Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Đông y sử dụng cây lu lu làm thuốc như thế nào?

Lu lu là vị thuốc được sử dụng nhiều trong y học cổ truyền với mục đích điều trị các bệnh như ung thũng, viêm khí quản mạn tính, viêm thận cấp tính,… Việc sử dụng lu lu đúng cách, đúng bệnh sẽ giúp vị thuốc phát huy hiệu quả tối đa.

Cây thuốc lu lu

Trong các sách dược thảo của Trung Hoa, lu lu còn được gọi với cái tên như long quỳ, khổ quỳ, khổ thái, lão nha toan tương thảo, thiên già tử, gia cầu, thiên già miêu nhi… Tên khoa học Solanum nigrum L., thuộc họ Cà (Solanaceae). Một số nước châu Á, châu Âu dùng cây này làm rau ăn nhưng phải nấu chín, tuy nhiên đôi khi phải đổ bỏ 2 – 3 nước đầu đi. Riêng quả có độc không dùng. Bộ phận dùng làm thuốc thu hái toàn cây phơi hay sấy khô.

Trong thời gian gần đây, các nhà khoa học Trung Quốc còn phát hiện tác dụng tăng cường miễn dịch, chống nọc rắn độc và chống ung thư. Liều dùng từ 15 – 30g sắc lấy nước uống. Dùng ngoài giã đắp hoặc nấu nước rửa vết thương.

Đặc biệt lưu ý: Những tác dụng phụ như nôn mửa, đau bụng, ỉa chảy, rối loạn tâm thần, hôn mê, đau đầu, giãn đồng tử, tim đập nhanh sau chậm lại,… thường xuất hiện khi dùng quá 150g trong ngày (Theo sách Thảo mộc liệu pháp).

Điều trị bệnh từ cây thuốc lu lu

Chữa phù thũng, tiểu tiện không thông: dùng cả cây lu lu khô 15g, rau mùi 20g, mộc thông 15g, sắc nước uống trong ngày.

Chữa cảm sốt, sưng họng, ho nhiều đờm: 20 – 30g cây lu lu tươi, giã nát, chế nước đã đun sôi vào, vắt lấy nước cốt chia 2 lần uống trong ngày. 5 ngày 1 liệu trình.

Ngoài ra có thể dùng rễ nụ áo 100g, hạt tiêu đen 2,5g, rễ ké hoa vàng 100g, mỗi lần uống 3 – 5g.

Chữa các loại nhọt độc sưng đau, hậu bối: dùng lá lu lu và 1 con nhái, cùng giã nát rồi đắp lên chỗ bị bệnh.

Điều trị ngã trên cao xuống, bị thương ứ máu: dùng cả cây lu lu tươi 80g, giã nhỏ, chế thêm dấm, vắt lấy nước cốt uống, bã lu lu dùng đắp lên chỗ đau.

Điều trị tràng nhạc: dùng cành lá lu lu, vỏ cây đào, lượng bằng nhau, nghiền thành bột mịn, hòa với dầu vừng, bôi vào chỗ bị bệnh.

Chữa kiết lỵ: 25 – 30g lá lu lu khô (lá tươi tăng gấp 2 liều lượng), đường trắng 25g, sắc nước uống.

Điều trị thổ huyết không ngừng: cành lá lu lu phơi hoặc sấy khô nghiền thành bột mịn, nhân sâm tán thành bột mịn. Ngày uống 3 – 4 lần, mỗi lần dùng 4g bột lu lu trộn với 2g bột nhân sâm, chiêu với nước đun sôi để nguội.

Trị bong gân sưng đau: dùng lá lu lu tươi một nắm, hành trắng để cả rễ 7 củ, thêm chút men rượu, giã nát, đắp lên chỗ bong gân rồi băng cố định lại, ngày thay thuốc 1 – 2 lần.

Vị thuốc lu lu trị các bệnh như ung thũng, viêm khí quản mạn tính, viêm thận cấp tính,…

Trị viêm khí quản mạn tính ở người cao tuổi: dùng toàn cây lu lu tươi 30g, cam thảo 3g, cát cánh 9g. Sắc lấy nước, chia thành 2 lần uống trong ngày (uống liên tục trong 10 ngày). Một liệu trình là 10 ngày, giữa các liệu trình nghỉ dùng thuốc 5 – 7 ngày.

“Thử nghiệm này đã được tiến hành tại một bệnh viện ở Trung Quốc với 324 ca. Kết quả sau 3 liệu trình: có chuyển biến 21 ca, có tác dụng rõ ràng 43 ca, khỏi bệnh 228 ca, tổng hiệu suất đạt 93,5%”, thầy thuốc Hữu Định – giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur chia sẻ.

Trị cao huyết áp: dùng cả cây lu lu, sắc lấy nước cốt, cô đặc, chế thành viên 0,2g; ngày uống 2 lần, mỗi lần 10- 20 viên; một liệu trình là 10 ngày. 58 ca điều trị thử nghiệm tại một bệnh viện ở Trung Quốc đạt kết quả tốt.

Trị viêm bàng quang: dùng rễ cây lu lu tươi và xương đầu lợn, mỗi thứ 60g, sắc với 1.000ml nước, lửa đun nhỏ riu riu cho cạn còn 500ml, chia thành 2 phần uống trong ngày.

Bài thuốc trên được thử nghiệm điều trị cho 18 ca viêm bàng quang trong đó 12 ca cấp tính và 6 ca mạn tính tại một bệnh viện ở Trung Quốc. Kết quả, 5/6 trường hợp mạn tính đã khỏi bệnh sau 15 – 17 ngày dùng thuốc (1 người bỏ dở giữa chừng), các trường hợp cấp tính đều khỏi bệnh sau 5 – 7 ngày dùng thuốc.

Điều trị nữ bị khí hư bạch đới: dùng cây lu lu, quán chúng, hoa mào gà trắng,  mỗi thứ đều 30g, sắc với nước 3 lần, bỏ bã, dùng nước thuốc nấu với 200g thịt lợn nạc thành món canh, chia ra 2 lần ăn trong ngày.

Những thông tin về cây lu lu trên mang tính chất tham khảo và bạn không nên tự ý sử dụng. Hãy tham khảo ý kiến của các thầy thuốc Đông y uy tín để có được bài thuốc, cách dùng thuốc phù hợp với tình trạng bệnh.

Nguồn: benhhoc.edu.vn

 

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Điểm mặt những bài thuốc hỗ trợ chữa đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể có thể gây mù lòa. Theo đó việc chăm sóc mắt cũng như các bài thuốc trị đục thủy tinh thể nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng.

