Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Chữa viêm nha chu theo phương pháp YHCT

Viêm nha chu khiến răng lợi đau, miệng hôi, chân răng bị sưng làm mủ,…. YHCT có những bài thuốc hay điều trị viêm nha chu đáng để bạn tham khảo.

Biểu hiện của viêm nha chu

Sơ lượng về viêm nha chu

Viêm nha chu là tình trạng viêm nhiễm mạn tính ở mô lợi, mô nha chu nâng đỡ của răng và xương ổ răng. Người bệnh có triệu chứng như răng lợi đau, miệng hôi, chân răng bị sưng làm mủ, răng bị đen xám, bản thân răng cũng bị hủy hoại hoặc dễ mẻ vỡ tự nhiên khiến lợi và răng không bám vào nhau làm lung lay nghiêng ngả. Bên cạnh đó người bệnh có thể bị di, mộng tinh, đau lưng, mỏi gối,…

Theo y học cổ truyền, nguyên nhân gây viêm nha chu ban đầu do vị hỏa tích kết hợp với phong nhiệt gây nên bệnh cấp tính (thực chứng). Tình trạng bệnh diễn ra trong thời gian dài không được điều trị làm thận âm hư, vị âm hư, tân dịch suy giảm gây hư hỏa bốc lên thành bệnh mạn tính (hư chứng).

Bài thuốc điều trị viêm nha chu bằng phương pháp YHCT

Phần lớn các trường hợp mất răng ở người trưởng thành là do bệnh viêm nha chu gây nên. Do đó người bệnh cần ý thức được việc vệ sinh răng miệng đúng cách cũng như điều trị bệnh ngay khi bệnh xuất hiện. Tùy theo mỗi trường hợp mà người bệnh có thể áp dụng các bài thuốc tương ứng:

Thể cấp tính: Chân răng đỏ sưng đau, ấn mạnh có thể ra mủ; trường hợp nặng bệnh có thể gây táo bón, sốt, ăn kém, có hạch ở dưới hàm. Điều trị bằng cách tiêu thũng, sơ phong thanh nhiệt. Người bệnh có thể dùng một số bài thuốc sau:

Bạc hà được đánh giá hiệu quả trong bài thuốc trị viêm nha chu

Bài 1: Bạc hà 8g, ngưu bàng tử 12g, hạ khô thảo 16g, bồ công anh 20g, kim ngân hoa 16g, tạo giác thích 8g. Sắc uống.

Bài 2: Ngưu bàng giải cơ thang gia giảm: ngưu bàng 12g, hạ khô thảo 12g, bạc hà 6g, xích thược 8g, kim ngân 20g, sơn chi 12g, liên kiều 20g, xuyên sơn giáp 6g, tạo giác thích 20g. Sắc uống.

Bài 3: Phòng phong 12g, kinh giới 12g, , thạch cao sống 20g, bạch chỉ 12g. Sắc uống. Trị đau do sưng lợi răng.

Bài 4: Thanh vị thang gia giảm: hoàng liên 8g, thăng ma 4g, sinh địa 20g, thạch cao (sắc trước) 40g, đan bì 8g, kim ngân hoa 16g, ngưu bàng tử 12g, liên kiều 16g, bạc hà (cho sau) 8g. Sắc uống.

Bài 5. Thuốc cam xanh (ngũ bội tử 0,1g, thanh đại 0,39g, mai hoa băng phiến vừa đủ 0,6g, bạch phàn 0,1g). Mỗi lần dùng 0,05g – 0,1g. Súc miệng sạch, dùng tăm bông chấm thuốc, bôi đều lên chỗ đau; giữ thuốc tại chỗ đau càng lâu càng tốt (bôi thuốc sau bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ). Thuốc có bán tại các nhà thuốc.

“Người bệnh có thể kết hợp day bấm các huyệt: giáp xa, hợp cốc, hạ quan, nội đình”, thầy thuốc YHCT Hữu Định, giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết.

Thể mạn tính: Chân răng đỏ, đau ít, viêm ít, có mủ ở chân răng, răng lung lay, họng khô, miệng hôi, đầu lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít, mạch tế sác. Phép chữa là dưỡng âm thanh nhiệt. Dùng một trong các bài:

Bài 1: Trị nha tiên đơn: hoàng liên 3g, sinh địa 32g, chi tử 8g, thạch cao 20g, hoàng cầm 6g, tri mẫu 6g, huyền sâm 32g, thục địa 32g. Sắc uống.

Bài 2: Bạch thược 8g; huyền sâm, sinh địa, sa sâm, kỷ tử, quy bản, ngọc trúc mỗi vị 12g, kim ngân hoa 16g. Sắc uống.

Vị thuốc Trạch tả

Bài 3: Lục vị hoàn gia giảm: trạch tả, sơn thù, đan bì, tri mẫu, phục linh, hoàng bá mỗi vị 8g; hoài sơn, thục địa, ngọc trúc, bạch thược, thăng ma, kỷ tử mỗi vị 12g. Sắc uống.

Bài 4: Thuốc cam xanh. Thời gian điều trị lâu hơn thể cấp tính.

Người bệnh có thể kết hợp day bấm các huyệt giáp xa, hợp cốc, hạ quan, túc tam lý, thái khê, thận du, nội đình.

Vị trí huyệt:

Giáp xa: Ở dưới tai 0,8 tấc, đầu của xương quai hàm, nơi cơ cắn nhô lên cao nhất khi bệnh nhân cắn chặt răng.

Hợp cốc: Kẽ xương đốt bàn tay, huyệt ở trên cơ liên cốt mu tay 1, phía dưới trong xương đốt bàn tay 2.

Hạ quan: Chỗ lõm dưới cung tiếp xương má, trước lồi cầu của xương hàm dưới – ngang nắp tai.

Túc tam lý: Từ độc tỵ đo xuống 3 tấc, huyệt cách mào chày 1 tấc.

Thái khê: Từ gồ cao của mắt cá trong xương chày đo ngang ra phía sau 0,5 tấc.

Thận du: Từ mỏm gai đốt sống lưng L2 – L3 đo ra 1,5 tấc.

Nội đình: Kẽ ngón chân 2 – 3 đo lên về phía mu chân 0,5 tấc.

Trên đây là những bài thuốc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho lời khuyên của bác sĩ, thầy thuốc. Vì vậy, bạn nên tìm đến các thầy thuốc uy tín để được tư vấn cụ thể cho trường hợp của mình.

