Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Mách bạn trị viêm họng, viêm thanh quản mùa lạnh đơn giản

Viêm họng, viêm thanh quản thường xảy ra khi độ ẩm không khí thay đổi thất thường. Theo đó việc điều trị viêm họng mùa lạnh như thế nào thu hút sự quan tâm của độc giả. Trang Bệnh học dẫn nguồn từ báo Sức khỏe đời sống hôm nay sẽ giới thiệu bài thuốc trị viêm họng, viêm thanh quản khi trời lạnh hiệu quả, đơn giản mà ai cũng có thể làm được.

Sự khác biệt giữa người khỏe mạnh và người bị viêm họng

Bài thuốc trị viêm họng trong y học cổ truyền

Người bệnh có biểu hiện họng khô, đau rát, niêm mạc họng bị phù nề, sung huyết, nuốt nước bọt thấy đau. Tiếng nói thô, không còn trong và bình thường như trước, toàn thân mệt mỏi, có thể có sốt nhẹ. Dùng một trong các bài:

Bài 1: huyền sâm 12g, trần bì 10g, cam thảo 10g, tía tô 16g, kinh giới 16g, đinh lăng 20g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2: ngân hoa 10g, cát cánh 12g, mạch môn 16g, liên kiều 12g, bồ công anh 16g, tô diệp 16g, trần bì 10g, sinh khương 4g, phòng sâm 12g, hoàng bá 12g, cam thảo 10g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.

Bài 3: kinh giới, tiền hồ, phục linh, khương hoạt, xuyên khung, độc hoạt, phòng phong, cát cánh, cam thảo, chỉ xác, sài hồ, mỗi vị 12g; sinh khương, bạch cương tàm, tô diệp, mỗi loại 10g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.

Bài 4: phòng phong 12g, cát cánh 12g, tế tân 6g, kinh giới 16g, xạ can 10g, ngân hoa 10g, thiên niên kiện 10g, tang diệp 16g, quế 6g, cam thảo 10g. Sắc uống ngày 1 thang, sắc 3 lần uống 3 lần.

Bài thuốc trị viêm thanh quản trong y học cổ truyền

Người bệnh có biểu hiện tiếng nói khàn hoặc mất tiếng, đau rát họng, ho kéo dài, hơi thở nóng. Nguyên nhân do bị nhiễm phong nhiệt hoặc phong hàn, bệnh diễn biến dai dẳng, người bệnh không được điều trị đúng cách dẫn đến hậu quả này.

Bài thuốc trị viêm thanh quản trong y học cổ truyền. Ảnh minh họa.

Phép điều trị là trừ phong tà, chống viêm, thanh yết hầu, tuyên phế. Dùng một trong các bài:

Bài 1: phòng phong 12g, huyền sâm 12g, mạch môn 12g, tế tân 6g, xạ can 10g, ngũ vị 10g, thương nhĩ (sao) 16g, trần bì 12g, xuyên khung 10g, tang bạch bì 12g, bách bộ 10g, bạch chỉ 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2: đan bì 10g, khương hoạt 12g, huyền sâm 12g, tế tân 6g, đinh lăng 20g, tang diệp 16g, rau má 20g, mạch môn 12g, cát cánh 12g, trần bì 10g, bạch thược 12g, hạnh nhân 10g, cam thảo 10g. Ngày 1 thang sắc 3 lần uống 3 lần.

Bài thuốc rượu: đậu đen 10g, cam thảo 30g, rượu trắng 500ml, trần bì 20g.

Cách chế: Chuẩn bị trước một bình sành có dung tích từ 800-1.000ml. Đậu đen sao cho bốc khói, cam thảo để sống thái lát, trần bì (sao thơm). Cho các dược liệu trên vào bình sành, đổ 500ml rượu, đậy nắp thật kín rồi chôn xuống đất. Sau 45 ngày là dùng được. Ngày uống 30-35ml chia làm nhiều lần.

Công dụng: Trừ phong, chống viêm, tuyên thông phế khí, lợi yết hầu.

Hi vọng những thông tin trên có thể giúp bạn khắc phục tình trạng viêm họng, viêm thanh quản. Tuy nhiên điều này không thể thay thế cho lời khuyên của bác sĩ, thầy thuốc. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn vẫn nên tham khảo ý kiến của những người có chuyên môn trước khi sử dụng.

Nguồn: suckhoedoisong

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Trị đau đầu, chóng mặt từ Thạch quyết minh

Thạch quyết minh là xác vỏ một số loài bào ngư, có tác dụng bất ngờ trong y học cổ truyền khi có thể bình can tiềm dương, thanh can minh mục…Theo y học hiện đại, thạch quyết minh (vỏ ốc bào ngư) có chứa 90% calcium carbonate. Thạch quyết minh trong y học cổ truyền có vị mặn, tính bình; vào can thận.

 

Trị đau đầu, chóng mặt từ Thạch quyết minh

Vị thuốc có tác dụng trong việc bình can tiềm dương, thanh can minh mục. Chỉ định cho các trường hợp can phong nội động, can dương vượng, gây đau đầu chóng mặt, viêm kết mạc cấp tính, đau mắt đỏ, giảm thị lực do viêm thị thần kinh. Liều dùng cách dùng: 10 – 50g; có thể nấu hoặc sắc (với nhiều thời gian).

Bài thuốc trị bệnh có thạch quyết minh

Bổ tâm an thần: thạch quyết minh 16g, bạch thược 12g, ngưu tất 12g, nữ trinh tử 12g, sinh địa 16g, mẫu lệ 16g, cúc hoa 8g. Sắc uống ngày 1 thang. Dùng cho chứng bệnh do phần dương trong gan bốc lên, sinh hoa mắt, chóng mặt,…

Tan màng mộng, sáng mắt: thạch quyết minh 16g, câu kỷ tử 12g, mộc tặc 12g, xà thoái 4g, cam thảo 3g, thương truật 8g, kinh giới 8g, tang diệp 12g, bạch cúc hoa 8g, toàn phúc hoa 8g, cốc tinh thảo 12g. Sắc uống ngày 1 thang

Ngoài ra, bạn cũng có thể nghiền thành bột, uống sau khi ăn, uống với nước đun sôi khi còn ấm. Thích hợp cho những người mắc các bệnh về mắt (mờ cộm, nhìn không rõ,…) do nóng trong gan (can nhiệt) với biểu hiện: mắt đỏ, mắt kéo màng mộng, nhìn không rõ.