Đục thủy tinh thể thường gặp ở người cao tuổi

Đây là căn bệnh dễ gặp ở người già và là nguyên nhân dẫn đến mù lòa phổ biến nhất trên thế giới. Theo y học cổ truyền (YHCT), thận thủy do không được dưỡng được can mộc, can khai khiếu ở mắt; can thận hư suy dẫn đến đục thủy tinh thể.

Bài thuốc hỗ trợ chữa đục thủy tinh thể trong YHCT

Giảng viên môn Y học cổ truyền – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho hay, phép trị đục thủy tinh thể là tư thận dưỡng can, ích khí minh mục. Người bệnh có thể tham khảo những bài thuốc dưới đây để dùng khi cần.

Đây là những bài thuốc dựa theo kinh nghiệm nên bạn cần tham vấn ý kiến từ những người có chuyên môn:

Bài 1: hoàng liên tán bột 40g, gan dê khô 1 cỗ. Hai thứ giã nhỏ luyện mật ong làm viên bằng hạt ngô. Mỗi lần dùng 15 viên, ngày uống 2 lần với nước nóng ấm. Để đạt hiệu quả, bạn nên uống 1 liệu trình.

Bài 2: hoa cúc 300 hoa, cỏ tháp bút 300 cọng, hoa kinh giới 300 hoa, hạt dướng 300 hạt. Tất cả đem phơi khô, tán nhỏ, luyện mật làm viên bằng hạt ngô, mỗi lần dùng 50 viên với nước ấm nóng lúc đói bụng. Dùng thường xuyên.

Bài 3: gan dê 250g rửa sạch thái mỏng, nấu với 30g cốc tinh thảo. Ăn gan và uống canh.

Bài 4: hạt cây giằng xay vừa đủ, tán nhỏ. Gan lợn 1 cỗ khía ra dồn bột thuốc vào, nướng khô, tán bột, uống với nước cháo hoặc nước nóng ấm.

Bài 5: cỏ tháp bút 80g, thương truật 320g ngâm nước vo gạo 7 ngày rồi sấy khô. Hai vị đem tán nhỏ. Mỗi lần uống 4g với nước nóng ấm, ngày uống 2 lần sáng và tối.

Vị thuốc thương truật

Bài 6: đương quy 240g, phụ tử nướng trên lửa than 100g đem tán nhỏ, luyện với mật ong, viên bằng hạt ngô. Mỗi lần dùng 30 viên cùng với nước nóng ấm.

Bài 7: gan lợn 150g, chao đậu 25g, hành củ 3 củ. Hành, chao đậu giã nát dùng dầu thực vật rán qua rồi cho gan lợn vào nấu chín ăn.

Bên cạnh đó, người bệnh nên kết hợp day bấm các huyệt hàng ngày. Các huyệt cần bấm gồm: thái dương, phong trì, thận du, thừa khấp, tình minh, can du nhằm tăng hiệu quả trong quá trình điều trị. Mỗi huyệt tiến hành trong 1 – 2 phút.

Vị trí huyệt:

  • Thái dương: chỗ lõm với đuôi mắt ngoài, cách đuôi mắt ngoài 1 tấc.
  • Phong trì: dưới xương chẩm ở chỗ trũng phía ngoài cơ thang, phía trong cơ ức đòn chũm, hoặc từ huyệt phong phủ ra 1 tấc.
  • Tình minh: cách khóe mắt trong 0,5 tấc.
  • Thừa khấp: chính giữa bờ xương ổ mắt dưới.
  • Can du: mỏm gai đốt sống lưng 9 (D9) sang ngang 1,5 tấc.
  • Thận du: dưới mỏm gai đốt thắt lưng thứ 2 (L2) sang ngang 1,5 tấc.

Những thông tin trên mang tính chất tham khảo và bạn không nên tự ý sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên đến các cơ sở y tế, bệnh viện YHCT uy tín để khám và điều trị.

Nguồn: benhhoc.edu.vn

 

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Những khuyến cáo khi dùng thuốc y học cổ truyền

Quan niệm tất cả thuốc y học cổ truyền có nguồn gốc từ tự nhiên nên an toàn liệu có đúng? Nhất là khi việc lạm dụng, sử dụng không theo chỉ dẫn từ những người có chuyên môn đang ngày một gia tăng.

Thuốc y học cổ truyền cần được hướng dẫn sử dụng từ những người có chuyên môn

Theo thầy thuốc Hữu Định – giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur, quan niệm về tất cả thuốc y học cổ truyền đều an toàn, không tác dụng phụ, không độc là hoàn toàn sai lầm, bởi chúng có thể gây hại, thậm chí là tử vong nếu phối hợp không đúng.

Những khuyến cáo trong việc dùng thuốc y học cổ truyền cũng được thầy thuốc Hữu Định đưa ra dưới đây.

Không dùng thuốc y học cổ truyền quá liều

Việc dùng thuốc quá liều là hành động vô cùng sai lầm khi có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến cơ thể như suy thận, ngộ độc,… Theo đó, bạn cần đến các các bệnh viện y dược cổ truyền để được tư vấn, kê đơn phù hợp theo tình trạng bệnh cũng như được hướng dẫn về liều lượng dùng thuốc.

Dùng thuốc đúng thể bệnh

Theo nguyên lý của y học cổ truyền, bệnh sinh ra do sự mất cân bằng trong cơ thể về cân bằng âm dương, hư thực, hàn nhiệt. Có thể phân chia bệnh thành các thể: nhiệt (nóng), hàn (lạnh), thực (bệnh cấp tính do yếu tố bên ngoài là chủ yếu, tuy nhiên tình trạng này chưa ảnh hưởng tới công năng các tạng trong cơ thể), hư (các cơ quan trong cơ thể bị hư suy).

Ở mỗi thể sẽ có các phương pháp điều trị đặc hiệu. Các loại thuốc theo đó cũng phân chia riêng biệt để phù hợp điều trị với từng loại bệnh.

Sử dụng đúng thuốc, đúng bệnh, đúng đủ liều là điều cơ bản để đảm bảo sức khỏe cho cơ thể. Theo đó bạn không nên chủ quan và tự ý sử dụng khi chưa biết bản thân mắc bệnh gì, tình trạng bệnh ra sao.

Dùng thuốc theo chỉ dẫn của người có chuyên môn

Mỗi loại thuốc đều có cách sử dụng riêng, điều này cũng không ngoại trừ thuốc y học cổ truyền. Do đó bạn cần nghe kỹ và thực hiện theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc, y bác sĩ; tránh trường hợp thuốc dùng để bôi, đắp ngoài nhưng đem đi uống hoặc ngược lại.