Nguồn: benhhoc.edu.vn

 

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Phương pháp xoa bóp bấm huyệt chữa đau khớp gối

Y học cổ truyền điều trị đau khớp gối có nhiều phương pháp trong đó xoa bóp bấm huyệt là phương pháp đơn giản nhất để giúp bạn điều trị chứng bệnh này.

Đau khớp gối là gì?

Đau khớp gối ở đây chỉ bệnh thoái hoá khớp xương từ độ tuổi trung niên về sau. Người bệnh cảm thấy tê nhức, mức cử động không còn linh hoạt, đặc biệt là buổi sáng ngủ dậy hoặc ngồi lâu, đứng lâu thì càng tê nhức trầm trọng. Nếu có hoạt động chốc lát thì sẽ giảm nhẹ đi nhưng sau đó lại đau hơn. Bệnh tiến triển chậm, thường là do tổn thương mạn tính mà ra. Lúc đầu chỉ phát sinh ở một khớp xương sau đó thì các khớp gối, cổ tay, cột sống đều đau nhức, tê mỏi.

Phương pháp xoa bóp bấm huyệt chữa đau khớp gối

– Điểm huyết hải: Người bệnh ngồi hoặc nằm, hơi co gối, người chữa bệnh dùng một tay đỡ trên gối, tay kia dùng ngón cái điểm vào huyệt huyết hải để điều hoà khí huyết

Huyệt huyết hải

Vị trí huyết hải: Bờ trong đầu xương bánh chè đo thẳng lên 4 – 5cm (2 thốn).

– Điểm bánh chè: Tư thế như trên, người chữa bệnh dùng hai ngón cái điểm vào hai bên bánh chè.

– Đè đẩy: Tư thế như trên, người chữa bệnh chéo hai ngón tay cái đè vào dây chằng dưới khớp xương bánh chè, sau đó đẩy lên trên, lặp lại nhiều lần.

– Đẩy vuốt: Người bệnh duỗi thẳng gối, người chữa bệnh đè hai ngón cái vào dưới xương bánh chè sau đó ấn dần lên trên rồi vuốt xuống.

– Ôm vuốt: Người chữa bệnh chụm hai tay vào chỗ gối đau người bệnh, dùng cạnh chưởng bàn tay đẩy vuốt vùng gối.

– Ấn vuốt: Người chữa bệnh dùng một tay ấn vuốt vào gối người bệnh. Bệnh này đa số phát sinh ở hai bên cho nên sau khi xong cạnh bên phải thì thực hiện cạnh bên trái.

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Mách bạn bài thuốc y học cổ truyền trị đau nhức xương khớp

Do nhiều yếu tố tác động mà bệnh đau nhức xương khớp đang gây ra nhiều phiền toái đến người bệnh. Để khắc phục điều này, bạn có thể tham khảo những bài thuốc trong y học cổ truyền.

Các vị trí đau nhức xương khớp

Trước sự phát triển của cuộc sống, đau nhức xương khớp không chỉ xuất hiện ở độ tuổi trung niên mà còn ở cả người trẻ tuổi với số lượng ngày càng lớn do ngồi nhiều, ít vận động,… Các triệu chứng ban đầu bao gồm: đau ở gót chân, đau vai gáy, đau các khớp do bị thoái hóa,..

“Khi xuất hiện các triệu chứng trên, bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa xương khớp để khám. Dựa trên các kết quả xét nghiệm như xét nghiệm huyết học, CRP, RF, chụp Xquang khớp và miễn dịch (Anti-CCP),… các bác sĩ sẽ chẩn đoán chính xác và đưa ra phương thức điều trị phù hợp”, giảng viên Y học cổ truyền – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho hay.

Điều trị đau nhức xương khớp bằng bài thuốc YHCT

Bên cạnh tiếp nhận phương pháp điều trị hiện đại, y học cổ truyền cũng đang là lựa chọn của nhiều người với mong muốn điều trị hiệu quả và không gặp tác dụng phụ như mong muốn.

Hiện y học cổ truyền có rất nhiều bài thuốc điều trị đau nhức xương khớp. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến bạn một vài bài thuốc điển hình có thể vận dụng khi cần thiết:

Bài 1: phụ tử chế 12g; bạch chỉ, tam thất, tế tân, chế xuyên ô, mỗi vị 6g; xuyên khung, mộc qua, hồng hoa, độc hoạt, cẩu tích, mỗi vị 10g; địa long 3 con, ngô công 1 con, mã tiền tử 2 hạt. Các vị tán vụn, ngâm với 500ml rượu trắng, sau 7 – 10 ngày là có thể dùng được. Chỉ dùng để xoa ngoài khớp hoặc nơi đau mà da không có tổn thương, tuyệt đối không được uống.

Bài 2: độc hoạt, khương hoạt, quế chi, đương quy, tần giao, dây đau xương, một dược, nhũ hương, mộc hương mỗi vị 15g; tang chi 30g. Các vị tán vụn, ngâm với 1.500ml rượu trong bình kín, sau 7 ngày thì dùng được. Dùng để xoa ngoài khớp hoặc nơi đau, không được uống.

Bài 3: ấu tầu (ô đầu) 5g; đại hồi, huyết giác, địa liền, hoa chổi xể, quế chi, lá thông, mán chỉ (kim sương), thiên niên kiện, mỗi vị 10g. Các vị tán nhỏ, ngâm với 500ml rượu trắng trong bình hoặc lọ kín, mỗi ngày đảo hoặc lắc 1 lần, sau 7 ngày là có thể dùng được. Lưu ý, bài thuốc chỉ dùng để xoa ngoài khớp hoặc nơi đau mà da không có tổn thương và không được uống.

Đại hồi – vị thuốc điều trị đau nhức xương khớp hiệu quả

Bài 4: hồng hoa 12g, xuyên khung 50g, đào nhân 20g, đương quy 50g, hạt tiêu 50g, thảo ô 20g. Các vị tán vụn, ngâm với 1.000ml rượu trắng, sau 3 ngày thì dùng được. Lưu ý bài thuốc y học cổ truyền này chỉ dùng để xoa ngoài khớp hoặc nơi đau mà da không có tổn thương, tuyệt đối không được uống.

