bằng cách sắc, tán bột, luộc, ninh.

Theo giảng viên YHCT – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur, những bài thuốc Đông y có sử dụng khiếm thực bạn có thể tham khảo như:

Tác dụng kiện tỳ, cầm tiêu chảy:

Bài 1: Khiếm thực 30g, sơn dược 30g, biển đậu 30g, phục linh 30g, liên nhục 30g, bạch truật 30g, hạt ý dĩ 30g, nhân sâm 8g. Các vị tán bột, ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 6 – 8g. Chữa chứng tỳ hư bất vận, tiêu chảy lâu ngày, người mệt mỏi, ăn uống kém.

Khiếm thực có tác dụng kiện tỳ, cầm tiêu chảy

Bài 2: Khiếm thực 12g, bạch truật 8g, sơn dược 12g, đảng sâm 12g, ý dĩ nhân 12g, phục linh 12g, trần bì 12g, thần khúc 8g, trạch tả 8g, cam thảo 4g. Sắc uống nóng. Trị trẻ em tỳ hư, tiêu hóa kém, tiêu chảy kéo dài.

Tác dụng cố tinh, ích thận:

Bài 1: Khiếm thực 40g, sa uyển tử 40g, liên tử 40g, long cốt 20g, mẫu lệ 20g. Liên tử nấu thành hồ, trộn với bột của các dược liệu khác làm hoàn. Ngày uống 16 – 20g. Bài thuốc có tác dụng điều trị di tinh, tinh tự ra.

Bài 2: Khiếm thực, kim anh tử lượng bằng nhau, xay bột mịn, làm hoàn. Mỗi lần uống 8g, chiêu với nước cơm. Tác dụng trị chứng di tinh, bạch trọc (tinh tự ra, tiểu đục).

Tác dụng trị đái tháo đường: Khiếm thực 63g, gan lợn 100 – 200g, nấu chín ăn.

Tác dụng thử thấp, chỉ đới:

Bài 1: Bột khiếm thực, bột phục linh, liều lượng bằng nhau, luyện với mật làm hoàn. Mỗi lần uống 12g, chiêu với nước muối nhạt. Bài thuốc có tác dụng trị bạch đới.

Bài 2: Khiếm thực 12g, sơn dược 20g, bạch quả 12g, xa tiền tử 12g, hoàng bá 8g. Tất cả nghiền bột hoặc sắc uống. Trị chứng thấp nhiệt đới hạ.

Kiêng kỵ: người bị táo bón đầy trướng bụng, cảm cúm mới phát không được dùng.

Trên đây là những bài thuốc sử dụng vị thuốc khiếm thực có tác dụng điều trị bệnh, tuy nhiên không phải đối tượng nào cũng có thể sử dụng. Vì vậy để đảm bảo hiệu quả và an toàn, bạn nên tìm đến các bác sĩ, thầy thuốc Đông y uy tín, có trình độ chuyên môn để khám và điều trị đúng cách.

Nguồn: suckhoedoisong.vn – benhhoc.edu.vn

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Hướng dẫn phòng trị viêm chân răng theo Y học cổ truyền

Viêm chân răng là bệnh răng miệng phổ biến. Bên cạnh phương pháp điều trị hiện đại, bạn cũng có thể phòng trị viêm răng theo Y học cổ truyền.

Biểu hiện của viêm chân răng

Biểu hiện và nguyên nhân gây viêm chân răng

Nếu thấy phần chân răng bị sưng nhẹ, đau, đỏ ở lợi hoặc chảy máu khi đánh răng thì có thể bạn đã bị viêm chân răng. Nguyên nhân có thể do nhiễm khuẩn tại chỗ. Theo thời gian, những vi khuẩn trong mảng bám răng sẽ dày lên thành cao răng gây chảy máu chân răng và hôi miệng.

Theo y học cổ truyền, viêm chân răng do ngoại cảm phong tà kết hợp với phong nhiệt gây nên bệnh cấp tính. Bệnh kéo dài lâu ngày thận âm hư, vị âm hư, dạ dày tích nhiệt, thận hư hỏa vượng tân dịch giảm, vi khuẩn đục chân răng gây nên thành bệnh mạn tính.

Để phòng bệnh viêm chân răng, cách đơn giản và tốt nhất là chải răng sau khi ăn sẽ giúp làm sạch mảng bám răng. Kiểm tra răng miệng định kỳ tại các phòng khám răng uy tín 6 tháng/1 lần để làm sạch răng và phát hiện sớm các bệnh vùng họng miệng.