Không kéo dài thời gian sử dụng thuốc Đông y

Tuân thủ về thời gian sử dụng thuốc cũng là một trong những cách giúp bạn tránh những nguy hiểm về sức khỏe, bởi đã có không ít người bệnh sử dụng thuốc trong thời gian dài đã dẫn đến những ảnh hưởng về chức năng của thận, gan như đại giả thạch, chu sa, lục thần khúc…

Tùy vào tình trạng bệnh mà thời gian sử dụng thuốc có thể là 3 ngày, 5 ngày, 7 ngày,…

Dùng thuốc y học cổ truyền không chỉ đúng liều mà còn phải đúng thời gian

Không tự ý kết hợp thuốc Đông y và Tây y

Điều này không thể tự ý thực hiện, bởi chúng có thể dẫn đến tình trạng công thuốc nếu sử dụng trong cùng một thời điểm.

Do đó người bệnh cần nghe theo chỉ định của bác sĩ và không được tự ý kết hợp cả thuốc Đông y và Tây y.

Việc phối hợp thuốc phải tuyệt đối chính xác

Việc phối hợp các loại thuốc y học cổ truyền cần phải được cân nhắc kỹ càng, lựa chọn những loại thuốc phù hợp, tương tác với nhau và có tác dụng chữa bệnh tối ưu nhất.

Về phía người bệnh cần lưu ý đến các vấn đề kiêng kỵ nhằm hạn chế sự tương tác thuốc không có lợi hay tác dụng phụ do có các vị thuốc khi phối hợp cần đảm bảo những kiêng kỵ nhất định

Thận trọng khi sử dụng những loại thuốc cần kiêng kỵ để tránh tác dụng phụ như côn bổ hoặc hải tảo kết hợp với chu sa có thể gây viêm đại tràng.

Thận trọng trong quá trình bào chế

Bào chế là công đoạn rất quan trọng khi có thể làm tăng hoặc giảm bớt đi độc tính của thuốc. Nếu bào chế không tốt, độc tính của thuốc chưa được loại trừ có thể gây phản ứng cho cơ thể như: tỳ bà diệp (lá nhót) sẽ gây ngứa họng, ho, sưng niêm mạc họng nếu không được làm sạch các lông tơ khi bào chế.

Việc sử dụng thuốc y học cổ truyền không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Do đó, người bệnh nên đến các bệnh viện YHCT được cấp phép để được khám đúng bệnh và hướng dẫn dùng thuốc đúng cách.

Nguồn: benhhoc.edu.vn

 

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Khám phá những món ăn bài thuốc dân gian trị các bệnh từ ngô

Ngô không chỉ là thực phẩm quen thuộc hàng ngày của người Việt mà còn là vị thuốc bổ dưỡng trong các món ăn có tác dụng điều trị bệnh hiệu quả.

 

Khám phá những món ăn bài thuốc dân gian trị các bệnh từ ngô

Có thể bạn chưa biết, Tỳ rất quan trọng đối với tính mạng con người, một khi Tỳ khoẻ thì cơ thể khoẻ. Theo y học cổ truyền, ngô có tính bình, vị ngọt, vào Tỳ, Vị. Bạn có thể tham khảo những món ăn bài thuốc từ ngô sau để sử dụng khi cần thiết.

Món ăn chữa bệnh từ ngô

Ngô hỗ trợ điều trị ung thư: hạt ngô nghiền nhỏ 100g  ninh nhừ thành cháo để ăn. Món ăn có tác dụng giảm đau.

Hỗ trợ điều trị ung thư gan, tăng huyết áp, đái tháo đường: râu ngô 60g, giảo cổ lam 60g, sắc nước uống thay trà hàng ngày.

Ngô chữa bướu cổ đơn thuần và sốt rét thường gặp ở các tỉnh miền núi: Trong ngô chứa rất nhiều vitamin có tác dụng điều hoà tuyến giáp, tránh được acid Cyanhydric HCN có trong sắn và măng làm giảm hấp thu Iot. Đặc biệt khi nấu canh ngô với cải soong sẽ càng làm phong phú iot. Bên cạnh đó, ăn ngô còn có tác dụng hiệu quả trong việc phòng chữa sốt rét (trừ đàm).

Ngô chữa tăng huyết áp: uống nước luộc từ râu, thân, lõi, cùi bắp của ngô đều lợi tiểu.

Ngô trị đái tháo đường: Trong Sách Y phương tâm kính có viết tác dụng điều trị đái tháo đường thông qua món canh râu ngô 100g kết hợp tuỵ lợn.

Ngô phòng trị bệnh tim mạch: Râu ngô nấu lấy 1 bát to nước (bỏ bã râu) nấu canh với tim lợn. Tác dụng đỡ mệt hơn, dễ thở và ngủ ngon giấc hơn sẽ phát huy sau khi sử dụng một thời gian.

Tăng sữa cho sản phụ: ăn hạt ngô nấu với nước cơm rượu sẽ giúp các sản phụ có được lượng sữa dồi dào để nuôi con mà ngực vẫn săn chắc. Nếu chữa đau lưng, bạn cho thêm đậu tương và đậu phộng (lạc).

Ngô chữa tiểu tiện buốt khó khăn, đỏ sẻn, phù nề, sỏi thận: râu ngô hoặc cùi ngô nấu nước uống.

Ngô chữa tiểu tiện buốt khó khăn, đỏ sẻn, phù nề, sỏi thận

Tác dụng bổ thận tráng dương từ râu ngô:

– Canh ngô nấu xương lợn: xương lợn 0,5kg  với 2 nắm ngô hạt hoặc 1 bắp ngô, hầm nhừ, ăn. Tác dụng chữa yếu sinh lý. Nếu muốn hiệu quả cao hơn thì ăn kèm rượu thuốc, gồm: câu kỷ tử 200g, nhân sâm 200g, nhục thung dung 150g, đương quy 200g, dâm dương hoắc 100g, đại táo 20 quả.

– Nước ngô rang: hạt ngô nguyên vỏ (không xay xát) rang cho thật vàng rồi nấu lấy nước uống thay trà hàng ngày. Ngoài ra bạn có thể dùng nước đó nấu với thịt bồ dục, sò, chim bồ câu, ngẩu pín,… nếu muốn tác dụng mạnh hơn.

Bên cạnh đó, những món trên còn giúp đại bổ nguyên khí, ngủ tốt, ăn ngon, lao động không mệt, da dẻ hồng hào, trẻ lâu.

Ngô điều trị các bệnh tiêu hoá:

– Bệnh dạ dày: uống nước râu ngô, ăn cháo ngô hạt có tác dụng trị chứng đầy bụng không tiêu, ợ chua, sa dạ dày. Lưu ý bài thuốc này không dùng cho người bị loét dạ dày.

– Trị bệnh gan mật, có sỏi, vàng da: râu ngô, nhân trần mỗi thứ 30g, hãm hoặc sắc nước uống thay trà hàng ngày làm tăng tiết mật. Bạn cũng có thể dùng ruột cây ngô thay râu ngô.