Bài 5: đương quy, huyết giác, tần giao, tô mộc, khương hoạt, độc hoạt, mỗi vị 12g; hồng hoa 8g, thiên niên kiện 10g, nhục quế 8g, mộc qua 10g, ngải cứu 6g. Các vị tán vụn, ngâm với 1.000ml rượu trắng, sau 7 ngày là có thể dùng được. Bài thuốc chỉ dùng để xoa ngoài khớp hoặc nơi đau, không được uống.

Bài 6: hồng hoa 6g, nhũ hương 6g, đào nhân 6g, đương quy 12g, sinh bán hạ 12g, sinh nam tinh 12g, sinh xuyên ô 9g, độc hoạt 9g, khương hoạt 9g, bạch giới tử 3g, tế tân 4,5g, băng phiến 3g, tạo giác 4,5g. Các vị tán vụn, ngâm với 1.000ml rượu trắng trong bình kín, sau 7 ngày là có thể dùng được. Lưu ý bài thuốc chỉ sử dụng để xoa ngoài khớp hoặc nơi đau mà da tại chỗ không bị tổn thương. Tuyệt đối không được uống.

Trên đây là những bài thuốc điển hình mà bạn có thể tham khảo và sử dụng khi cần thiết. Tuy nhiên điều này không thay thế cho lời khuyên của bác sĩ, thầy thuốc, vì vậy hãy trao đổi với những người có chuyên môn trước khi sử dụng.

Nguồn: benhhoc.edu.vn

 

 

 

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Hoa đẹp, vị thuốc hay từ cây lan gấm

Cây lan gấm không chỉ mang đến thẩm mỹ cao khi cho cây và hoa đẹp mà còn giàu dược tính nên được Đông y bào chế thành thuốc chữa nhiều bệnh.

Cây lan gấm – vị thuốc đông y trị bách bệnh

Sơ điểm về cây lan gấm

Lan gấm được gọi với các tên khác nhau như lá gấm, Kim tuyến liên, Mộc sơn thạch tùng, tên khoa học là Anoechilus Roxburglihayata thuộc họ Lan (Orchidaceae).

Lan gấm là loại địa lan, thân bò rồi đứng, thường thấy mọc hoang tại những nơi vùng núi, chẳng hạn như vùng rừng già tại Đà Lạt, Đơn Dương, Lâm Đồng, Lạc Dương, Di Linh… của nước ta. Bên cạnh đó, lan gấm cũng mọc ở nhiều nước khác như Đài Loan, Trung Quốc và được bày bán tại các hiệu thuốc Đông duocj.

Lan gấm cho cây và hoa đẹp. Vì thế đây là loại cây được khá nhiều người ưa thích và dùng làm cảnh. Đặc biệt lan gấm rất giàu dược tính nên được thu hoạch hàng nằm để bào chế thành thuốc chữa trị bệnh.

Theo Y học cổ truyền, lan gấm vị vị ngọt, tính mát, tác dụng làm khí huyết lưu thông, bổ âm nhuận phế, làm mát phổi, làm tăng cường sức khỏe, mát máu, an thần. Cây thuốc có tính kháng khuẩn nên còn được sử dụng để điều trị viêm gan mạn tính, viêm phế quản, trị các chứng bệnh như thần kinh suy nhược, ho khạc ra máu, trị lao phổi, gây mất ngủ, phổi kết hạch, kém ăn, tiêu hóa kém, chán ăn.

Bên cạnh đó, lan gấm còn được sử dụng để trị suy thận, phong thấp, giải nhiệt, tăng huyết áp, di tinh, đau lưng, tiêu đờm, giải độc,…

Bài thuốc trị bệnh từ lan gấm

Toàn bộ bộ phận của cây lan gấm đều được sử dụng làm thuốc. Người bệnh có thể dùng cây tươi hay cây khô sắc uống. Liều lượng trung bình cho loại thuốc sắc trong 1 ngày là 20g tươi, hoặc 5g khô.

Dùng toàn bộ cây tươi rửa sạch, giã nát đắp vào nơi vết thương sưng đau nếu đắp ngoài.

Cây lan gấm có thể dùng tươi hoặc khô để sắc

Thầy thuốc Hữu Định – giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur gợi ý một số bài thuốc trị bệnh từ cây lan gấm (kim tuyến liên) mà bạn có thể tham khảo như sau:

Nhuận phổi, làm mát máu,  trị bệnh phổi: Lấy kim tuyến liên 20 phân, sắc uống với nước đường (theo đơn thuốc của ông trung y Khưu Tải Phúc, Đài Loan).

Trị thổ huyết, bệnh phổi: Dùng kim tuyến liên 20 phân hầm với thịt nạc ăn (theo các trung y tại Đài Loan: Ông Vương Chánh Hùng, ông Hà Thiên Tống và ông Trần Bỉnh Diêu).

Chữa chứng đau lá lách: Sử dụng kim tuyến liên 20 phân, chi tử 20 phân, rễ đạm trúc diệp 20 phân, sắc uống (Theo đơn thuốc của trung y Trịnh Mộc Vinh tại Đài Loan).

Làm mát máu, trị bệnh tăng huyết áp: Lấy kim tuyến liên 20 phân, sắc lấy nước thuốc uống với nước đường (theo đơn thuốc của trung y Đài Loan ông Diệp Hải Ba).

Theo Đông y nước ta:

Chữa thần kinh suy nhược, gây mất ngủ: lan gấm 25g, hoa nhài 12g, hoa thiên lý 10g, tâm sen 8g, huyền sâm 10g, mạch môn 15g, ngưu tất 8g, hoài sơn 12g, quyết minh tử 20g, cam thảo đất 8g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần trong ngày. Cần uống 3 – 5 thang.

Chữa ho khạc ra máu: lan gấm 30g, huyền sâm 20g, mạch môn 25g, ngưu tất 15g, hoài sơn 20g, quyết minh tử 15g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Cần uống liền 5 – 7 thang.

Chữa kém ăn: lan gấm 25g, liên nhục 8g, hoài sơn 10g, sơn tra 6g, huyền sâm 20g, trần bì 5g, quyết minh tử 5g. Sắc lấy nước thuốc chia 3 lần uống trong ngày (ngày 1 thang), cần uống 5 – 7 thang liền.

Những thông tin trên không phải là tất cả và thay thế cho lời khuyên của bác sĩ/thầy thuốc có chuyên môn. Vì vậy hay đến các cơ sở y tế, bệnh viện có chuyên môn để khám và điều trị đúng cách.