Điều trị viêm chân răng bằng phương pháp y học cổ truyền

Giảng viên YHCT – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur, thầy thuốc Hữu Định cho hay, bạn có thể tham khảo một số bài thuốc dưới đây để điều trị viêm chân răng. Tùy thể thể bệnh mà áp dụng bài thuốc phù hợp.

Vị thuốc Ngưu bàng tử trong bài thuốc điều trị viêm chân răng

Thể cấp tính

Biểu hiện: Lợi bị sưng, đau, phù nề, ấn mạnh có thể ra mủ, nếu đau nặng có thể gây sốt, ăn uống kém, đại tiện táo, có hạch ở dưới hàm.

Phương pháp điều trị: Thanh nhiệt, sơ phong, tiêu thũng.

Bài thuốc: Dùng một trong số bài thuốc sau, sắc uống ngày một thang.

Bài 1: ngưu bàng tử 12g, bạc hà 6g, hạt khô thảo 8g, chi tử 12g, kim ngân 20g, liên kiều 20g, tạo thích giác 20g, xuyên sơn giáp 6g.

Bài 2: ngưu bàng tử 12g, bạc hà 8g, hạt khô thảo 16g, kim ngân hoa 16g, bồ công anh 20g, gai bồ kết 8g.

Bài 3: thăng ma 4g, hoàng liên 8g, sinh địa 20g, đan bì 8g, thạch cao 40g, kim ngân hoa 16g, liên kiều 16g, ngưu bàng tử 12g, bạc hà 8g.

Thể mạn tính

Biểu hiện: Lợi đỏ, có cảm giác mềm hơn bình thường, có mủ chân răng, răng lung lay, hơi thở hôi, họng khô, đầu lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít, mạch tế sác.

Phương pháp điều trị: Dưỡng âm thanh nhiệt.

Bài thuốc: Dùng 1 trong 2 bài thuốc sau, sắc uống ngày 1 thang.

Bài 1: hoài sơn 12g, trạch tả 8, thục địa 12g, sơn thù 8g, đan bì 8g, phục linh 8g, ngọc trúc 12g, thăng ma 12g, tri mẫu 8g, hoàng bá 8g, bạch thược 12g, kỷ tử 12g.

Bài 2: sa sâm 12g, bạch thược 8g, sinh địa 12g, huyền sâm 12g, kỷ tử 12g, kim ngọc trúc 12g, ngân hoa 16g, quy bản 12g.

Nguồn: suckhoedoisong.vn – benhhoc.edu.vn

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Món ăn bài thuốc tác dụng dưỡng gan, tăng cường thị lực

Đông y diệu kỳ không chỉ với những bài thuốc trị bệnh hay mà còn bởi những món ăn thuốc mang tác dụng tuyệt vời trong việc dưỡng gan, tăng cường thị lực.

Món ăn bài thuốc tác dụng dưỡng gan, tăng cường thị lực

Theo y học cổ truyền, yếu tố bẩm sinh hoặc bệnh tật đều là nguyên nhân khiến can thận suy yếu, khí huyết hư suy. Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể tham khảo một số món ăn bài thuốc dưới đây có tác dụng bổ dưỡng can thận, ích khí dưỡng huyết giúp tăng cường thị lực.

Món ăn thuốc tác dụng dưỡng gan, tăng cường thị lực

Canh gan lợn, rau chân vịt: gan lợn 100g, rau chân vịt 150g, gừng, hành, bột gia vị, dầu ăn vừa đủ.

Thực hiện: Gan rửa sạch thái mỏng, rau rửa sạch cắt ngắn. Đổ nước vào nồi, cho gừng băm nhỏ, dầu ăn, bột gia vị, đun to lửa cho sôi rồi cho gan và rau vào, gan chín là được, ăn trong bữa.

Tác dụng: Dưỡng huyết, bổ gan, bổ âm nhuận táo. Trị cận thị, hoa mắt, nhìn vật lờ mờ, váng đầu ù tai.

Canh gan lợn trứng gà: gan lợn 200g, trứng gà 1 quả, hành lá.

Thực hiện: Gan rửa sạch thái lát, cho nước luộc chín, đập trứng vào khuấy đều cho hành, nêm gia vị. Ăn tùy ý.

Tác dụng: Bổ huyết, dưỡng gan, sáng mắt. Điều trị cận thị, quáng gà.