– Điều trị viêm nha chu: ăn dầu ngô ép (lưu ý sản phẩm này đã được sản xuất thành biệt dược).

Điều trị ho gà, ho trong và sau khi bị sởi ở trẻ nhỏ: Dùng râu ngô nấu nước cho trẻ uống.

Trẻ biếng ăn, tiêu chảy phân sống: ăn cháo ngô non nấu với cà rốt, hay dùng món ăn cháo ngô đậu trắng.

Trị tiểu ít đỏ sẻn ở trẻ nhỏ: lấy cùi ngô nấu nước uống. Có thể nấu cùng hạt bo bo.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bạn có thể liên hệ về fanpage Y học cổ truyền – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur để được giải đáp chi tiết.

Nguồn: benhhoc.edu.vn

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Đau mỏi vai gáy và những liệu pháp điều trị hay trong Y học cổ truyền

Đau vai gáy khiến vai gáy bị đau, nhức mỏi và ảnh hưởng những vùng lân cận. Để điều trị căn bệnh này, Y học cổ truyền có những bài thuốc hay, mang lại hiệu quả sử dụng cao.

Đau mỏi vai gáy gây ra những cơn đau nhức ở vai, gáy và các vùng lân cận

Đau vai gáy là căn bệnh như thế nào?

Đau vai gáy là căn bệnh phổ biến mà ai cũng có thể gặp. Nguyên nhân gây bệnh có thể do thoái hoá, thoát vị đĩa đệm các đốt sống cổ dẫn tới các dây thần kinh ở vùng cổ bị chèn ép gây đau; nằm sai tư thế hay vẹo cổ bẩm sinh, vẹo cổ bởi gối đầu cao; tác nhân cơ học (cúi lâu, ngồi lâu); viêm, chấn thương.

Theo bác sĩ tư vấn tại fanpage Tin tức Y tế Việt Nam – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur, nguyên nhân từ khớp vai hoặc do bao gân, cơ, thần kinh, dây chằng,… Bên cạnh đó, đau vai gáy cũng có thể hình thành do u đỉnh phổi, thiểu năng vành. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy việc ngồi lâu trước điều hòa nhiệt độ hoặc quạt gây thiếu máu cục bộ vùng vai gáy, lưng dẫn đến hiện tượng đau vai gáy, đau lưng…

Biểu hiện của đau vai gáy khá rõ ràng khi vùng vai gáy bị đau và nhức mỏi. Cơn đau thường xuất hiện khi thời tiết thay đổi, lao động nặng nhọc hoặc vào sáng sớm lúc ngủ dậy. Mức độ đau tăng nhiều hơn khi đi, đứng, ngồi lâu, vận động cột sống cổ, ho, hắt hơi, tuy nhiên cơn đau sẽ giảm khi nghỉ ngơi.

Cơn đau có thể chấm dứt nhanh chóng và không tái lại nhưng nó cũng có thể kéo dài vài ngày, vài tháng. Cơn đau lan từ gáy xuống bả vai, cánh tay ở một bên hay cả ở hai bên gây tê mỏi, cảm giác nặng nề dẫn đến khó khăn trong vận động. Người bệnh có thể xuất hiện tình trạng hoa mắt, chóng mặt, đi đứng loạng choạng,  khó nuốt, ù tai, đồng thời có thể xảy ra tình trạng liệt các dây thần kinh VIII, X, XI…, rối loạn chức năng. Không ít trường hợp đau vai gáy kéo dài khiến người bệnh luôn trong trạng thái khó chịu, mệt mỏi, khó tập trung,…

Phương pháp điều trị đau vai gáy theo y học cổ truyền

Bạn có thể dùng dầu nóng xoa bóp nhẹ nhàng ở cổ và vai chừng 10 – 15 phút khi bị đau mỏi vai gáy, điều này sẽ giúp tăng lượng máu lưu thông và người bệnh sẽ cảm thấy thoải mái hơn.

Bài thuốc trị đau vai gáy từ ngải cứu trong y học cổ truyền

Bạn cũng có thể áp dụng bài thuốc y học cổ truyền sau: muối 500g, ngải cứu 50g, lá lốt 50g. Tất cả đem rang nóng hoặc cho vào tô đậy lại, đưa vào lò vi sóng quay khoảng 3-4 phút cho nóng, sau đó lấy ra cho vào túi vải rồi chườm vùng đau, cơn đau sẽ giảm đi nhanh chóng.

Đồng thời có thể kết hợp với các bài tập có lợi cho vai, gáy sẽ tăng hiệu quả điều trị. Bên cạnh đó, bạn cũng cần có một chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý; những người lao động nặng nhọc cần kiên mang vác nặng và cố gắng nghỉ ngơi trong thời gian chữa bệnh.

Đau vai gáy ảnh hưởng không chỉ bộ phận vai, gáy mà còn giảm chất lượng cuộc sống, sức khỏe ngày một suy giảm nếu xuất hiện trong thời gian dài nên việc phòng ngừa cần được ưu tiên. Theo đó, bạn cần giữ cổ luôn thẳng khi ngồi làm việc, mỗi 45 phút nên xoay cổ nhẹ nhàng, đứng dậy đi lại sẽ giúp bạn bớt đau.

Tuy nhiên nếu thời gian đau mỏi kéo dài và không có xu hướng thuyên giảm thì tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân và tìm phương pháp điều trị phù hợp.

Nguồn: benhhoc.edu.vn

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

38 bí quyết “vàng” về sức khỏe đúc kết từ Thần y nổi tiếng Hoa Đà

Hoa Đà là một trong tứ đại danh y nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Sau 18 thế kỷ, 38 bí quyết này vẫn được xem là phương châm sống thọ của nhiều người.

38 bí quyết “vàng” về sức khỏe đúc kết từ Thần y nổi tiếng Hoa Đà

Vài nét về Thần y Hoa Đà

Hoa Đà (145 – 208) là một thầy thuốc nổi tiếng thời cuối Đông Hán và đầu thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc.

Ông được mệnh danh là Thần y nổi tiếng không chỉ ở nội bộ đất nước Trung Quốc mà còn các nước đồng văn hóa như Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản và được xem là một trong những ông tổ của Đông Y.

Hoa Đà cùng Đổng Phụng và Trương Trọng Cảnh được xưng tụng làm Kiến An tam Thần y, đồng thời cùng với Biển Thước, Trương Trọng Cảnh và Lý Thời Trân được xem là 4 vị đại danh y nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc nói riêng và các nước có nền Đông y phát triển nói chung, theo tìm hiểu của trang Bệnh học – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur.

Cà rốt chính là “tiểu nhân sâm “, ăn thường xuyên sẽ có tinh thần và thể lực tốt

38 lời dạy của Hoa Đà về sức khỏe và dưỡng sinh

38 lời dạy của Hoa Đà dưới đây được người xưa coi là ” bí quyết vàng” về sức khỏe và dưỡng sinh. Nếu thực hiện được, bệnh tật sẽ khó tìm đến bạn, cơ thể khỏe mạnh và tuổi thọ được kéo dài.