Nguồn: benhhoc.edu.vn

 

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Phương thuốc tân ôn giải biểu trong Đông y

Giải biểu là một phương pháp điều trị thường dùng trong y học cổ truyền. Các phương thuốc tân ôn giải biểu có tác dụng phát tán phong hàn, dùng để chữa các chứng bệnh gây ra do ngoại cảm phong hàn.

Phương thuốc tân ôn giải biểu trong Đông y

Định nghĩa

Giải biểu là một phương pháp điều trị thường dùng trong y học cổ truyền, trên cơ sở sử dụng những bài thuốc có các vị thuốc mang tính tính vị: Tân, tán, khinh, tuyên làm chủ dược, để nhằm mục đích giải tà chứng thông qua tác dụng phát hãn( làm cho ra mồ hôi).

Có 3 loại giải biểu gồm:

  • Tân ôn giải biểu
  • Tân lương giải biểu
  • Phù chính giải biểu

Các phương thuốc tân ôn giải biểu

Các phương thuốc tân ôn giải biểu có tác dụng phát tán phong hàn, dùng để chữa các chứng bệnh gây ra do ngoại cảm phong hàn: Sợ gió, sợ lạnh, không khát, đầu gáy cứng đau, phát sốt, chân tay mình mẩy đau mỏi, có mồ hôi hoặc không có mồ hôi, mạch phù khẩn hay phù hoãn, rêu lưỡi trắng mỏng.

“2 bài thuốc mà người bệnh có thể tham khảo trong danh mục các phương thuốc tân ôn giải biểu”, thầy thuốc Hữu Định, giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho hay:

Vị thuốc cam thảo

Bài 1: Ma Hoàng Thang: Ma hoàng 6g, Quế chi 4g, Hạnh nhân 8g, Cam thảo 4g

Cách dùng: sắc uống, Ma hoàng sắc trước, đun sôi bỏ bọt, sau cho các thuốc khác sắc, uống nóng chia 2-3 lần uống, đắp chăn ấm cho ra râm rấp mồ hôi.

Công dụng: Phát hãn giải biểu, tuyên phế bình suyễn.

Chủ trị: Cảm mạc phong hàn thể biểu thực: Sợ lạnh, phát sốt, đau cứng cổ gáy, chân tay đau mỏi, không có mồ hôi, ho có thể suyễn, không khát nước, chảy nước mũi trong, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù khẩn.

Phân tích bài thuốc:

  • Ma hoàng tân ôn có tác dụng phát tán hàn tà, là vị thuốc chủ yếu của bài thuốc.
  • Quế chi cũng là thuốc tân ôn dẫn được hàn tà từ cơ biểu theo mồ hôi ra ngoài.
  • Hạnh nhân khổ ôn, có tác dụng giáng khí , dẹp yên suyễn thở và nhuận phế giải biểu.
  • Chích cam thảo: cam ôn, ích khí hòa trung, lại có tác dụng giải biểu một cách nhẹ nhàng.
  • Bốn vị thuốc phối ngũ làm tăng công dụng phát hãn tán hàn, tuyên phế bình suyễn.

Vị thuốc quế chi

Bài 2: Quế chi thang (Thương hàn luận): Quế chi: 12g, Bạch thược 12g, Cam thảo: 6g, Đại táo: 4 quả, Sinh khương: 4g

Cách dùng: sắc uống làm 3 lần trong ngày, uống nóng.

Công dụng: giải cơ phát biểu, điều hòa dinh vệ

Chủ trị: chữa cảm mạo phong hàn thể biểu hư: phát sốt, đau đầu, ra mồ hôi, ho khan, sợ gió, ngạt mũi trong, không khát, rêu lưỡi trắng, mạch phù hoãn, hoặc phù nhược.

Phân tích bài thuốc: bài thuốc này chủ yếu là giải cơ, điều hòa dinh vệ.

Giải cơ là dùng một bài thuốc nhẹ hơn phát hãn để giải trừ tà ở phần cơ biểu. Cho nên dùng Quế chi giải cơ tán phong, để điều chỉnh vệ dương, thược dược liễm âm để điều hòa dinh huyết, lại gia chích sinh khương tán hàn chống nôn, cam thảo hòa trung ích khí, đại táo dưỡng tỳ ích âm. Từ đó dinh vệ được điều hòa, phong hàn tà được trừ bỏ.

Lưu ý khi sử dụng các bài thuốc tân ôn giải biểu:

  • Nếu không có mồ hôi hoặc ra quá nhiều đều không tốt.
  • Không nên sắc lâu, bởi các vị thuốc giải biểu đa số là các vị thuốc nhẹ, có tinh dầu, dễ bốc hơi.
  • Không dùng phép giải biểu nếu các nốt ban chẩn mọc, mụn nhọt đã vỡ, ỉa chảy mất nước và điện giải.

Nguồn: benhhoc.edu.vn

 

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Vị thánh thuốc Nam là ai?

Đó là người con sinh ra trên mảnh đất Hải Dương ngày nay. Ông được tôn vinh là Ông Tổ ngành Dược Việt Nam, Vị thánh thuốc Nam và là người mở đầu cho nền y dược cổ truyền Việt Nam – Tuệ Tĩnh Thiền sư.

Ông Tổ ngành Dược Việt Nam, Vị thánh thuốc Nam – Tuệ Tĩnh Thiền sư

Tiểu sử Vị thánh thuốc Nam

Tuệ Tĩnh Thiền sư (慧靜禪師, 1330-?) hay Vị Thánh thuốc Nam, thường được gọi là Tuệ Tĩnh hoặc Huệ Tĩnh (慧靜). Ông được phong là ông tổ ngành Dược Việt Nam và là người mở đầu cho nền y dược cổ truyền Việt Nam.

Tuệ Tĩnh Thiền sư tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh (阮伯靜), biệt hiệu là Tráng Tử Vô Dật, quê ở làng Xưa, tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương).

Mồ côi cha mẹ từ lúc 6 tuổi, ông được các nhà sư chùa Hải Triều và chùa Giao Thủy nuôi cho ăn học. Năm 22 tuổi, ông đậu Thái học sinh dưới triều vua Trần Dụ Tông, nhưng không ra làm quan mà ở lại chùa đi tu lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh. Những ngày đi tu cũng là những ngày ông học thuốc, làm thuốc, chữa bệnh cứu người.