Món ăn bài thuốc có thạch quyết minh

Trang Bệnh học dẫn nguồn từ báo Sức khỏe đời sống giới thiệu một số món ăn thuốc có thạch quyết minh mà bạn có thể tham khảo:

Cháo thạch quyết minh: thạch quyết minh (tán bột) 25g, cúc hoa 15g, thảo quyết minh (sao vàng) 10g, gạo tẻ 100g. Dược liệu sắc lấy nước bỏ bã. Gạo tẻ vo sạch nấu cháo, khi cháo chín cho nước sắc thuốc vào khuấy đều, thêm 6g đường phèn khuấy tan cho ăn.

Thích hợp cho người bị đau đầu, tê bại tay chân, ù tai hoa mắt chóng mặt, mắt sưng đỏ đau cấp.

Thạch quyết minh được sử dụng trong các món ăn trị bệnh

Thạch quyết minh cúc hoa cam thảo ẩm: thạch quyết minh 12g, cam thảo 4g, cúc hoa 12g. Tất cả cho vào ấm pha trà, hãm bằng nước sôi. Uống ngày 2 ấm, cho nước nhiều lần để thay nước uống hàng ngày.

Thích hợp cho người bệnh viêm kết giác mạc cấp, chói mắt sợ ánh sáng.

Gan lợn hầm thạch quyết minh, xương truật: thạch quyết minh 30g, gan lợn 80g, xương truật 90g. Thạch quyết minh đem nung tán mịn; xương truật gọt vỏ ngoài sấy khô tán mịn, cả hai thứ trộn đều, mỗi lần lấy 10g, nhét vào giữa miếng gan lợn đã rạch mở sẵn. Đặt gan lợn trong nồi chưng cách thủy, hầm cho chín. Thích hợp cho các trường hợp viêm thị thần kinh, mờ mắt, thị lực giảm.

Ba ba hầm thạch quyết minh: thạch quyết minh 20g, ba ba 1 con (khoảng 500g), sinh địa hoàng 12g, cốc tinh thảo 15g. Ba ba làm sạch cùng các dược liệu gói trong túi vải xô, cho vào nồi, đổ nước vừa đủ hầm chín, lấy bỏ bã thuốc, thêm gia vị phù hợp. Ăn ngày 1 lần, liên tục 5-7 ngày. Tác dụng tốt đối với những người bệnh tăng nhãn áp (thiên đầu thống), đục nhân mắt.

Đặc biệt lưu ý: Người tỳ vị hư hàn hoặc không thuộc chứng bệnh thực nhiệt tuyệt đối không dùng thạch quyết minh.

Hi vọng những thông tin trên có thể giúp bạn hiểu hơn về vị thuốc thạch quyết minh. Tuy nhiên điều này không thể thay thế cho lời khuyên của bác sĩ, thầy thuốc. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn vẫn nên tham khảo ý kiến của những người có chuyên môn trước khi sử dụng.

Nguồn: suckhoedoisong

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Bài thuốc y học cổ truyền phòng trị bệnh mùa mưa lũ

Sau mưa lũ là thời điểm thuận lợi cho các chứng bệnh bùng phát. Để khắc phục điều này, người bệnh có thể tham khảo các bài thuốc trong y học cổ truyền.

Bài thuốc y học cổ truyền phòng trị bệnh mùa mưa lũ. Ảnh minh họa.

Bài thuốc trị cảm mạo phong hàn

Biểu hiện: người phát sốt, lạnh, rét, đầu đau dữ dội, đờm nhiều, ho nhiều,…

Bài thuốc điều trị: hương nhu, lá sả đem rửa sạch, đun sôi; dùng xông cho ra mồ hôi kết hợp uống một bát nước lá xông, sau đó lau khô mồ hôi, nằm nghỉ nơi không có gió lùa.

Bài thuốc phòng ngừa: 1 củ gừng tươi khoảng 15-20g, rửa sạch, thái mỏng, thêm 100ml nước, đun sôi 20 phút. Gạn ra, uống nóng.

Trường hợp bệnh nặng, kèm theo các triệu chứng rét nhiều, ho nhiều, đau đầu dữ dội,…: Bên cạnh cách xông hơi, bạn có thể dùng bài thuốc sau: kinh giới hoặc kinh giới tuệ (ngọn mang hoa), bạc hà, tô diệp, mỗi vị 12g; quế chi 8g; cam thảo dây, cúc hoa, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, trước bữa ăn 1 giờ.

Bài thuốc trị bệnh đường tiêu hóa

Đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy: tía tô, hoắc hương, mỗi vị 12g; vỏ quýt khô, gừng tươi, bạc hà, cam thảo dây, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang, trước bữa ăn.

Ngoài ra, bạn có thể dùng bài thuốc trần bì, đại phúc bì, bạch chỉ, cát cánh, cam thảo, hoắc hương, thương truật, hậu phác, bạch linh, bán hạ chế, mỗi vị 8g. Tất cả nghiền thành bột mịn, mỗi lần uống 10-12g với nước ấm, ngày uống 2-3 lần. Có thể uống tới khi hết các triệu chứng.

Đau bụng, sôi bụng, phân nát, kém ăn: trần bì, hậu phác, mỗi vị 20g; cam thảo 12g, thương truật 32g. Hậu phác rửa sạch, cạo bỏ lớp vỏ bần, thái mỏng, chích nước gừng, trần bì thái chỉ, vi sao. Thương truật rửa sạch, thái mỏng, vi sao. Tất cả đem tán thành bột mịn, trộn đều. Ngày 3 lần uống trước bữa ăn 1 giờ, uống với nước sôi để nguội. Uống liền 3-4 tuần, đến khi hết các triệu chứng.