  1. Tỏi là một kho báu quý giá, ăn chúng thường xuyên sẽ rất tốt sức khỏe.
  2. Mỗi ngày ăn 2 quả táo, bệnh tật trong cơ thể sẽ không tìm đến bạn.
  3. Mỗi ngày ăn một quả táo tàu, trường sinh bất lão không phải là chuyện xa vời.
  4. Quả óc chó giống như một kho báu của núi rừng, ăn vào vừa bổ thận, vừa tốt cho não.
  5. Sắt không nấu chảy không thành thép, người không chăm sóc sức khỏe thì không thể khỏe mạnh.
  6. Cà rốt chính là “tiểu nhân sâm “, ăn thường xuyên sẽ có tinh thần và thể lực tốt.
  7. Cà chua là trái cây có dinh dưỡng tốt, ăn vào sẽ trẻ đẹp và ít bệnh.
  8. Dưa chuột nhỏ là một kho báu cho sức khỏe, ăn hàng ngày có thể giúp giảm cân và dưỡng nhan rất tốt.
  9. Ăn cần tây nhiều hơn mà không cần hỏi lý do, vì đây là thực phẩm hạ huyết áp rất hữu ích.
  10. Hành lá chấm nước sốt, càng ăn càng béo.
  11. Ăn một bát cháo đậu xanh vào mùa hè, là một bài “thuốc tiên” trong việc giải độc, thanh nhiệt, giảm nóng.
  12. Buổi sáng ăn 3 lát gừng, tốt như việc uống canh nhân sâm.
  13. Phụ nữ nên ăn ngó sen 3 ngày liên tiếp, nam giới nên ăn gừng 3 ngày liên tiếp.
  14. Ba ngày không ăn thực phẩm màu xanh lá cây, hai mắt sẽ vàng đi.
  15. Thà ăn cơm không có thịt, nhất định không được ăn cơm mà không có canh.
  16. Ăn canh trước bữa ăn, tốt hơn so với uống thuốc.
  17. Ăn mì/miến nên ăn nhiều nước, để tránh việc (bác sĩ) phải khai đơn thuốc.
  18. Buổi sáng ăn muối thì tốt, buổi tối ăn muối thì độc.
  19. Thà thừa đồ ăn trong nồi, còn hơn tích đầy thức ăn trong dạ dày .
  20. Mỗi bữa ăn nhịn đi một miếng (ý nói ăn ít) thì có thể sống đến 99 tuổi (ý nói sống thọ).
  21. Thường xuyên ăn thực phẩm chay, giống như thường xuyên chăm sóc cái bụng của bạn (tốt cho đường tiêu hóa).
  22. Thà không có thịt để ăn, chứ không thể thiếu đậu để ăn (ăn đậu tốt hơn ăn thịt).
  23. Ăn cơm cho chút đường, vừa giàu dinh dưỡng vừa tốt cho sức khỏe.

Phải thường xuyên ăn sáng, không bỏ bữa

  1. Phải ăn sáng cho tốt, ăn trưa cho no, ăn tối cho khéo.
  2. Ăn quá nhiều sẽ bị bệnh, ăn uống đúng mức, đúng giờ, đúng tiêu chuẩn thì sẽ an toàn sức khỏe.
  3. Ăn uống vội vàng, nuốt thức ăn thô (không nhai kỹ) thì sẽ làm tổn thương dạ dày, gây hại đường ruột.
  4. Nếu bạn muốn khỏe mạnh, thức ăn nên được nhai thành bột giấy (ăn chậm nhai kỹ trước khi nuốt).
  5. Nếu bạn muốn bách bệnh tiêu tan, nên ăn uống để đói 3 phần (ý khuyên ăn no 70% nhu cầu).
  6. Cứ để nước mắt chảy, bệnh tự nhiên sẽ giảm nhẹ (ý nói về tác dụng của khóc, không nên kìm nén cảm xúc).
  7. Bậc trượng phu cũng có lúc phải rơi nước mắt, anh hùng bị chảy máu cũng phải rơi lệ (ý nói không nên kìm nén đau đớn, ngăn chặn cảm xúc tự nhiên).
  8. Trong giấc ngủ, nên để cho trái tim ngủ trước, đôi mắt ngủ sau (thư giãn tinh thần trước khi ngủ).
  9. Dùng thuốc bổ hay thực phẩm bổ, cũng không bằng việc làm cho trái tim khỏe.
  10. Cơm chăm sóc cơ thể, âm nhạc lời ca chăm sóc trái tim và tâm hồn.
  11. Mang trong mình một trái tim trẻ trung, cả đời bạn sẽ không biết đến sự già nua. Tâm hồn vui vẻ thì nhan sắc thanh xuân.
  12. Một nụ cười có thể trẻ ra 10 tuổi.
  13. Mỗi ngày cười 3 lần, khó khăn nào cũng qua, tuổi già sẽ chậm đến.
  14. Thường xuyên mở miệng cười tươi, thanh xuân luôn tồn tại trên khuôn mặt bạn.
  15. Một tiếng kêu khóc sẽ giúp bạn loại bỏ u sầu.

Dù đã trải qua 18 thế kỷ, những lời khuyên của Thần y Hoa Đà vẫn mang giá trị và ứng dụng rất cao không chỉ trong Y học cổ truyền mà còn y học hiện đại. Hãy chia sẻ để nhiều người biết đến và thực hiện nhé!

Nguồn: benhhoc.edu.vn

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Dược thiện từ Nữ trinh tử

Nữ trinh tử là vị thuốc hay trong y học cổ truyền. Giá trị của vị thuốc bắc này không ngừng được nâng lên theo thời gian nhờ những phát hiện mới về công dụng của chúng.

Quả nữ trinh tử khi chín

Nữ trinh tử tên khoa học là Ligustum lucidum Ait, họ nhài Oleaceae. Thu hái khi quả chín (vào màu đông), đem bỏ cành lá, phơi khô hoặc sấy khô, đây cũng là bộ phận của nữ trinh tử dùng để làm thuốc.

Vị thuốc này có chứa mannitol, acid palmitic, acid stearic, acid oleanolic, glucose, acid oleic, acid linoleic. Tác dụng cường tráng gân cốt và tăng cường hoạt động tim mạch.

Theo y học cổ truyền, nữ trinh tử có tác dụng bổ minh mục, can thận, mạnh lưng gối. Trị ù tai điếc tai, đau đầu hoa mắt chóng mặt, đau lưng mỏi gối, râu tóc chóng bạc.

