Tìm Hiểu Những Biến Chứng Của Bệnh Đái Tháo Đường

Theo các tài liệu bệnh học chuyên khoa, đái tháo đường có cách gọi khác như bệnh tiểu đường. Đây là một bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat khi hóc môn insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể.  

tim hieu nhung bien chung cua benh dai thao duong

Mục Lục

Triệu chứng lâm sàng bệnh đái tháo đường

Bệnh nhân đái tháo đường thường có những biểu hiện lâm sàng như:

  • Tiểu nhiều: Do đường máu tăng cao, lượng insuline do tụy tiết ra không đủ để làm nhiệm vụ đưa Glucose vào tế bào, đến một ngưỡng nào đó sẽ đào thải qua nước tiểu. Khi đó, áp lực thẩm thấu máu tăng cao, kéo nhiều nước vào lòng mạch. Bệnh nhân có thể đi tiểu 5 – 7 lít/24 giờ.
  • Uống nhiều: Do đái nhiều nên bệnh nhân mất nhiều nước nên rất khát, uống nhiều và thích uống nước ngọt.
  • Gầy nhiều:

+ Đây là triệu chứng thường biểu hiện trên bệnh nhân đái tháo đường type 1. Do không thể sản xuất insuline nên các tế bào không có đủ Glucose để tạo ra năng lượng. Vì vậy, cơ thể phải dị hóa Protein, Lipid để đảm bảo cung cấp năng lượng cho hoạt động sống dẫn đến giảm khối lượng cơ và mỡ dưới da. Ngoài ra, bệnh nhân còn sút cân do mất nước. Trong vài tháng, người bệnh có thể sút 5 – 10kg.

+ Đối với bệnh nhân đái tháo đường type 2: Do tụy vẫn sản xuất insuline nhưng không đáp ứng được sự dung nạp Glucose vào tế bào, nên vấn đề giảm cân xảy ra từ từ, khó nhận thấy.

  • Ăn nhiều: Trong một số trường hợp, do tế bào bị “đói” Glucose nên bệnh nhân luôn có cảm giác đói và ăn rất nhiều.
  • Mệt mỏi: Do Glucose không được vận chuyển vào trong tế bào, hoặc việc vận chuyển Glucose vào không đáp ứng được nhu cầu hoạt động dẫn đến tế bào thiếu năng lượng khiến cho cơ thể mệt mỏi, kiệt sức.

Một số triệu chứng khác: Ngứa, tê bì tay chân, giảm thị lực, khô da… đó là biểu hiện của những biến chứng bệnh đái tháo đường.

Triệu chứng cận lâm sàng bệnh đái tháo đường

Định lượng Glucose máu:

+ Glucose máu sau ăn hoặc bất kỳ: ≥11,1 mmol/l (≥200 mg/dL).

+ Glucose máu sau 2 giờ làm nghiệm pháp tăng đường máu: ≥ 11,1mmol/l (≥ 200mg/dL).

+ Glucose máu khi đói (ít nhất 8 giờ sau ăn): ≥ 7mmol/l (≥ 126 mg/dL).

+ Nếu Glucose máu khi đói từ 5,6 – 6,9 mmol/l (100 mg/dL – 125 mg/dL) được gọi là rối loạn dung nạp Glucose lúc đói.

Định lượng HbA1c trong máu: Để theo dõi lượng đường trung bình trong máu. Chỉ số này dùng để theo dõi quá trình diễn biến bệnh và đánh giá kết quả điều trị. Ở người bình thường chỉ số này là 5%. Đối với bệnh nhân đái tháo đường thì chỉ số này <6,5% là đường máu được cân bằng tốt. Nên kiểm tra lượng HbA1c định kỳ 3 tháng 1 lần.

Định lượng Glucose niệu.

Các chỉ số hóa sinh khác: Creatinine, Triglyceride, Cholesterol, Protein niệu… để phát hiện các biến chứng.

Điện tâm đồ: Phát hiện sớm các biểu hiện thiếu máu cơ tim, bệnh lý mạch vành.

Soi đáy mắt: Phát hiện tổn thương mạch máu võng mạc.

Tìm các kháng thể: ICA, anti GAP… hay gặp trong đái tháo đường type 1.