Đau bụng, tiêu chảy ra máu: lá mơ tam thể, cọ nhọ nồi, cỏ sữa, rau sam, mỗi vị 12g; xuyên tâm liên 8g. Sắc uống trước bữa ăn, ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống đến khi các triệu chứng thuyên giảm.

Bài thuốc trị nước ăn chân

Theo các chuyên gia tư vấn đầu tiên bạn cần rửa sạch chân bằng nước đun sôi để nguội, thêm chút muối ăn, lau khô. Dùng lá rau sam tươi, vò nát, xát vào chỗ bị bệnh. Ngày làm nhiều lần.

Bạn cũng có thể ngâm rửa bằng nước sắc xuyên tâm liên, hoặc vỏ núc nác (ngâm chân khi nước còn ấm), lau khô. Chấm bột mịn của hỗn hợp bột hoàng liên (hoặc hoàng đằng) với bột phèn phi và hàn the, cùng lượng.

Nước ăn chân là căn bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ

Bài thuốc trị đau mắt

Bài thuốc: kỷ tử, cúc hoa, mỗi vị 4g; thảo quyết minh (sao đen), bạch tật lê (sao cháy cạnh); đương quy, bạch thược, mẫu đơn bì (cả 3 vị chích rượu); phục linh, hoài sơn, trạch tả (cả 3 vị chích muối ăn), mỗi vị 6g; sơn thù du 8g, thục địa 16g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Uống 2-3 tuần lễ, đến hết các triệu chứng.

Kết hợp với phương pháp xông hơi và rửa mắt bằng các lá tươi: bạc hà, lá tre, mỗi thứ 100g; lá trầu không 3-5 lá cắt nhỏ; cúc hoa 6g. Tất cả cho vào nồi, đổ nước đun sôi 5 phút, xông mắt bị đau, để nguội, dùng khăn mềm thấm nước xông, lau rửa mắt nhẹ nhàng. Ngày làm 1-2 lần.

Bài thuốc trị đau xương khớp, cơ nhục

Đầu tiên, dùng một số lá thuốc tươi: ngải cứu, lá lốt, cúc tần, bưởi bung… thêm rượu, hoặc giấm… để chườm nóng vào nơi sưng đau.

Kết hợp dùng bài thuốc: rễ mò đỏ (hoặc mò trắng), rễ cỏ xước, cành cây dâu, hy thiêm, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống nhiều thang, tới khi các triệu chứng thuyên giảm.

Trên đây là những thông tin vô cùng hữu ích về các bài thuốc trị bệnh mùa mưa lũ mà bạn có thể tham khảo. Tuy nhiên điều này không thể thay thế hoàn toàn cho lời khuyên của bác sĩ, thầy thuốc. Vì vậy, bạn không nên tự ý dùng nếu chưa có chỉ định từ những người có chuyên môn.

Nguồn: suckhoedoisong

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Hương nhu: Vị thuốc hay trong “làng” trị cảm sốt

Hương nhu là vị thuốc quen thuộc trong Đông y, là dược liệu được các thầy thuốc khuyên trồng ngay trong vườn nhà để bảo vệ sức khỏe gia đình.

Hương nhu: Vị thuốc hay trong “làng” trị cảm sốt

Đặc điểm của vị thuốc Hương nhu

Hương nhu là tên của nhiều vị dược liệu khác nhau. Ở Việt Nam, có 2 cây mang tên hương nhu: hương nhu trắng và hương nhu tía.

Hương nhu tía (Ocimum sanctum L. Họ Labiatae) còn có tên là é tía, é rừng,…

Hương nhu trắng (Ocimum gratissimum L. Họ Labiatae) còn gọi là húng giổi tía, é lớn lá,…

Về thành phần hóa học, tinh dầu hương nhu có methyl eugenol (12-20 %), eugenol (45-70 %), beta carryophyllen, cacvacrol,… Tỷ lệ tinh dầu: 0,2-0,3% ở cây tươi và 0,5% ở cây khô.

Để làm thuốc chữa bệnh, người ta thu hái phần trên mặt đất, chủ yếu là cành có hoa, phơi ở nơi ít ánh nắng nhưng thoáng gió, có nhiệt độ 30-400C (phơi âm can). Y dược học hiện đại thu hái cất lấy tinh dầu, tách eugenol. Eugenol là chất rất cần thiết trong nha khoa và tổng hợp vanilin.

Theo y học cổ truyền, hương nhu có vị cay, tính hơi ôn, vào kinh phế và vị. Tác dụng phát hãn, tán thấp, thanh thử, hành thủy. Chữa cảm nắng, sốt nóng, cảm hàn, sợ rét, đau bụng đi ngoài, nhức đầu, thổ tả chuột rút, thủy thũng. Phát tán khí lạnh trong nắng nóng (âm thử) có giá trị nhất. Liều dùng: 4-12g. Nước sắc hương nhu nên uống nguội, nếu uống nóng dễ gây nôn mửa.

Bài thuốc trị bệnh từ vị thuốc Hương nhu

Bài thuốc Phát biểu giải thử:

Bài 1: Nước hương nhu: hương nhu 8g, bạch biển đậu 12g, hậu phác 8g. Sắc uống trong ngày và uống khi nước thuốc đã nguội. Thích hợp với những người bị cảm mạo thương thử gây phát sốt, nặng đầu, ớn rét, tức ngực mà khô mồ hôi.

Bài 2: hương nhu 12g, giấp cá 12g, cát căn 12g, nọc sởi 12g, mộc hương 4g, thạch xương bồ 8g. Sắc uống. Chữa cảm mùa hè với các triệu chứng: ớn rét, phát sốt, đau đầu, miệng nôn, tiêu chảy, tim hồi hộp, miệng khát và tiểu tiện vàng đỏ.