Bài thuốc trị bệnh từ nữ trinh tử

Thầy thuốc Hữu Định – giảng viên bộ môn Y học cổ truyền Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur sẽ giới thiệu đến bạn một số bài thuốc trị bệnh từ nữ trinh tử:

Bài 1: nữ trinh tử 12g, cỏ nhọ nồi 10g, tang thầm 15g. Sắc uống. Bài thuốc có tác dụng trị lưng gối đau, chóng mặt, đau đầu, râu tóc bạc sớm.

Bài 2: nữ trinh tử 20g, mẫu đơn bì 15g, địa cốt bì 15g, sinh địa 20g. Sắc uống. Bài thuốc có tác dụng trị âm hư nội nhiệt.

Bài 3: Rượu thuốc: nữ trinh tử 30g, ngưu tất 30g, đương quy 30g, kỷ tử 30g, thục địa 30g, sinh địa 30g, thiên môn 30g, đậu đen 50g, mạch môn 30g, hà thủ ô 100g, rượu trắng 35 độ  khoảng 3 lít. Tất cả cho vào bình, đun đến sôi, tắt bếp và nút buộc kín miệng bình.

Bình được để nguyên trong khoảng từ 15 – 30 ngày; gạn lấy rượu để uống. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 20 – 30 ml. Bài thuốc có tác dụng bổ can thận, làm đen tóc.

Vị thuốc nữ trinh tử là thuốc bắc, trị được nhiều bệnh

Bài 4: Viên hoàn: nữ trinh tử 100g, hạn liên thảo 100g. Các vị đem đồ chín và phơi. Đặc biệt, nếu làm được 9 lần (cửu chưng cửu sái) càng tốt.

Sau khi phơi, sấy khô đem tán bột, làm viên hoàn. Ngày uống 10 – 15g. Bài thuốc góp phần bổ thận, trị đầu váng mắt hoa và đau lưng.

Bài 5: nữ trinh tử 12g, sinh địa 12g, hà thủ ô chế 12g, sinh bạch thược 12g, huyền sâm 12g, sa uyển tật lê 12g, hạn liên thảo 12g, hy thiêm 12g, ngưu tất 12g, tang ký sinh 12g. Sắc uống. Tác dụng chữa tăng huyết áp.

Món ăn bài thuốc trị bệnh từ nữ trinh tử

Canh nữ trinh tử xương bò: nữ trinh tử 15g, đại táo 50g, cỏ nhọ nồi 30g, xương bò 250g, gạo tẻ 100g.

Cách làm: Xương bò đem chần với nước sôi cùng ít muối, rửa sạch. Nữ trinh tử và cỏ nhọ nồi đem sắc lấy nước, bỏ bã, hầm với xương bò, gạo tẻ đã vo sạch cùng đại táo. Khi cháo chín nhừ thêm đường và gia vị. Ngày một lần và dùng trong 20 ngày.

Món ăn rất tốt đối với người bị thiếu máu do mất máu. Tuy nhiên những người đại tiện phân nát, tỳ vị hư hàn thì không dùng.

Canh nữ trinh tử – xương lợn – đỗ trọng: xương lợn 250g, nữ trinh tử 20g, đỗ trọng 15g.

Cách làm: Nữ trinh tử và đỗ trọng gói trong vải xô. Xương lợn chần nước sôi cùng ít muối rửa sạch. Xương lợn cho vào nồi cùng với nữ trinh tử và đỗ trọng, đổ nước vừa đủ hầm chín nhừ, bỏ bã thuốc, thêm gia vị, có thể thêm khoai tây, cà rốt. Chia ăn 2 lần trong ngày.

Món này rất tốt cho người bị bệnh xương khớp như thoái hóa khớp, dính khớp hạn chế vận động ở người cao tuổi.

Rượu nữ trinh tử: nữ trinh tử 1kg, rượu gạo nếp 1 lít.

Cách làm: Đem ngâm nữ trinh tử với rượu nếp trong khoảng từ 7 – 10 ngày. Ngày uống 1 – 2 lần, mỗi lần 20 – 30nml.

Tác dụng: Tốt cho người bị suy nhược mất ngủ.

Có thể thấy nữ trinh tử mang lại nhiều tác dụng điều trị bệnh. Tuy nhiên bài thuốc chỉ phát huy hiệu quả nếu dùng đúng cách, đúng bệnh, do đó bạn cần tuân thủ theo hướng dẫn của thầy thuốc có chuyên môn để điều trị dứt điểm.

Nguồn: benhhoc.edu.vn

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Đông y giới thiệu món ăn bài thuốc trị ho, lợi phế

Cùng với sự phát triển của xã hội là tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Theo đó, Đông y sẽ giới thiệu những món ăn bài thuốc trị ho, lợi phế, tốt cho sức khỏe.

Phổi là cơ quan quan trọng trong cơ thể con người

Món ăn bài thuốc tốt cho phổi

Phổi là bộ phận quan trọng trong cơ thể mà bạn cần một chế độ ăn lành mạnh cho chúng. Dưới đây, thầy thuốc Đông y Hữu Định – giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur sẽ giới thiệu đến bạn những món ăn bài thuốc tốt cho phổi:

Cháo bách hợp, hạnh nhân: Bách hợp tươi 50g, hạnh nhân 10g, gạo thơm 50g. Gạo thơm đem vo sạch cho nước nấu cháo, cháo sắp được cho bách hợp, hạnh nhân bỏ vỏ vào, cháo nấu loãng gia thêm đường.

Tác dụng: Nhuận phế khỏi ho. Sử dụng đối với chứng bệnh ho, viêm khí quản, phổi khô.

Cháo đào nhân: Đào nhân 15g, gạo thơm 50g, đường đỏ vừa đủ. Đào nhân bỏ vỏ, gạo thơm vo sạch cùng đường đỏ vào nồi đất nấu cháo loãng.

Tác dụng: Hoạt huyết thông kinh khỏi ho bình suyễn. Sử dụng cho các trường hợp: ho, khí suyễn, đau bụng kinh, chứng huyết hư tắc kinh, táo bón, đau tức ngực, tăng huyết áp.

Lưu ý: Nên dùng trước khi có kinh nguyệt 5 ngày. Đối với các trường hợp như phụ nữ mang thao hay người đại tiện lỏng thì không nên dùng.

Cháo hoàng tinh: Hoàng tinh 30g, gạo thơm 100g, đường trắng vừa đủ. Hoàng tinh đem rửa sạch, đem nấu nước đầu bỏ bã lọc lấy nước trong. Gạo thêm đem vo sạch, thêm nước nấu cháo loãng. Cháo chín cho đường vừa đủ.