Năm 1385, ông bị đưa đi cống cho triều đình nhà Minh khi bước sang tuổi 55. Dù nơi đất khách quê người nhưng ông vẫn làm thuốc, thậm chí là nổi tiếng, được vua Minh phong là Đại y Thiền sư và mất tại đây và không rõ năm nào.

Con đường bốc thuốc chữa bệnh cứu người của Vị thánh thuốc Nam

Tuệ Tĩnh theo đuổi con đường nghề thuốc ngay khi còn ở trong nước. Ông tham gia trồng cây thuốc, sưu tầm kinh nghiệm chữa bệnh trong dân gian, huấn luyện y học cho các tăng đồ. Bộ Nam dược thần hiệu chia làm 10 khoa được ông tổng hợp y dược dân tộc cổ truyền. Đặc biệt, ông có bộ Hồng Nghĩa giác tư y thư (2 quyển) biên soạn bằng quốc âm, trong đó có bản thảo 500 vị thuốc nam, viết bằng thơ Đường luật (nôm), và bài “Phú thuốc Nam” 630 vị cũng dùng quốc ngữ.

Các bộ sách Nam Dược thần hiệu và Hồng Nghĩa giác tư y thư của ông không chỉ có ý nghĩa trong lịch sử y học mà cả trong lịch sử văn học Việt Nam.

Nhiều thế kỷ qua, Tuệ Tĩnh được tôn là vị thánh thuốc Nam. Ngày nay tại Hải Dương vẫn còn đền thờ ông ở xã Cẩm Văn, Cẩm Vũ, ở chùa Hải Triều làng Yên Trung, nay là chùa Giám, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng.

Đền thờ Tuệ Tĩnh thiền sư hiện ở xã Cẩm Văn, Cẩm Vũ, ở chùa Hải Triều làng Yên Trung,

nay là chùa Giám, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng.

Câu nói của ông: “Nam dược trị Nam nhân” thể hiện quan điểm về mối quan hệ mật thiết giữa con người với môi trường sống xung quanh. Ông viết: Thiên thư dĩ định Nam bang, thổ sản hà thù Bắc quốc (Thiên thư đã định phận nước Nam, thổ sản không khác gì Bắc quốc). Quan điểm ấy dẫn dắt ông lên ngôi vị cao nhất của nền y học cổ truyền Việt Nam: “Ông Thánh thuốc Nam!” Ông không rập khuôn theo trước tác của các đời trước, Ông không đưa kim, mộc, thủy, hỏa, thổ lên đầu mà xếp các cây cỏ lên trước tiên! Ông phê phán tư tưởng dị đoan của những người chỉ tin vào phù chú mà không tin thuốc.

Tuệ Tĩnh đã không chỉ là một thầy thuốc chữa bệnh, ông còn truyền bá phương pháp vệ sinh, tổ chức cơ sở chữa bệnh trong nhà chùa và trong làng xóm. Ông đề cao việc phòng bệnh hơn chữa bệnh với phương pháp rèn luyện sức khỏe, trí lực. Đó chính là phương thức bảo vệ sức khỏe, rèn luyện cơ thể, suy nghĩ thanh sạch, tư tưởng ung dung.

Khoa Y Dược tìm hiểu theo một số tài liệu thấy rằng, trong 30 năm điều trị chữa bệnh, Tuệ Tĩnh đã xây dựng được 24 ngôi chùa và biến các chùa này thành nơi chữa bệnh cho dân. Ông tập hợp được 182 chứng bệnh được chữa bằng 3.873 phương thuốc. Tuệ Tĩnh nhấn mạnh tác dụng việc rèn luyện thân thể và sinh hoạt điều độ, phương pháp dưỡng sinh nói gọn trong 14 chữ sau:

– Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần

– Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình

Tuệ Tĩnh không chỉ chữa bệnh cho mọi người mà ông còn tập hợp những bài thuốc chữa bệnh cho gia súc. Có thể nói, ông đã góp phần đặt cơ sở cho ngành thú y dân tộc của Việt Nam.

Với tư tưởng kết tinh giữa Phật học và Y học, Thiền sư Tuệ Tĩnh đã trở thành người đầu tiên chú giải sách Thiền tông khóa hư lục của vua Trần Thái Tông soạn. Ngoài ra, ông cũng nghiên cứu và viết nên cuốn sách khai mở nền y học cổ truyền của nước ta: “Dược tính chỉ Nam”, liệt kê ra hàng trăm bài thuốc cổ truyền với những dược liệu từ những cây thuốc Nam. Đáng tiếc, các tác phẩm của ông hiện tại không còn nguyên vẹn mà đều do người đời sau biên tập lại với tài liệu thu thập trong nhân dân như: “Nam dược thần hiệu”, “Hồng nghĩa giác tư y thư”. Đó là những đóng góp vô cùng to lớn, đặt lên những viên gạch đầu tiên cho nền y học nước nhà.

Bộ Nam dược thần hiệu mang ý nghĩa to lớn đối với nền y học nước nhà

Ở nơi đất khách quê người, Thiền sư Tuệ Tĩnh luôn một lòng hướng về quê hương dù được triều đình nhà Minh trọng dụng. Tương truyền sau này khi đi sứ sang Trung Quốc Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đã thăm mộ ông ở Giang Nam và thấy trên bia mộ còn ghi dòng chữ: “Ai về phương Nam cho tôi về với”. Mộ chí ông giờ không còn dấu tích nơi đất khách quê người nhưng người dân đất Việt vẫn một lòng tôn kính và trân trọng những đóng góp vô cùng to lớn của ông và tôn xưng ông với danh hiệu: “Vị thánh thuốc Nam”.

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Các bài thuốc nam trị đau khớp hiệu quả cao

Trong y học cổ truyền, đau khớp thuộc chứng tý chứng, phong thấp, thống tý… Bên cạnh điều trị bằng phương pháp hiện đại thì các bài thuốc nam hiện đang được nhiều người lựa chọn.

Trị đau khớp bằng thuốc nam được nhiều người lựa chọn hiện nay

Hiện phương pháp điều trị đau khớp hiện nay khá phong phú, trong đó việc lựa chọn và sử dụng thuốc nam ngày càng gần gũi. Dưới đây là một số bài thuốc theo từng thể bệnh theo gợi ý của thầy thuốc Hữu Định – giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur.