Hương nhu được sử dụng trong nhiều bài thuốc trị bệnh hiệu quả

Bài thuốc Tiêu thấp, kiện vị:

Theo các chuyên gia tư vấn bạn có thể tham khảo một trong những bài thuốc sau:

Bài 1: Hương nhu tán: hương nhu (hoa) 45g, hoàng liên (sao với gừng) 120g, hậu phác (cạo vỏ) 60g. Tất cả tán bột. Mỗi lần dùng 12g, thêm 150ml nước và 75ml rượu sắc còn 150ml, bỏ bã cho uống lạnh. Trị cảm mạo mùa gây ăn uống không tiêu, hoắc loạn, tỳ vị không thăng giáng được, bụng đầy, gân cơ co rút.

Bài 2: hương nhu 12g, mộc qua 12g, tía tô 12g. Sắc uống. Dùng khi ăn nhiều thứ lạnh trong mùa hè sinh ra đau bụng, thổ tả.

Bài thuốc Lợi niệu, tiêu thũng:

Bài 1: hương nhu 12g, ích mẫu 16g, bạch mao căn 40g. Sắc uống. Trị khô mồ hôi, phù nước, tiểu tiện ít và đỏ.

Bài 2: hương nhu 12g, bạch truật 12g. Sắc uống. Trị phù nước, khô mồ hôi, rêu lưỡi dày, ăn ít.

Hương nhu là vị thuốc lành tính, tuy nhiên những người biểu hư ra mồ hôi nhiều không nên dùng. Đồng thời, bạn nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ/thầy thuốc trước khi dùng hay có các vấn đề về sức khỏe, bởi những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế cho lời khuyên của những người có chuyên môn.

Nguồn: suckhoedoisong

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Bộ tứ món ăn thuốc kéo dài tuổi thọ, níu giữ thanh xuân

Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật con người không ai tránh khỏi, tuy nhiên bạn có thể làm chậm quá trình lão hóa từ một số thảo dược trong tự nhiên.

Vị thuốc nhân sâm

Món ăn thuốc từ Nhân sâm

Theo Y học cổ truyền, nhân sâm được coi là thần dược kéo dài sinh mệnh, có tác dụng đại bổ nguyên khí. Nhiều công trình nghiên cứu hiện đại cho thấy nhân sâm có tác dụng chống ô xy hóa, trì hoãn sự lão hóa của tế bào não, cải thiện trí não và thể lực.

Để có thể làm chậm quá trình lão hóa bằng nhân sâm, bạn có thể dùng chúng với món ăn thuốc Gà hầm sâm gồm: 1 con gà con, 2 củ nhân sâm tươi, 100g gạo nếp, 50g hạt sen, 4 quả táo tàu, 10g cam thảo, 10g gừng tươi, 20 nhánh tỏi, 20g hành lá, hạt tiêu xay, muối.

Cách làm: Gà đã làm thịt, được sơ chế sạch. Gạo nếp ngâm trong khoảng 1 giờ, vo sạch, sau đó nhồi một ít gạo vào bụng gà và cho thêm táo vào phần bên trong mình gà. Cho nước và các gia vị còn lại như hạt sen, gừng, tỏi, cam thảo,… vào nồi để đun sôi khoảng 30 phút. Sau đó đem gà thả vào nồi nước đã đun sôi rồi hầm cho đến khi gà đủ độ chin.

Món ăn thuốc từ Hà thủ ô

Hà thủ ô trong Y học cổ truyền có tác dụng bổ thận, gan, diên niên bất lão, ích tinh huyết; có thể làm hồng nhuận da dẻ, đen tóc, tóc dài. Theo các nghiên cứu dược lý, hà thủ ô có chứa các chất với tác dụng chống oxy hóa và ngăn ngừa sự phát triển của các gốc tự do trong cơ thể.

Với món ăn thuốc từ Hà thủ ô, bạn có thể chuẩn bị: hà thủ ô 30g, gạo tẻ 100g, đại táo 3 quả, đường đỏ 30g.

Cách làm: hà thủ ô ninh trong 2 giờ. Lấy nước này để nấu cháo, bỏ bã. Cho gạo, đại táo vào ninh đến nhừ. Sau đó cho đường đỏ vào sẽ dễ ăn hơn.

Món ăn thuốc từ Tam thất

Theo Y học cổ truyền, tam thất có tác dụng bồi bổ khí huyết, cầm máu, tiêu ứ huyết, giảm đau. Nghiên cứu dược lý cho thấy tam thất có chứa saponin – là chất quan trọng giúp giảm đau, tiêu sưng, saponin giúp cơ thể chống viêm, chống lại quá trình oxy hóa tế bào, phòng ngừa ung thư.

 Bộ tam thất có tác dụng bồi bổ khí huyết

Bạn có thể dùng củ tam thất phơi khô, sau đó tán bột dùng chung với mật ong hoặc pha nước uống. Hoặc hầm tam thất với thịt gà để bổ sung sức đề kháng trong các trường hợp thiếu máu, suy nhược cơ thể và phụ nữ sau đẻ.

Món ăn thuốc từ Hoàng kỳ

Hoàng kỳ trong Y học cổ truyền có tác dụng bổ tam tiêu, ích nguyên khí; có tác dụng bổ khí toàn thân. Theo nghiên cứu hiện đại, có chứa chất chống oxy hóa, bảo vệ tế bào khỏi những tổn thương; tác dụng giãn mạch vành, tăng cung lượng tim.

Bạn chuẩn bị: Hoàng kỳ 10g, kỷ tử 10 g. Sau đó, cho tất cả những nguyên liệu trên vào nồi nước đun sôi nhỏ lửa trong khoảng 15 phút. Cuối cùng, bắc ra là có thể dùng được.