Tác dụng: nhuận tâm phế, bổ tỳ vị, bổ trung ích khí. Thường sử dụng cho trường hợp ho khan, hoặc ho khan không đờm, phế hư, lao phổi ho máu, tỳ vị hư nhược, cơ thể mệt mỏi, ăn uống kém,…

Cháo nước mía: Nước mía 100-150g, gạo thơm 50g. Gạo thơm vo sạch cùng 0,3 lít nước nấu cháo loãng, sau đó cho nước mía vào, đun nhỏ lửa cho đến khi được cháo.

Nước mía nấu cháo

Tác dụng: Thanh nhiệt, nhuận táo khỏi ho, bồi bổ sức khoẻ,… Sử dụng cho các trường hợp phiền nhiệt, chứng nôn, ho hư nhiệt, miệng khát, đi ngoài táo bón.

Cháo mật ong, tùng nhân: Tùng tử nhân 30g, gạo nếp 50g, mật ong vừa đủ. Tùng tử nhân nghiền nát cho cùng gạo nếp đãi sạch vào nồi cùng 0,4 lít nước. Đầu tiên đun lửa to cho sôi, sau đó nấu nhỏ lửa, cháo chín cho mật ong vào là được. Ngày một bát chia hai lần ăn nóng

Tác dụng: Trị ho khan, phổi khô, da khô, khô họng, không đờm hoặc ít đờm, táo bón, hậu sản, cơ thể yếu. Tuy nhiên đối với những người đại tiện lỏng, tỳ vị hư nhược và dạ dày căng trướng không nên dùng.

Cháo sơn dược, hạnh nhân: Sơn dược 100g, kê 100g, hạnh nhân 200g, một ít bơ. Sơn dược nấu chín, hạnh nhân sao chín bỏ vỏ, cắt nhỏ, kê sao qua. Mỗi lẫn lấy 10g hạnh nhân bột, sơn dược, kê vừa đủ hoà với nước sôi để nguội, cho một ít bơ là được.

Tác dụng: Trị chứng bệnh phế hư, tỳ hư thể nhược, ho lâu…

Cháo quả la hán: Quả la hán 50g, thịt lợn nạc xay nhỏ 50g, gạo thơm 100g, muối dầu ăn vừa đủ. Quả la hán cắt miếng nhỏ, cho gạo thơm đãi sạch vào nồi, cho một lít nước vào đun sôi, cho thịt lơn, quả la hán vào, cháo chín cho muối, dầu ăn vào là được.

Tác dụng: Thanh phế tiêu đờm, lợi hầu nhuận tràng, tiêu thử giải khát. Trị các chứng ho bách nhật, ho đờm hoả, táo bón, viêm khí quản, viêm họng mạn tính,…

Cháo nho: Nho khô 50g, gạo nếp 100g, đường trắng 50g. Gạo nếp đãi sạch cùng với một lít nước và nho khô đun sôi, ban đầu đun lửa to cho sôi, sau đun nhỏ lửa nấu đến khi được cháo, cho đường trắng vào là được, chia ăn vài lần trong ngày

Tác dụng: Mạnh gân cốt, ích khí huyết, lợi tiểu tiện, trừ phiền khát. Món ăn bài thuốc y học cổ truyền này trị các chứng phế hư, mồ hôi trộm, phù thũng, chứng khí huyết hư nhược, tim loạn nhịp, phong thấp đau mỏi, đái giắt.

Cháo hoa bạch lan giúp hết đờm

Cháo hoa bạch lan: Hoa bạch lan 4 bông, táo đỏ 50g, gạo nếp 100g, mật ong 50g, đường trắng 50g. Nụ hoa bạch lan hái vào sáng sớm, táo đỏ bỏ vỏ thái sợi, gạo nếp đem đãi sạch cho vào nồi, thêm một lít nước, đầu tiên đun sôi, sau đun nhỏ lửa, sau đó cho táo đỏ, hoa bạch lan, đường trắng, và mật ong vào đun qua khi cháo chín là được.

Tác dụng: Lợi niệu, hành khí đục, hết đờm, khỏi ho. Sử dụng nhiều trong các trường hợp ho có đờm, sơn lam chướng khí, tiểu ít mà đỏ.

Cháo lạc nhân, táo đỏ: Lạc nhân 50g, táo đỏ 50g, gạo nếp 100g, đường phèn vừa đủ. Lạc nhân để cả vỏ đỏ giã nát, táo đỏ rửa sạch bỏ vỏ, gạo nếp đãi sạch cho vào nồi đất cùng nước 0,8 lít đun lên, ban đầu đun lửa to cho sôi, sau đun nhỏ lửa cho đến khi được cháo, cho đường phèn vào đến khi tan hết là được. Chia ăn hai lần sáng, tối mỗi ngày.

Tác dụng: Nhuận phế trừ đờm, thanh lợi hầu, kiện tỳ khai vị. Dùng cho cho các trường hợp ho đờm suyễn, tỳ vị bất hoà…

Nguồn: benhhoc.edu.vn

 

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Y học cổ truyền giới thiệu dược thiện từ khoai lang

Khoai lang giàu dinh dưỡng, quen thuộc trong các món bánh, chè,… Bên cạnh đó, y học cổ truyền xem khoai lang là vị thuốc hay với nhiều tác dụng phòng chữa bệnh.

Khoai lang có vị ngọt, tính bình; đi vào thận, tỳ

Khoai lang loại khoai thịt vàng và đỏ còn có các tên kim thự, hồng thự,… Củ và rau khoai lang là vị thuốc phòng chữa bệnh hiệu quả, có nơi gọi là “Sâm Nam” và được dùng từ lâu trong dân gian.

Trong khoai lang có chứa 28,5% glucid, 0,8% protein, nhiều tinh bột, ít đường khử, manose, maltose, pentose, galactose, các pectin, men (amylase…), chất nhựa, sterol, sinh tố B1, B2, C, acid nicotinic, Mn, Ca, P, K, Fe, I,… Thân và lá còn chứa chất nhựa (jalapin), acid elagic, acid succinic, acid fumaric và 1 số acid amin…

Với giá trị dinh dưỡng cao, có tác dụng bổ tỷ vị, bổ máu, điều hòa, làm tăng cường hệ thống miễn dịch, nhuận tràng thông khí có lợi cho đại tiện, ngăn ngừa ung thư do có chất chống oxy hóa và ngăn chặn xơ cứng mạch máu… Chẳng vị thế mà khoai lang được các thầy thuốc tư vấn tại page Y học cổ truyền – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur coi đây là lương thực bổ ích cho người đái tháo đường và sống trường thọ.

Theo Đông y, khoai lang có vị ngọt, tính bình; đi vào thận, tỳ. Tác dụng ích khí, sinh tân, kiện tỳ,  hoà vị, thông tiện, khoan tràng. Có hiệu quả cao đối với người tỳ vị hư nhược. Hàng ngày dùng 16g – 500g bằng cách luộc, nướng, hầm.