Cháo quyết minh cúc hoa: quyết minh tử 15g, cúc hoa 8g, gạo lức 100g.

Thực hiện: Quyết minh tử sao cho thơm, hoa cúc trắng sao qua, hai thứ cho vào nồi, đổ 200ml nước ninh còn 100ml, bỏ bã, cho thêm nước vừa đủ rồi cho gạo đã vo sạch và đường phèn vào nấu cháo. Ngày ăn 1-2 lần, ăn liền 5-7 ngày là một liệu trình.

Tác dụng: Bổ can, tỳ. Trị hoa mắt, cận thị, đục thủy tinh thể.

Canh gan lợn kỷ tử: gan lợn 200g, kỷ tử 100g.

Thực hiện: Rửa sạch gan, thái mỏng cho vào nồi, đổ nước vừa đủ, nấu chín gan cho kỷ tử vào đun sôi, nêm gia vị. Ăn kèm trong bữa.

Tác dụng: Thanh nhiệt, giải độc, dưỡng huyết, sáng mắt. Công dụng trị mắt cay nhức, chảy nước mắt, thị lực giảm, quáng gà.

Cháo gan dê dưỡng can sáng mắt

Cháo gan dê: Gan dê 1 cái, gạo 60g, hành, bột gia vị vừa đủ.

Thực hiện: Gan dê rửa sạch thái miếng, đổ nước vừa đủ đun chín, cho gạo đã vo sạch vào nấu cháo, cháo chín cho gia vị. Ngày ăn 1 lần, ăn liền 7 ngày.

Tác dụng: Dưỡng can sáng mắt. Điều trị quáng gà, hoa mắt, cận thị, theo thầy thuốc YHCT, giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur.

Cháo củ từ dạ minh sa: dạ minh sa 10g, gạo lức 60g, củ từ 30g, dây tơ hồng 10g, đường đỏ vừa đủ.

Thực hiện: Tất cả cho vào túi vải đổ 1.000ml nước, ninh còn 500ml, cho gạo đã vo sạch vào nấu cháo, cháo chín cho đường. Ăn trong ngày, liền 15-20 ngày.

Tác dụng: Bổ tỳ, can. Trị cận thị hoa mắt, đục thủy tinh thể.

Cháo kỷ tử: Câu kỷ tử 20g, gạo nếp 50g, đường trắng vừa đủ.

Thực hiện: Tất cả cho vào nồi, đổ nước nấu cháo. Ăn vào sáng và tối, có thể ăn lâu dài.

Tác dụng: Dưỡng âm, ích tinh, bổ huyết, minh mục. Trị hoa mắt chóng mặt, thị lực giảm, cận thị, váng đầu ù tai, lưng gối mỏi, viêm gan mạn tính, xơ cứng động mạch.

Hi vọng những thông tin trên mang đến cho bạn những kiến thức cần thiết. Tuy nhiên điều này không thể thay thế hoàn toàn cho lời khuyên của bác sĩ, thầy thuốc có chuyên môn. Vì vậy bạn nên đến các cơ sở y tế, phòng khám để được tư vấn bài thuốc, món ăn thuốc phù hợp với cơ thể.

Nguồn: suckhoedoisong.vn – benhhoc.edu.vn

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Tham khảo trị viêm tắc tĩnh mạch theo y học cổ truyền

Viêm tắc tĩnh mạch nếu không được điều trị đúng cách, kịp thời có thể gây ra những hệ lụy không mong muốn. Theo đó, những phương pháp trị viêm tắc tĩnh mạch bằng y học cổ truyền đang được nhiều người tìm đến và áp dụng.

Biểu hiện viêm tắc tĩnh mạch

Nguyên nhân gây bệnh viêm tắc tĩnh mạch do:

  • Mạch lạc bị nghẽn tắc khí huyết không được lưu thông.
  • Do người bệnh ăn nhiều chất béo mỡ hoặc hút thuốc, nghiện rượu là những yếu tố thuận lợi để phát sinh bệnh.
  • Thận khí hư tổn.
  • Người bệnh cảm thụ hàn thấp.
  • Tổ chức bì phu cơ nhục không được nuôi dưỡng gây nên bệnh.
  • Người bệnh bị ứ đọng, nhiễm độc.
  • Do hàn và thấp ứ đọng lâu ngày làm cản trở vận hành của kinh mạch, khí huyết.