Trên đây là những thông tin vô cùng hữu ích về các món ăn bài thuốc giúp kéo dài quá trình lão hóa mà bạn có thể tham khảo. Tuy nhiên điều này không thể thay thế hoàn toàn cho lời khuyên của bác sĩ, thầy thuốc. Vì vậy, bạn không nên tự ý dùng nếu chưa có chỉ định từ những người có chuyên môn.

Nguồn: suckhoedoisong

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Phương pháp trị hồi hộp mất ngủ do tâm can huyết hư

Theo y học cổ truyền, hồi hộp mất ngủ do tâm can huyết hư thuộc chứng “Tâm quý”, chứng “Huyết hư”; cần điều trị nhanh chóng để tránh những rắc rối không mong muốn.

Biểu hiện mất ngủ do tâm can huyết hư

Biểu hiện của chứng hồi hộp mất ngủ do tâm can huyết hư: váng đầu chóng mặt, hồi hộp, mệt mỏi, mất ngủ, ngủ chiêm bao sợ hãi, gân cơ yếu. Nguyên nhân do già yếu mệt nhọc; người bệnh ốm lâu ngày; bị chứng xuất huyết nội tạng; ăn uống thiếu bổ dưỡng mà sinh bệnh.

Trong sách ghi rằng, tâm can huyết hư nguồn sinh hóa bất túc, tâm can mất chứng năng tàng chứa, huyết trong mạch máu thiếu, nuôi dưỡng lên tâm não, làm tinh thần không yên, hồi hộp mất ngủ.

Bài thuốc trị hồi hộp mất ngủ do tâm âm hư

Dùng bài Thống tàng phương gia giảm: bạch thược 14g, đơn bì 14g, a giao 12g, đương quy 20g, liên nhục 12g, đăng tâm thảo 4g, đan sâm 14g, phục thần 16g, quy giao 10g, ngũ vị tử 12g, đảng sâm 12g, thục địa 20g. Sắc hoặc làm hoàn uống.

Tác dụng: điều huyết an thần, dưỡng tâm; trị chứng âm hư, huyết hư hỏa vượng lên tâm nóng bứt rứt vật vã, ăn kém, mất ngủ, ra nhiều mồ hôi, hơi thở ngắn.

Gia giảm: Nếu tâm nóng bứt rứt gia liên tử tâm 12g; tiểu đêm gia sinh địa 20g, hắc đậu 20g, khiếm thực 12g; khó ngủ, táo bón, gia bá tử nhân 12g.

Lưu ý: Không sử dụng cho những người mắc chứng ăn ngủ kém do tỳ hư, khó ngủ do tiểu nhiều, khó ngủ bụng đầy.

Bài thuốc trị hồi hộp mất ngủ do can huyết hư

Dùng Toan táo nhân thang: táo nhân 20g, cam thảo 6g, xuyên khung 12g, phục linh 12g, tri mẫu 12g. Sắc uống ngày 1 thang, uống trước khi ăn hoặc lúc đói.

Tác dụng: thanh nhiệt trừ phiền, dưỡng can huyết an thần. Trị chứng can huyết không đủ sinh ra hư phiền, tim hồi hộp, khó ngủ, váng đầu hoa mắt, mạch huyền hoặc tế sác, ra mồ hôi trộm, miệng khô.

Bài thuốc trị hồi hộp mất ngủ do tâm can huyết hư. Ảnh minh họa.

Tùy chứng trạng của người bệnh mà có thể gia giảm cho thích hợp.

Gia giảm: Nếu ra mồ hôi nhiều, gia mạch môn 14g, ngũ vị tử 12g để an thần liễm hãn; người gầy huyết hư, gia thục địa 20g, đương quy 12g; tức ngực do tâm huyết ứ, gia đan sâm 14g, xích thược 14g.

Lưu ý:  Không dùng cho người mắc chứng can dương hư tình chí u uất, hay sợ hãi, rầu rĩ không vui.

Bài thuốc trị hồi hộp mất ngủ do tâm tỳ hư

Dùng bài Quy Tỳ gia giảm: nhân sâm 12g, phục thần 12g, bạch truật 12g, nhãn nhục 12g, táo nhân 12g, hoàng kỳ 14g, đương quy 14g, mộc hương 4g, sinh khương 12g, viễn chí 8g, chích thảo 4g, đại táo 12g. Sắc hoặc làm hoàn uống.

Tác dụng: ích khí bổ huyết, kiện tỳ dưỡng tâm. Trị choáng đầu, chóng mặt, tâm tỳ hư ăn ngủ kém, hồi hộp, huyết hư, huyết áp thấp.

Gia giảm: Nếu người gầy (tâm âm hư), gia bạch thược 12g, thục địa 20g; ngủ mơ di tinh, gia khiếm thực 14g; táo bón, mất ngủ, gia bá tử nhân 14g; mất ngủ ăn kém gia liên nhục 14g; miệng khô, ho, gia mạch môn 12g.

Lưu ý: Bài thuốc không dùng cho người mắc chứng tâm hỏa nóng bứt rứt khó ngủ.

Trên đây là những thông tin tham khảo về các bài thuốc trị hồi hộp mất ngủ do tâm can huyết hư. Tuy nhiên điều này không thể thay thế cho lời khuyên của bác sĩ, thầy thuốc, vì vậy bạn nên tham khảo ý kiến của họ trước khi dùng hay có các vấn đề về sức khỏe.

Nguồn: suckhoedoisong

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Khám phá bài thuốc hay từ cây mào gà trắng

Mào gà trắng tác dụng thanh can minh mục, sơ phong thanh nhiệt làm mát gan sáng mắt, được đánh giá là vị thuốc hay trong y học cổ truyền.

Hoa cây mào gà trắng

Thông tin cơ bản về cây mào gà trắng

Tên khoa học: Celosia argentea L. (c.linearis Sw), thuộc họ Giền Amaranthaceae.

Mào gà trắng được dùng làm cảnh và lấy hạt (thanh tương tử) làm thuốc. Trong đó, thanh tương tử chứa dầu béo, acid nicotinic (vitamin PP), nitratkali.