Biến chứng bệnh đái tháo đường

bien-chung-do-benh-dai-thao-duong

Biến chứng của bệnh đái tháo đường xảy ra sớm hay muộn phụ thuộc vào type bệnh và quá trình điều trị, kiểm soát bệnh. Biến chứng của đái tháo đường được chia ra thành cấp tính và mãn tính.

Biến chứng cấp tính bệnh đái tháo đường

  • Hạ Glucose máu

Là biến chứng hay gặp khi người bệnh do ăn kiêng quá mức hoặc do dùng thuốc hạ đường huyết quá liều. Đối với bệnh nhân cao tuổi, biến chứng này khó phát hiện vì các triệu chứng mờ nhạt và không điển hình.

Triệu chứng: Lời nói, cử chỉ chậm chạp. Cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ. Ngoài ra còn có biểu hiện đói bụng, run, yếu cơ, cồn cào, vã mồ hôi…

Khi Glucose máu hạ xuống đến mức độ nào đó có thể xảy ra hôn mê.

Đa số bệnh nhân có hiện tượng hạ Glucose máu tiềm tàng không có triệu chứng, đặc biệt ở những bệnh nhân cao tuổi. Để chẩn đoán xác định cần định lượng Glucose máu: Nếu Glucose máu <3,1 mmol/l thì được coi là hạ Glucose máu tiềm tàng trên lâm sàng và cần xử trí ngay.

  • Nhiễm toan Ceton

Đây là tình trạng nhiễm độc do máu bị toan hóa vì tăng nồng độ Acid acetic, là sản phẩm chuyển hóa dở dang của Lipid để tạo năng lượng do tình trạng thiếu insuline gây ra. Thường xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường type 1.

Triệu chứng: Chán ăn. Khát nước, uống nhiều nước. Tiểu nhiều hơn ngày thường. Rát họng. Đau đầu, đau bụng. Đỏ da. Đại tiện phân lỏng nát, nhiều lần trong ngày. Hơi thở có mùi Ceton. Xét nghiệm có Ceton trong nước tiểu.

Nếu không xử trí kịp thời bệnh nhân có thể bị hôn mê do nhiễm toan Ceton và dẫn đến tử vong.

  • Nhiễm toan Acid Lactic

Nhiễm toan Acid Lactic do sản xuất quá nhiều Acid lactic khi mô bị thiếu Oxy hoặc do giảm khả năng đào thải Acid lactic do suy gan, suy thận thường gặp ở những trường hợp bệnh nhân dùng thuốc hạ đường huyết nhóm Biguanide thế hệ 1.

Triệu chứng: Co cứng cơ, đau ngực, đau bụng, tăng thông khí và tiến tới hôn mê. pH máu động mạch <7, Lactac máu tăng > 10 – 20 mmol/l, khoảng trống anion tăng >30 mmol/l.

  • Tăng Glucose máu

Tăng Glucose máu xảy ra khi lượng đường huyết >33,3 mmol/l. Chủ yếu hay gặp ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 do không kiểm soát đường huyết tốt, đưa vào cơ thể quá nhiều đường bột. Tình trạng này cũng có thể xảy ra khi sử dụng Corticoid liều cao, uống nhiều rượu và có nhiễm trùng kèm theo.

Triệu chứng: Khát nước. Tiểu nhiều. Yếu cơ, chuột rút. Nhầm lẫn. Co giật. Thậm chí là hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu và tử vong.

Một số biến chứng khác do đái tháo đường gây ra

bien-chung-khac-cua-dai-thao-duong

Khám bác sĩ để điều trị những biến chứng khác của bệnh đái tháo đường.

Ngoài da: Ngứa, mụn nhọt, lòng bàn tay bàn chân vàng, hoại tử mỡ da, viêm da, nấm da…

Mắt: Đục thủy tinh thể, trợt loét giác mạc, Glocom do mạch tân tạo, xuất huyết thể kính, hội chứng Wolfram (đái tháo đường, teo thị giác, điếc, tiểu nhạt).

Hô hấp: Viêm phổi, phế quản do bội nhiễm.

Tiêu hóa: Rụng răng, viêm dạ dày, rối loạn tiêu hóa, rối loạn chức năng gan.

Nguồn: sưu tầm