Bài thuốc trị đau khớp bằng thuốc nam

Trường hợp đau khớp nói chung: Củ dứa dại 20g, cỏ xước 40g, cà gai leo 20g (hoặc cà gai hoa tím 40g), lá lốt 20g, bồ công anh 20g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Trường hợp đau nhức ống xương: Dùng vỏ cây gạo 20g, lá chó đẻ răng cưa 40g, bồ hóng bếp rây mịn 0,5g, vẩy con tê tê tán bột 10g, tất cả sắc uống, mỗi lần 100 ml, ngày uống 3 lần.

Trường hợp đau khớp có sưng đỏ: Dùng lá tre tươi 40g, mía 2 lóng chẻ nhỏ, lá tía tô tươi 40g, sắc với 2 lít nước lấy 1 lít, uống thay nước trong ngày, hạn chế thức ăn xào rán. Kết hợp dùng nước tiểu trẻ em 3 lít lá cúc tần tươi 100g, , lá ngải cứu tươi 100g thái nhỏ, lá long não 100g, tất cả đem đun sôi, dùng chăn trùm kín để xông, trong và sau khi xông tránh gió lùa.

Trường hợp đau nhức khớp cấp tính: Quế chi 9g, độc hoạt 9g, khương hoạt 9g, xuyên khung 9g, phòng phong 12g, hổ trượng 9g, mộc qua 12g, dâm dương hoắc 12g, bạch hoa xà thiệt thảo 12g, sắc uống.

Vị thuốc Kê huyết đằng

Trường hợp gân xương yếu hoặc bong gân: Kê huyết đằng 50g, gân bò 50g, tục đoạn và đỗ trọng mỗi thứ 15g, sắc lấy nước uống, ăn gân bò.

Trường hợp chứng phong hàn thấp tý lưng gối đau nhức, khớp không trơn: Ngưu tất khô cả cành và lá 20g, cam thảo lượng vừa phải, hai thứ sắc kỹ lấy nước bỏ bã, cho gạo vào ninh thành cháo, chia ăn 2 lần trong ngày, ăn nóng, 10 ngày là một liệu trình.

Trường hợp chứng đau khớp trầm trọng, vận động khó khăn, biến dạng: Dùng uy linh tiên 100g, sấy khô, tán bột, luyện mật làm thành viên, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lầm 10g.

Trường hợp chứng nhiệt tý, các khớp sưng, đỏ, nóng, đau: Cành dâu 30g, liên kiều 15g, dây kim ngân 30g, hải đồng bì 12g, thổ phục linh 12g, phòng phong 12g, sinh địa 12g, cam thảo 10g, sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Trường hợp đau cột sống cổ lan xuống vai tay và lên đỉnh đầu: Cát căn 9g, ma hoàng 9g, đương quy 9g, kê huyết đằng 30g, quế chi 9g, sắc uống.

Trường hợp viêm khớp biến dạng: Ngũ gia bì 100g đem rửa sạch, gạo nếp nửa cân hoặc một cân. Ngũ gia bì sắc kỹ 2 lần, bỏ bã lấy nước, đổ gạo nếp vào nấu thành cơm nếp, để nguội, trộn đều với men rượu thành rượu cái, mỗi ngày ăn vài lần, lượng tùy thích.

Ngoài ra bạn có thể tham khảo bài thuốc y học cổ truyền khác như: dùng cốt khí củ 60g, hổ trượng căn 60g, đem ngâm rượu 500 ml trong 2 ngày, sau đó chưng cách thủy 30 phút, bỏ bã, lấy nước, uống mỗi ngày 1 lần, mỗi lần 20-30 ml, cách 5-10 ngày lại uống liệu trình thứ 2, tiếp đến thứ 3…

Trường hợp thấp khớp mạn tính: Lấy ớt lượng vừa đủ ngâm rượu uống.

Vị bột tam thất trong bài thuốc trị đau khớp

Hoặc bạn có thể sử dụng một trong những bài thuốc sau:

  • Dùng tam thất bột 6g, uy linh tiên 9g, hồng hoa 3g, tử tô căn 6g, tất cả đem ngâm rượu trong 3 tuần, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 1 thìa canh.
  • Dùng can khương 9g, ý dĩ 50g, hai thứ ninh nhừ như cháo rồi trộn với 50g đường trắng, ăn trong ngày, liệu trình 1 tháng.
  • Lấy hoa tiêu 30g, ớt đỏ nhọn khô 25 quả, sắc kỹ hoa tiêu với 3 lít nước trong 30 phút, sau đó cho ớt vào nấu mềm, vớt ớt ra, rạch dọc, bỏ hột rồi dán vào chỗ đau, dán 3 lớp, đắp nước sắc hoa tiêu xông nóng độ nửa giờ, mỗi chiều đắp 1 lần, liên tục trong 1 tuần.

Tuy nhiên những bài thuốc trên không thay thế hoàn toàn cho lời khuyên của các bác sĩ, thầy thuốc có chuyên môn. Theo đó khi thấy những dấu hiệu bất thường của cơ thể, bạn nên khám trực tiếp để có sự tư vấn tốt nhất.

Nguồn: benhhoc.edu.vn

 

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Điều trị thoái hóa khớp gối bằng cây gối hạc theo phương pháp Đông y

Cây gối hạc còn có tên là bí đại, kim lê,… Tên khoa học của cây là Leea rubraBlume. Là cây thuốc nam có nhiều công dụng trong điều trị bệnh.

Cây gối hạc còn có tên là bí đại, kim lê

Đặc điểm của cây thuốc gối hạc

Gối hạc là loại cây thuộc dạng dây leo, cây mọc thành bụi, lá có răng cưa, hoa màu đỏ, quả chín có màu đỏ đen.

Gối hạc mọc hầu hết ở các tỉnh miền núi nước ta. Vào những tháng mùa đông hàng năm, người dân thường đào rễ cây mang về rửa sạch, phơi khô làm thuốc. Đây cũng là một trong những vị thuốc nam được dùng nhiều trong y học cổ truyền, có tác dụng trong điều trị các bệnh như:

  • Điều trị phong tê thấp.
  • Điều trị đau nhức xương khớp.
  • Điều trị rong kinh.

Gối hạc là cây thuốc nam có nhiều công dụng rất quý, một trong những tác dụng quý nhất của cây là điều trị bệnh phong tê thấp và bệnh rong kinh.