Theo y học hiện đại, hạt có vị đắng, tính hơi hàn; vào kinh can. Vị thuốc có tác dụng trong việc thanh can minh mục, sơ phong thanh nhiệt làm mát gan sáng mắt. Hoa vị nhạt, tính mát; tác dụng thanh nhiệt, mát huyết, tiêu viêm, cầm máu. Thanh tương tử dùng làm thuốc trị kéo màng, mắt đỏ đau sưng nề, lở ngứa ngoài da. Ngày dùng 10-20g; bằng cách nấu, hầm, sắc.

Lá cây mào gà trắng có tác dụng trị hen phế quản, viêm phế quản, viêm dạ dày ruột. Dùng nước sắc để tắm trị mẩn ngứa ngoài da, mề đay, sưng mủ, trĩ xuất huyết.

Khám phá bài thuốc hay từ cây mào gà trắng

– Tác dụng mát gan, sáng mắt: Trị chứng hỏa ở can bốc lên làm cho mắt đỏ sưng đau, mắt có màng, nhìn mờ:

Bài 1: thanh tương tử 12g, cúc hoa 12g, mật mông hoa 12g. Sắc uống. Tác dụng trị viêm màng tiếp hợp cấp tính, mắt đỏ, sợ ánh sáng.

Bài 2: thanh tương tử 20g, cốc tinh thảo 20g. Sắc uống. Tác dụng trị mắt kéo màng, nhìn mờ.

Bài 3: hạt mào gà, cỏ tháp bút, lá dâu, cúc hoa, mỗi vị 12g; cỏ thanh ngâm 4g. Sắc uống và xông. Tác dụng trị mắt sưng đau, chói, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, đau đầu.

Bài 4: thanh tương tử 12g, mộc tặc 12g, long đởm thảo 4g, tang diệp 12g, cúc hoa 12g. Sắc uống. Trị nhiệt ở gan sinh ra đau mắt đỏ, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, nhức đầu…

– Trị trĩ ra máu: Hạt và hoa mào gà 15g. Sắc uống trong ngày.

Trị hen phế quản: lá mào gà trắng, lá xương sông, lá bồng bồng, dây tơ hồng (sao), mỗi vị 20g. Sắc uống.

Thanh tương tử

Món ăn bài thuốc có thanh tương tử

Chia sẻ về các món ăn bài thuốc có thanh tương tử, thầy thuốc giới thiệu 2 dược thiện sau:

– Nước thanh tương tử đại táo: thanh tương tử 15g, đại táo 30g; hãm nước sôi, uống trước khi ăn. Món ăn bài thuốc tốt cho người bị quáng gà, giảm thị lực.

– Thanh tương tử hầm gan gà: thanh tương tử 15g, gan gà 1 – 3 bộ, thêm bột gia vị hầm chín ăn. Món ăn bài thuốc dùng cho người đau mắt đỏ do viêm kết giác mạc, chảy nước mắt.

Lưu ý: Cần nhớ rằng thanh tương tử thanh nhiệt rất mạnh, có tác dụng mở đồng tử; theo đó người can thận hư và đồng tử mở rộng không dùng.

Trên đây là những thông tin vô cùng hữu ích về cây mào gà trắng mà bạn có thể tham khảo. Tuy nhiên điều này không thể thay thế hoàn toàn cho lời khuyên của bác sĩ, thầy thuốc. Vì vậy, bạn không nên tự ý dùng nếu chưa có chỉ định từ những người có chuyên môn.

Nguồn: suckhoedoisong

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Dùng quả la hán như thế nào để trị bệnh?

Quả la hán theo y học cổ truyền có vị ngọt, tính mát; vào phế, đại tràng; tác dụng nhuận phế, thanh nhiệt, thông tiện, nhuận tràng.

Quả la hán

Sơ lược về quả la hán

Quả la hán còn có tên khác là la hán quả, giả khổ qua. Tên khoa học: Momordica grosvenori Swingle., họ Bí (Cucurbitaceae).

Đây là đặc sản của vùng Quảng Tây, Quế Lâm, Trung Quốc. Hiện la hán quả có nhiều dạng chế phẩm hoặc dạng quả khô được bán tại các cửa hàng thuốc Bắc hay các quán bánh kẹo, giải khát,….

Theo nghiên cứu, quả la hán có 25 – 38% đường (10 – 18% fructose và 5 – 15% glucose); có chất nhầy (D-mannitol), saponin tritecpen (mogroside V có độ ngọt gấp 300 lần saccharose và mogroside VI có độ ngọt gấp 126 lần saccharose), protein, vitamin C và nhiều nguyên tố vi lượng có ích (Mn, Fe, Zn, Se, Iốt…).

Quả la hán có các saponin tritecpen có vị ngọt đặc biệt cao nên phù hợp cho bệnh nhân đái tháo đường. Ngoài ra, la hán quả trong các nghiên cứu gần đây còn có tác dụng chống ung thư, chống viêm, kháng khuẩn, chống lão hóa; làm dịu các kích ứng niêm mạc họng hầu trong các trường hợp viêm họng, viêm thanh khí quản, rất thích hợp cho các giảng viên, ca sĩ và được làm chế phẩm chữa ho long đờm, giải khát.

Theo y học cổ truyền, quả la hán có vị ngọt, tính mát; vào phế, đại tràng; tác dụng nhuận phế, thanh nhiệt, thông tiện, nhuận tràng. Thường dùng cho các trường hợp viêm khí quản, viêm họng, ho nhiều đờm, ho gà, lao phổi gây ho, mất tiếng, cảm sốt, táo bón, bệnh tiểu đường. Liều dùng, cách dùng: 9 – 15g/ ngày; có thể sắc hoặc hãm uống.

Bài thuốc dùng quả la hán trị bệnh trong y học cổ truyền

Dẫn nguồn từ báo Sức khỏe và Đời sống, trang Bệnh học xin giới thiệu một số bài thuốc và món ăn thuốc có quả la hán:

Nước quả la hán trị viêm họng, cảm nắng,…

– Nước quả la hán: la hán 1-2 quả nghiền đập vụn, pha hãm như pha trà hoặc nấu thành nước uống thường ngày 1 – 2 lần. Thích hợp cho người bị mất tiếng, viêm họng, cảm nắng, táo bón.