Bài thuốc từ khoai lang

Trị phụ nữ băng huyết: lá khoai lang tươi 100 – 150g, giã nát, cho ít nước sôi, ép nước uống

Tác dụng nhuận tràng: củ khoai rửa sạch, gọt bỏ vỏ, xay giã nhỏ, thêm ít nước sôi, khuấy đều. Uống 1 bát vào buổi sáng. Chữa táo bón. Dùng 3 – 7 ngày đến khi hết táo bón. Hoặc dùng 100 – 150g lá tươi luộc ăn hàng ngày.

Trị mụn nhọt, chín mé: lá và ngọn non 1 nắm nhỏ, muối ăn 1 nhúm. Rửa sạch khoai,giã nát với muối đắp lên chỗ bị nhọt hay chín mé.

Chữa đái tháo đường: lá khoai lang tươi 150g, bí đao 50g. Lá khoai rửa sạch, bí đao gọt vỏ, thái miếng. Nấu canh ăn trong ngày.

Cháo gạo khoai lang tốt cho bệnh nhân quáng gà

Dược thiện có khoai lang

Cháo gạo khoai lang: khoai lang đỏ (tươi) 200g, gạo tẻ 100g. Khoai rửa sach, gọt vỏ, thái miếng. Nấu với gạo thành cháo, thêm đường trắng đảo đều. Dùng cho bệnh nhân quáng gà thị lực giảm.

Cháo kê khoai lang: khoai lang 60g, kê 50g. Khoai lang gọt vỏ thái lát; kê xay bỏ vỏ; nấu cháo. Ăn bữa sáng. Dùng cho bệnh nhân đái tháo đường, tỳ vị hư nhược.

Khoai lang nấu canh hoặc nấu cháo với dấm: khoai lang 100- 150g rửa sạch, thái miếng. Nấu canh hoặc nấu cháo với 300ml dấm. Dùng cho người bị phù nề. 

Khoai lang nấu canh: khoai lang vàng (kim thự) 100- 150g. Rửa sạch, thái miếng. Nấu canh hoặc thêm 50g gạo tẻ, nấu cháo. Dùng cho người bệnh viêm gan vàng da sốt nóng.

Nước bột khoai: bột khoai lang hoà nước sôi hoặc nấu chín, thêm đường. Dùng cho người bị khô miệng, đau họng.

Khoai lang hầm cá bống (hay cá quả đều được): khoai lang 500g, cá 1 con 500g, nghệ 1 củ 20g. Khoai rửa sạch, thái miếng; cá đánh vảy, mổ bỏ ruột; nghệ giã nát, hầm kỹ. Dùng cho sản phụ bị suy nhược thiếu máu.

Mặc dù khoai lang có rất nhiều tác dụng được kê trong y học cổ truyền, tuy nhiên những người bị đầy ợ hơi, có thực tích nên hạn chế ăn khoai. Bên cạnh đó đừng quên khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh tật và điều trị kịp thời.

Nguồn: benhhoc.edu.vn

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Cốt khí củ thuốc nam giảm đau, tiêu sưng

Cốt khí củ có nguồn gốc từ Đông Á, được sử dụng trong các bài thuốc Y học cổ truyền và lưu truyền trong dân gian qua nhiều thế hệ.

 

Vị thuốc cốt khí củ

Vài nét về vị thuốc cốt khí củ  

Cốt khí củ còn gọi với các tên khác như điền thất, hổ trượng, hoạt huyết đan. Mặc dù vị thuốc có nguồn gốc Đông Á, nhưng thường mọc lan tới các vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới.

Cốt khí củ thường được trồng lấy rễ củ làm thuốc. Cây có ở Sa Pa, mọc hoang ở đồi núi, ven đường.

Cốt khí củ thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa thu (tháng 8, 9). Cây thuốc sau khi đào về, đem cắt bỏ rễ con, rửa sạch đất cát; thái mỏng, phơi hay sấy khô.

Theo bác sĩ Trần Tú – giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur, thầy thuốc Hữu Định cho hay, cao cốt khí có tác dụng trong việc giải nhiệt và giảm đau khi thử nghiệm trên chuột (chuột cống, chuột nhắt); có khả năng làm lành vết bỏng bằng tăng cường hệ miễn nhiễm và chức năng tim do có chất tăng cường chức năng tuần hoàn vi mạch huyết quản và tim trong shock do bỏng.

Cốt khí củ có tác dụng bảo vệ màng dạ dày khỏi bị loét do stress; hơi ức chế tiết dịch vị dạ dày; mặc dù vị thuốc không có tác dụng lên huyết áp nhưng có tác dụng ức chế hoạt động của hệ thần kinh trung ương.

Cốt khí củ sau khi phơi khô

Các bài thuốc trị bệnh từ cốt khí củ trong dân gian

Theo y học cổ truyền, cốt khí củ vị ngọt đắng, tính mát; vào tâm, thận. Vị thuốc có tác dụng hoạt huyết, thông kinh, khu phong trừ thấp, lợi tiểu, giải độc, giảm đau.

Kinh nghiệm dân gian, cốt khí củ có tác dụng giảm đau, tiêu sưng, chữa đau lưng, đau mình, tê thấp, ngã sưng đau, ứ huyết, kinh nguyệt bế…

Bài thuốc chữa phong thấp đau nhức xương: cốt khí củ 12g, cỏ xước 8g, đơn gối hạc 12g, hy thiêm 8g, binh lang 6g, uy linh tiên 6g. Các vị sao vàng hạ thổ. Sắc uống trong ngày. Uống  7-10 ngày.

Bài thuốc chữa đau lưng: cốt khí củ 12g, rễ lá lốt 12g, dây đau xương 12g, cỏ xước 12g, cam thảo Nam 8g, nhân trần 8g, quế chi 6g, mã đề 8g. Sắc uống trong ngày.

Bài thuốc trị thương tích, ứ máu, đau bụng: cốt khí củ 20g, lá móng 16g. Sắc lấy nước, pha thêm ít rượu để uống trong ngày.

Bài thuốc trị sưng vú: cốt khí củ 12g, rễ lá lốt 10g, cốt khí muồng 12g, bạch truật 8g, bồ công anh rễ 10g. Sắc uống trong ngày.

Mặc dù mang những tác dụng có lợi đối với sức khỏe, tuy nhiên không phải ai cũng có thể sử dụng và cây thuốc này rất dễ nhầm lẫn với các cây thuốc khác như cốt khí thân trắng, cốt khí dây, cốt khí muồng (hay cốt khí hạt), cốt khí thân tím. Theo đó, bạn hãy tham khảo và khám chữa tại các cơ sở uy tín, thầy thuốc có chuyên môn để có thể khám chữa bệnh một cách tốt nhất.

Nguồn: benhhoc.edu.vn

Exit mobile version