Đối tượng sử dụng và cách dùng của vị thuốc gối hạc

Vị thuốc gối hạc thường được sử dụng cho các đối tượng như:

  • Người già bị đau nhức xương khớp, người bị phong tê thấp.
  • Phụ nữ bị chứng rong kinh kéo dài (Theo dân gian thì đây là phương thuốc được đánh giá rất hiệu quả).

Điều trị thoái hóa khớp gối bằng cây gối hạc theo phương pháp Đông y

Tư vấn cách dùng và liều dùng:

Cách sắc uống: ngày dùng 15 – 20g (củ hoặc thân cành khô) sắc với 1,2 lít nước uống trong ngày.

Cách ngâm rượu gối hạc: 1kg củ khô, cây khô ngâm với 3 – 4 lít rượu, ngâm 1 tháng là dùng được. Ngày uống 2 – 3 ly nhỏ trong mỗi bữa ăn (rượu gối hạc thường được sử dụng cho những bệnh nhân bị đau nhức xương khớp và phong tê thấp).

Hướng dẫn bài thuốc điều trị thấp khớp

Trong điều trị thấp khớp, thầy thuốc Hữu Định – giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur gợi ý các bài thuốc sau:

Chữa sưng tấy, phong thấp sưng đầu gối hay đau bắp chuối: lấy rễ gối hạc 40 – 50g sắc uống mỗi ngày. Ngoài ra bạn có thể phối hợp với các vị thuốc khác như: rễ gối hạc 30g, rễ gấc, cỏ xước hay ngưu tất, tỳ giải, mỗi vị 15g, cũng sắc uống ngày 1 thang, chia 3.

Thấp khớp tính: ké đầu ngựa, rễ gối hạc, mỗi loại 16g; lá cây đơn đỏ (đơn mặt trời), lá bạc thau (sao vàng), lá cây đơn tướng quân mỗi loại 12g, lá thông (8g) và dây kim ngân (10g). Nếu tính phong nhiều thì thêm kinh giới (12g), vòi voi (16g). Nếu hàn nhiều thêm thổ phục linh(16g), tỳ giải (16g). Sử dụng 600ml nước và đun cạn còn khoảng 200ml để uống trong ngày. Uống trước bữa ăn.

Thấp khớp mạn tính: rễ gối hạc, tầm gửi cây ruối, rễ bươm bướm, nam đằng (sao vàng), găng bầu, mỗi loại 12g; tơ mành, rễ rung rúc, mỗi loại 8g; củ thiên tuế 16g. Nếu huyết kém thêm vương tôn (rễ gấm) 16g. Nếu kém ăn thì thêm ý dĩ 20g. Sắc thuốc với 600ml nước và đun cạn còn khoảng 200ml để uống trong ngày. Uống trước bữa ăn.

Tuy nhiên, cây gối hạc không được sử dụng cho người cao tuổi có thận yếu, phụ nữ đang mang thai và phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú, do việc dùng thuốc ở những đối tượng này có khả năng sẽ làm tăng nguy cơ mắc phải những rủi ro, tác dụng không mong muốn.

Nguồn: benhhoc.edu.vn

 

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Bạch tuyết hoa được sử dụng như thế nào trong Y học cổ truyền?

Bạch tuyết hoa trong Y học cổ truyền được sử dụng khá nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh nhờ tác dụng khử phong, tán ứ, giải độc,… Đặc biệt bài thuốc sẽ phát huy hiệu quả cao nếu người bệnh tuân theo chỉ dẫn của thầy thuốc có chuyên môn.

Bạch tuyết hoa có vị chát, đắng, tính hơi ôn

Bạch tuyết hoa còn có tên gọi khác như bạch tuyết hoa, cây lá đinh, đuôi công, đuôi công hoa trắng, thiên lý cập, bạch hoa xà,… Cây cao 0,3 – 0,6m, có gốc dạng thân rễ. Là cây cỏ mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi để làm thuốc. Lá mọc so le, hình trái xoan, nhẵn, nhưng hơi trắng ở mặt dưới. Hoa màu trắng, thành bông ở ngọn và ở nách lá, phủ lông dính, tràng hoa dài gấp đôi đài. Cây ra hoa quả gần như quanh năm. Cây được thu hái lá và rễ quanh năm. Rễ sau khi đào về sẽ được đem rửa sạch, cắt đoạn ngắn rồi phơi khô dùng dần nhưng nếu dùng tươi tốt hơn.

Bài thuốc điều trị bệnh có sử dụng bạch tuyết hoa

Dưới đây một số bài thuốc được dùng trong y học cổ truyền có sử dụng bạch tuyết hoa:

Bài 1: Chữa kinh nguyệt không đều (bế kinh) thể huyết ứ: bạch tuyết hoa (toàn cây) 16g, lá móng tay 40g, cam thảo đất 16g, nghệ đen 20g. Tất cả rửa sạch cho vào ấm đổ 700ml nước sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.  Khi thấy kinh phải ngừng uống ngay.

Bài 2: Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp: Bạch tuyết hoa (toàn cây) 16g, hoa đại 12g, lá dâu 20g, hạt muồng 16g, ích mẫu 12g, cỏ xước 12g. Tất cả rửa sạch cho vào ấm đổ 800ml nước sắc còn 250ml, chia 3 lần uống trong ngày. Dùng 10 ngày một liệu trình.

Bạch tuyết hoa được sử dụng rộng rãi trong các bài thuốc YHCT

Bài 3: Chữa mụn, nhọt sưng tấy: Lá bạch tuyết hoa, giã nát. Để 2 lớp vải sạch (gạc)  phủ trên mụn nhọt. Sau đó đắp lá bạch tuyết hoa, chỉ đắp khoảng 15 -20 phút, khi nào thấy hơi nóng cần bỏ ra, có tác dụng làm tan nhọt.

Bài 4: Chữa bong gân: Rễ bạch tuyết hoa 20g, cam thảo đất 16g. Đổ 500ml nước sắc còn 150ml, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng từ 3-5 ngày.

Bài 5: Trị bầm tím do chấn thương: Rễ hoặc lá bạch tuyết hoa rửa sạch, sao ấm, đắp lên chỗ sưng đau ngày 2 – 4 lần, dùng liền 3 ngày.