Để điều trị viêm tắc tĩnh mạch, y học cổ truyền áp dụng các phép trị sau:

Phép điều trị ôn kinh, tán hàn, hoạt huyết, thông lạc

Biểu hiện: Người mệt mỏi, thích ấm sợ lạnh, sắc mặt tái nhợt, chi mắc bệnh lạnh sắc da tái nhợt, tê dại đau, cẳng chân, tay hay giật, chườm nóng hoặc đắp ấm dễ chịu, đau mỏi tăng dần, nhiều khi đang đi phải đứng lại vì đau (đau cách hồi), đầy bụng hoặc sôi bụng, đại tiện lỏng, tiểu tiện trong; lưỡi nhợt, rêu trắng mỏng; Mạch trầm trì vô lực.

Bài thuốc: Đào hồng tứ vật thang gia giảm: xích thược 12g, đương quy 12g, đào nhân 10g, quế chi 8g, hồng  hoa 8g, đan sâm 12g, tang ký sinh 16g, ngưu tất 16g, bạch giới tử 8g, xuyên luyện tử 12g, sinh hoàng kỳ 12g, hắc phụ tử 10g, bào khương 8g.

Cách dùng: Các vị trên sắc với 2.000ml nước, sắc lọc bỏ bã lấy 200ml.  Sắc uống ngày 1 thang, chia làm 3 lần.

Phép điều trị thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết thông lạc

Biểu hiện: Người bứt rứt khó chịu, ù tai chóng mặt, sắc mặt sạm khô, chi mắc bệnh đen tím, sưng to mọng, tại chỗ bắt đầu lở loét hoại tử, đau liên tục, chảy nước hoặc chảy máu, mủ, chi phù da bóng; chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng dày. Mạch tế sác.

Bài thuốc: Tứ diệu thang gia giảm: đương quy 12g, hoàng kỳ 16g, kim ngân hoa 16g, đan sâm 12g, sinh cam thảo 6g, tử thảo nhung 12g, ngưu tất 12g, xích thược 12g, nhũ hương 10g, địa miết trùng 10g, một dược 10g, địa long 12g.

Cách dùng: Các vị trên sắc với 2.000ml nước, sắc lọc bỏ bã lấy 200ml. Sắc uống ngày 1 thang chia làm 3 lần.

Vị thuốc đương quy trong bài thuốc điều trị viêm tắc tĩnh mạch

Phép điều trị bổ khí dưỡng huyết, hoạt huyết thông lạc

Biểu hiện: Người gầy yếu, mệt mỏi, ra nhiều mồ hôi, chi bị bệnh đau ít hoặc đỡ đau, máu hoặc nước vàng, vết loét lâu ngày chảy mủ, không liền miệng, da sắc vàng sạm; Chất lưỡi bệu, nhợt, mạch trầm tế vô lực.

Bài thuốc: Cố bộ thang gia giảm: đương quy 12g, kim ngân hoa 16g, thạch hộc 12g, sâm cát lâm 10g, hoàng kỳ 16g, xuyên sơn giáp 10g, ngưu tất 12g, theo thầy thuốc YHCT Hữu Định – giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur.

Cách dùng: Các vị trên sắc với 2.000ml nước, lọc bỏ bã lấy 200ml. Sắc uống ngày 1 thang chia làm 3 lần.

Phép điều trị hoạt huyết khứ ứ, hành khí giải uất

Biểu hiện: Sắc mặt tối sạm, tinh thần bứt rứt, dễ nóng nảy, ủ rũ, đêm đau tăng, chân hoặc tay lạnh, sắc da thâm tím, khô; chất lưỡi đỏ hoặc tím thâm. Mạch trầm tế.

Bài thuốc: Thông mạch hoạt huyết thang: hoàng kỳ 16g, đương quy 12g, sinh địa 12g, kim ngân hoa 10g, huyền sâm 12g, bồ công anh 10g, đan sâm 12g, tử hoa địa đinh 12g, hồng hoa 8g, một dược 10g, nhũ hương 10g, cam thảo 6g, diên hồ sách 8g.

Cách dùng: Các vị trên sắc với 2.000ml nước, lọc bỏ bã lấy 200ml. Sắc uống ngày 1 thang chia làm 3 lần.

Các bài thuốc trên chỉ mang tính chất tham khảo, bạn không nên tự ý sử dụng khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Vì vậy bạn nên đến các cơ sở y tế, phòng khám đông y uy tín để được khám và điều trị đúng cách.

Nguồn: suckhoedoisong.vn – benhhoc.edu.vn

Exit mobile version