Thơm ngon bổ dưỡng, trị bệnh hay nhờ cá diếc
Cá diếc còn có tên phụ ngư hay tức ngư.
Tên khoa học: Carassin auratus L., họ cá chép (Cyprinidae).
Trong cá diếc rất giàu dinh dưỡng với các thành phần: thịt cá chứa 0,8mg% sắt, 1,8% lipid, 17,6% protid, 70mg% Ca, 152mg% P, acid nicotinic, vitamin B1,… Do đó, cá diếc được xem là thực phẩm lý tưởng cho người bị bệnh lâu ngày, cơ thể suy nhược; tỳ hư phù nề, tiểu tiện khó; khí huyết bất túc khiến ợ chua, ăn uống kém.
Theo y học cổ truyền, cá diếc vị ngọt, tính bình; vào vị, tỳ và đại tràng. Mật cá có vị đắng, tính lạnh. Cá diếc tác dụng hành thủy lợi thấp, kiện tỳ, khai vị, thông nhũ, hạ khí, thanh nhiệt giải độc. Tác dụng tốt đối với người bị mỏi mệt ăn kém, suy nhược, kiết lỵ, tiêu chảy, phù, đại tiểu tiện xuất huyết. Ngày dùng 200-25g; bằng cách nấu, hầm, chiên, nướng.
Khám phá dược thiện từ cá diếc
– Cá diếc nướng: cá diếc 1 con khoảng 250g, để nguyên vẩy, làm sạch bỏ ruột, gỡ bỏ mang, cho một lượng phèn chua bằng hạt lạc đã đập vụn vào bụng cá, đem cá nướng chín. Ăn với dấm mắm gia vị. Món ăn tốt cho người bị hội chứng lỵ, đại tiện nhiều lần trong ngày.
– Bột cá diếc: cá diếc sấy khô 100g, bán hạ chế 60g, gừng khô 60g. Tất cả nghiền thành bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10g, uống với nước ấm. Tác dụng điều trị viêm phế quản mạn tính.
– Cá diếc hầm sa nhân cam thảo: cá diếc 1 con, cam thảo 4g, sa nhân 8g. Cá để nguyên vảy, làm sạch bỏ ruột, gỡ bỏ mang; cam thảo, sa nhân giã vụn cho vào bụng cá; sau đó đem tất cả cho vào nồi, đổ nước hầm nhừ. Không cho ớt, muối mắm, có thể cho các gia vị khác. Ăn liên tục đợt 3 tuần. Tác dụng tốt cho bệnh nhân phù thũng toàn thân.
– Cá diếc nướng tẩm trà: cá diếc 1 con, để nguyên vảy, làm sạch bỏ ruột, gỡ bỏ mang. Cho lá chè non vào bụng cá, bọc giấy nướng chín. Ăn khi đói, ngày 1-2 lần, dùng trong vài ngày. Tác dụng tốt đối với người tiêu khát, uống nhiều nước, bệnh đái tháo đường.
Món ăn thuốc cá diếc hầm đậu đỏ
– Cá diếc hầm đậu đỏ: cá diếc 200g, xích tiểu đậu 100g. Cá diếc để nguyên vảy, làm sạch bỏ ruột, gỡ bỏ mang cho vào nồi cùng xích tiểu đậu, nước, hầm nhừ, thêm gia vị nhưng hạn chế muối. Cá diếc hầm đậu đỏ được xem là món ăn rất tốt cho phụ nữ có mang phù nề, người bị phù nề tay chân (cước khí), tác dụng an thai.
– Cá diếc hầm chân giò: cá diếc 200g, móng giò lợn 1 cái, thông thảo 10g. Đem tất cả vào nồi, thêm nước và gia vị, hầm nhừ, bỏ bã thông thảo. Tác dụng rất tốt cho sản phụ sau đẻ tắc sữa, ít sữa.
– Canh cá diếc củ cải: cá diếc 200g, củ cải 200-400g. Cá diếc đem mổ bỏ ruột, rửa sạch, cắt khúc; cải củ rửa sạch, thái khúc. Cho cá và củ cải vào nồi, thêm nước và gia vị, hầm nhừ; nếu thích ăn khế chua có thể thêm vào. Khi ăn thêm tương dấm hoặc vắt chanh. Ăn khi đói. Canh cá diếc củ cải được xem là món ăn rất tốt cho người mắc các bệnh thường gặp như bị lạnh bụng không tiêu, đầy bụng, suy nhược cơ thể, ăn kém.
– Canh cá diếc hoàng kỳ: cá diếc, khởi tử, hoàng kỳ, rượu vang, hồ tiêu, gừng sống, giấm và đường, tất cả đem nấu chung. Tác dụng bổ huyết, dưỡng da, làm cho sắc mặt tươi tắn, da dẻ hồng hào.
– Canh cá diếc sa nhân: cá diếc to 2 con, trần bì 3g, sa nhân 4g. Cá làm sạch bỏ ruột để cho ráo nước; trần bì và sa nhân tán bột, thêm gừng, ớt, hành, tỏi, lá lốt, bột tiêu, liều lượng thích hợp trộn đều cùng với muối cho trong bụng cá. Cá đem chiên vàng, gắp ra để ráo dầu. Cho hành, gừng vào chảo đã rán cá, thêm nước dùng và gia vị, thả cá vào đun sôi đều. Ăn trong các bữa ăn. Tác dụng tốt cho người tỳ vị hư nhược, ăn kém, đầy trướng bụng, hoặc tiêu chảy, bụng tiêu chảy.
Lưu ý: Người hôn mê gan, có urê huyết cao không ăn cá diếc.
Lưu ý: Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế cho lời khuyên của bác sĩ, thầy thuốc. Vì vậy để đảm bảo an toàn và đúng bệnh, bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị tốt nhất.
Nguồn: Sưu tầm
Facebook Comment