– Nước la hán mứt hồng: la hán 1 quả, mứt hồng 1 quả. Quả la hán mang nghiền vụn cho vào nồi, thêm nước sắc ngày 1 lần. Thích hợp cho người bị dị ứng, ho gà (ho dài ngày thành cơn).

– Nước la hán hạnh nhân: la hán 1 quả, hạnh nhân 10g. La hán mang nghiền đập vụn, sắc cùng hạnh nhân lấy nước. Ngày sắc 1 lần hoặc hãm uống. Tác dụng tốt đối với người bị cảm mạo ho có đờm nhiều, viêm khí phế quản.

– Nước la hán bàng đại hải: la hán 1 quả, bàng đại hải 2 – 3 hạt. La hán mang nghiền đập vụn, nấu sắc kỹ, chia uống trong ngày. Tác dụng trị đại tiện táo kết, đường ruột táo nhiệt.

– Sirô bối mẫu la hán quả: xuyên bối mẫu 10g, la hán 1 quả. La hán mang nghiền đập vụn, thêm ít đường hoặc mật lượng thích hợp, sau đó nấu sắc kỹ, chia 2 lần ăn trong ngày. Thích hợp cho người bị ho khan ít đờm, viêm khí phế quản, viêm họng khô có sốt, lao phổi.

– Canh la hán: la hán quả 50g, thịt lợn nạc 100g. La hán đem thái lát, cho vào nồi, đổ nước đun kỹ, sau đó cho thịt nạc vào nấu canh, thêm bột gia vị, ăn với cơm trong ngày. Món canh la hán được đánh giá hỗ trợ điều trị bệnh lao rất tốt.

Trên đây là những thông tin vô cùng hữu ích về cây la hán mà bạn có thể tham khảo. Tuy nhiên điều này không thể thay thế hoàn toàn cho lời khuyên của bác sĩ, thầy thuốc. Vì vậy, bạn không nên tự ý dùng nếu chưa có chỉ định từ những người có chuyên môn.

Nguồn: suckhoedoisong

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Hồ đào nhục ôn bổ hạ tiêu, trị di tinh

Hồ đào nhục là đặc sản của vùng cao, không chỉ là thực phẩm giàu dinh dưỡng mà còn là vị thuốc y học cổ truyền với nhiều tác dụng điều trị bệnh hiệu quả.

Hồ đào nhục ôn bổ hạ tiêu, trị di tinh

Đôi nét về hồ đào nhục

Hồ đào một số địa phương gọi quả óc chó; thuộc loại lưu niên, ra hoa vào mùa xuân, quả chín vào mùa thu, thu hoạch quả, bỏ vỏ lấy hạt phơi hoặc sấy khô làm thức ăn và làm thuốc.

Hạt hồ đào bỏ vỏ cứng bên ngoài lấy nhân bên trong gọi là hồ đào nhục (thịt trong quả) hoặc hồ đào hạch, có tính ấm, vị ngọt, béo, vào các kinh phế, can, thận. Tác dụng ôn bổ hạ tiêu, thu nạp thận khí; trị hen suyễn, chứng thận khí hư do hàn chứng, nam giới tinh quan đóng không kín nên dễ sinh chứng hoạt tinh, di tinh, làm cho thận khí hao tổn. Liều lượng ngày dùng 20-40g dưới dạng thuốc sắc hoặc viên hoàn.

Bài thuốc trị bệnh từ hồ đào nhục

– Bổ thận tráng dương, diên niên, ích khí, trị chứng thận hư đau lưng:

Dùng bài thuốc Thanh nga hoàn: hồ đào nhục160g, đại toán (tỏi khô, bỏ vỏ) 160g, bổ cốt chỉ (sao rượu) 160g, đỗ trọng 160g (tẩm nước muối sao). Tán bột trộn với mật ong làm viên hoàn, mỗi viên 5g, ngày uống 2 lần mỗi lần uống 2 viên trước khi ăn, uống với nước đun sôi để ấm. Uống liên tục 60 ngày.

– Bổ thận, tráng dương, cố tinh, đau nhức trong xương, làm cho xương chóng liền do gãy xương

Dùng bài thuốc Bổ thận dưỡng huyết thang: hồ đào nhục 16g, câu kỷ tử 6g, đan sâm 12g, bạch thược 4g, bổ cốt chỉ 12g, đỗ trọng 12g, đương quy 8g, sơn thù 4g, sung úy tử 12g, hồng hoa 2g, nhục thung dung 4g, thỏ ty tử 12g, thục địa 12g. Sắc uống.

– Trị chứng đau lưng do thận hàn yếu

Dùng bài thuốc dân gian: dùng thận lợn (2 quả) bổ đôi làm sạch, mỗi quả thận cho 20g hồ đào nhục vào bên trong, kẹp nướng chín; dùng lúc đói, chấm với nước mắm tỏi pha loãng, uống với 30ml rượu trắng. Cách 1 ngày ăn 1 lần, ăn liên tục 10 ngày

Hồ đào nhục được dùng trong nhiều bài thuốc y học cổ truyền

– Trị sinh lý giảm sút, chứng liệt dương, di tinh, xuất tinh sớm, tinh thần mệt mỏi, choáng váng, tay chân lạnh mà yếu

– Ban long hoàn: hồ đào nhục 16g, thục địa 16g, bá tử nhân 12g phục thần 12g, thỏ ty tử 16g, bổ cốt chỉ 12g, cao ban long 20g. Cách dùng: Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày uống trước khi ăn.