Bài 6: Hỗ trợ điều trị phong thấp: Rễ bạch tuyết hoa 12g, thổ phục linh 16g, dây đau xương 12g. Sắc uống ngày một thang. Tất cả rửa sạch, cho 500ml nước sắc còn 150ml, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng 10 ngày một liệu trình.

Bài 7: Chữa ghẻ khô: Lấy 20g rễ bạch tuyết hoa, sắc lấy nước. Dùng nước này để bôi ghẻ, ngày 3 lần, bôi từ 3-5 ngày.

Tuy nhiên thầy thuốc Hữu Định – giảng viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cũng lưu ý rằng, mỗi người có một cơ địa khác nhau, các vị thuốc cũng sẽ được gia giảm một cách phù hợp. Vì vậy nếu bạn muốn sử dụng một trong những bài thuốc trên thì cần đến ngay cơ sở y tế, phòng khám chuyên khoa để được các bác sĩ, thầy thuốc kê đơn.

Lưu ý: Phụ nữ có thai không dùng bài thuốc có bạch tuyết hoa.

Nguồn: benhhoc.edu.vn

 

 

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Món ăn và bài thuốc hay trị bệnh từ gạo nếp

Gạo nếp là sản vật trân quý, không chỉ là làm ra những món ăn đặc trưng trong những dịp lễ đặc biệt mà còn mang đến rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe con người.

Gạo nếp rất giàu dinh dưỡng, tác dụng có lợi đối với sức khỏe con người

Gạo nếp còn được biết đến với tên gọi khác như giang mễ hay nhu mễ. Theo y học hiện đại, gạo nếp giàu dinh dưỡng khi có tinh bột, đường các loại, protein, vitamin nhóm B và chất vô cơ…; đánh giá hiệu quả cao trong trường hợp viêm loét dạ dày – tá tràng, tác dụng băng niêm mạc chống loét tốt, tốt cho bệnh nhân phát ban mụn nhọn kỳ đầu, thúc đẩy mọc ban, mưng mủ sớm để sớm lành bệnh

Theo y học cổ truyền, gạo nếp có vị ngọt, tính ôn, vào tỳ, phế và vị. Các thầy thuốc đánh giá cao tác dụng của gạo nếp khi ích khí, cố biểu chỉ tả, bổ trung, kiện tỳ. Đây được xem là dược thiện rất tốt cho các trường hợp tự hãn, di niệu, đái tháo đường, tiểu rắt, tiêu chảy.

3 bài thuốc phòng chữa bệnh từ gạo nếp

Dưới đây là 3 bài thuốc được đánh giá hiệu quả trong phòng chữa bệnh mà bạn có thể tham khảo:

Bài 1: gạo nếp 10g, cam thảo 10g, mai mực 10g, kê nội kim 10g, bằng sa phi 5g, hoàng bá 10g, mẫu lệ nung 10g, gừng tươi 3 lát. Sắc uống ngày 1 thang.

Tác dụng: chữa viêm loét dạ dày tá tràng.

Bài 2: gạo nếp 20g, gừng tươi 3 lát. Gạo nếp sao vàng, sắc cùng với gừng lấy nước uống.

Tác dụng: chữa nôn liên tục.

Bài 3: cám nếp 12g, đinh lăng 12g, hoài sơn 12g, ý dĩ 12g, hà thủ ô 12g, hoàng tinh 12g, kỷ tử 12g, trâu cổ 8g, cao ban long 8g, long nhãn 12g, sa nhân 6g. Các vị khác sắc lấy nước (trừ cao ban long,), hòa tan cao và uống trong ngày.

Tác dụng: chữa liệt dương.

Món ăn phòng chữa bệnh từ gạo nếp

Gạo nếp mang rất nhiều công dụng có lợi đối với sức khỏe, bạn có thể tham khảo những dưới đây:

Cơm nếp tác dụng tốt đối với người bị viêm khí phế quản, hen suyễn, đau loét dạ dày tá tràng, tiêu chảy

Bài 1: Cơm nếp: Đây được xem là món ăn lý tưởng cho người bị bệnh viêm khí phế quản, hen suyễn, đau loét dạ dày tá tràng, tiêu chảy.

Cách làm: gạo nếp 150g vo sạch, thêm chút muối nấu cơm nếp dẻo, ăn sáng và chiều khi đói.

Bài 2: Xôi bát bảo: gạo nếp 100g vo sạch, hạt sen 20g, ý dĩ 20g, bạch biển đậu 20g, đào nhân 20gmơ chín 30g, đại táo 20g, , long nhãn 20g, sơn dược 20g, đường trắng vừa đủ. Tất cả đồ xôi.

Tác dụng: tốt cho người cơ thể suy nhược, ăn uống kém, chậm tiêu, tiêu chảy, phù nề…

Bài 3: Gạo nếp 1000g ngâm nước một ngày đêm, thay nước vài ba lần, vo rửa sạch, phơi hoặc sấy khô, đem sao vàng và tán bột để sẵn. Hoà với nước sôi, thêm chút đường uống khi cần dùng.

Tác dụng: Tốt cho người bị nôn do trào ngược dạ dày thực quản, thai nghén, hẹp môn vị,…

Bài 4: Gạo nếp 50g, cám gạo 50g, đậu đỏ 50g, đường vừa đủ. Nấu chè ăn.

Tác dụng: Chữa bệnh tê phù.

Bài 5: gạo nếp 500g ngâm nước 1h, sau đó đem vo sạch phơi khô, củ mài 500g. Gạo nếp và củ mài đem sao tán bột. Khi dùng lấy mỗi thứ 1 thìa canh, thêm đường và nước sôi vừa đủ khuấy đều. Ăn bữa sáng.

Tác dụng: Tốt cho người già, trẻ em suy nhược, ăn uống kém, người bệnh tiêu chảy lâu ngày ăn kém.

Bài 6: Gạo nếp lứt nấu cơm, sau đó trộn với men rượu, ủ trong vài ngày ta thu được cơm rượu. Ăn mỗi ngày một bát con.

Tác dụng:  kiện tỳ, bổ khí khai vị, giúp ăn ngon miệng.

Gạo nếp được đánh giá hiệu quả ích khí, cố biểu chỉ tả, bổ trung, kiện tỳ, tuy nhiên những người bị phong, nhiệt, đàm kết thì hạn chế dùng. Điều quan trọng bạn cần tham khảo từ những thầy thuốc đông y có chuyên môn để điều trị đúng bệnh đúng trường hợp.

Exit mobile version