– Trị chứng liệt nửa người, mạch vi tế cơ thể suy nhược

Bài thuốc Bổ não chấn nuy: hồ đào nhục 15g, long nhãn nhục 24g, sơn thù 15g, hoàng kỳ 60g, đương quy 24g, giá trùng 3 con, địa long 9g, lộc giác giao 6g, mã tiền (chế) 0,9g, nhũ hương 9g, một dược 9g.

Cách dùng: Các vị thuốc trên sắc kỹ bỏ bã, cho lộc giác giao vào hòa tan, chia 2 lần uống; mã tiền chế tán thành bột mỗi lần uống 0,45g, uống sau khi ăn sáng và ăn tối 15 phút khi thuốc còn ấm.

Tất cả những thông tin trên hi vọng mang đến cho bạn nhiều kiến thức bổ ích, tuy nhiên điều này không thể thay thế cho lời khuyên của bác sĩ/thầy thuốc. Do đó nếu thấy sức khỏe có vấn đề, bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.

Nguồn: suckhoedoisong

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Bài thuốc bí truyền trị chứng can khí uất

Chứng can khí uất là chứng bệnh thường gặp ở người lớn tuổi và có xu hướng gia tăng, vì vậy cần phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Theo y học cổ truyền, chứng can khí uất kết có liên quan đến các bệnh về tinh thần và thần trí như: Hiếp thống, phúc thống, vị quản thống, bệnh tích hay gặp ở người lớn tuổi: Khi mạch nhâm đã hư suy, mạch thái xung đã giảm sút; địa đạo không thông, thiên quý đã cạn kiệt.

Bài thuốc bí truyền trị chứng can khí uất. Ảnh minh họa.

Bệnh xuất hiện khi tình chí không ổn định, dễ bị kích động, buồn, vui  thất thường mà làm mất đi sự sơ tiết dẫn đến khí của can uất trệ, can mộc không điều đạt mà sinh bệnh… Tùy từng trường hợp mà dùng bài thuốc điều trị.

Bài thuốc bí truyền trị chứng can khí uất

– Trị chứng can khí uất do can khí uất kết sinh chứng hiếp thống (đau hai mạn sườn), phúc thống, vị quản thống; do tình chí thất thường làm tổn hại đến khí cơ của can không điều đạt uất lại mà sinh ra bệnh.

  • Triệu chứng: Bụng trướng đầy và đau, đôi khi trướng nhiều hơn đau, cơn đau thường có quan hệ mật thiết với tình chí, vùng ngực khó chịu, ăn kém.
  • Điều trị: Sơ can lý khí chỉ thống.
  • Bài thuốc Sài hồ sơ can tán phối hợp với bài Kim linh tử tán: Sài hồ 8g, kim anh tử 12g, bạch thược 6g, chỉ xác 6g, trần bì 8g, hương phụ 6g, xuyên khung 6g, huyền hồ sách 6g.
  • Cách dùng: Ngày uống 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày trước khi ăn.

– Trị chứng can khí uất do can khí uất kết sinh ra chứng đàm thấp: Vì tư lự thái quá, nguyện vọng không đạt được mục đích sinh ra uất ức, giận dữ, dẫn đến can khí uất kết, can mộc không sơ tiết được tỳ thổ, khiến tỳ khí không thăng, sinh ra đàm thấp, đàm thấp ứ đọng uất kết lại mà sinh bệnh.

  • Triệu chứng: Tinh thần uất ức, nói năng lẫn lộn, buồn, vui, cười khóc bất thường, có khi ngớ ngẩn, không muốn ăn uống, rêu lưỡi mỏng nhớt, mạch huyền hoạt.
  • Điều trị: Khai uất hóa đờm.
  • Bài thuốc Tiêu giao tán: Sài hồ 8g, sinh khương 3 lát, cam thảo 4g, bạch thược 12g, đương qui 12g, bạch truật 12g, bạch linh 12g, bạc hà 4g.
  • Cách dùng: Tùy chứng trạng của bệnh nhân có thể gia giảm cho thích hợp. Ngày uống 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn.

Trị chứng can khí uất do can khí uất kết sinh ra tích tụ; tạng phủ mất đi sự điều hòa, khí cơ của can bị ngăn trở, huyết không được lưu thông, do tức giận, buồn phiền lâu ngày mà sinh bệnh.

Bài thuốc trị chứng can khí uất do can khí uất kết sinh ra tích tụ. Ảnh minh họa.

Theo các chuyên gia chia sẻ:

  • Triệu chứng: Trong bụng có hòn cục, trướng đau, lúc tụ lúc tan.
  • Điều trị: Hành khí tiêu tích, hoạt huyết thông lạc.
  • Bài thuốc Đại thất khí thang: thanh bì 12g, hoắc hương 8g, tam lăng 8g, nga truật 8g, hương phụ 12g, quan quế 6g, trần bì 12g, cát cánh 12g, cam thảo 4g, ích trí nhân 10g.
  • Cách dùng: Ngày uống 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống lúc đói khi thuốc còn ấm.

Trị chứng can khí uất do khí uất kết hợp với đàm; do can khí uất kết sinh chứng mai hạch khí mà sinh ra bệnh.

  • Triệu chứng: Trong họng cảm giác lúc nào cũng có sự vướng mắc, tắc nghẹn, nuốt không vào, khạc không ra, khi tích tụ, khi như tan biến.
  • Điều trị: Sơ khí hóa đàm.
  • Bài thuốc Bán hạ hậu phác thang: bán hạ 8g, bạch linh 12g, hậu phác 8g, tô diệp 4g, sinh khương 8g.
  • Cách dùng: Tùy chứng có thể gia giảm cho thích hợp. Ngày uống 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn hoặc lúc đói.

Trên đây là những thông tin vô cùng hữu ích về các bài thuốc trị chứng can khí uất mà bạn có thể tham khảo. Tuy nhiên điều này không thể thay thế hoàn toàn cho lời khuyên của bác sĩ, thầy thuốc. Vì vậy, bạn không nên tự ý dùng nếu chưa có chỉ định từ những người có chuyên môn.

Nguồn: suckhoedoisong

Exit mobile version