Dùng quả la hán như thế nào để trị bệnh?

53 / 100

Quả la hán theo y học cổ truyền có vị ngọt, tính mát; vào phế, đại tràng; tác dụng nhuận phế, thanh nhiệt, thông tiện, nhuận tràng.

Quả la hánQuả la hán

Mục Lục

Sơ lược về quả la hán

Quả la hán còn có tên khác là la hán quả, giả khổ qua. Tên khoa học: Momordica grosvenori Swingle., họ Bí (Cucurbitaceae).

Đây là đặc sản của vùng Quảng Tây, Quế Lâm, Trung Quốc. Hiện la hán quả có nhiều dạng chế phẩm hoặc dạng quả khô được bán tại các cửa hàng thuốc Bắc hay các quán bánh kẹo, giải khát,….

Theo nghiên cứu, quả la hán có 25 – 38% đường (10 – 18% fructose và 5 – 15% glucose); có chất nhầy (D-mannitol), saponin tritecpen (mogroside V có độ ngọt gấp 300 lần saccharose và mogroside VI có độ ngọt gấp 126 lần saccharose), protein, vitamin C và nhiều nguyên tố vi lượng có ích (Mn, Fe, Zn, Se, Iốt…).

Quả la hán có các saponin tritecpen có vị ngọt đặc biệt cao nên phù hợp cho bệnh nhân đái tháo đường. Ngoài ra, la hán quả trong các nghiên cứu gần đây còn có tác dụng chống ung thư, chống viêm, kháng khuẩn, chống lão hóa; làm dịu các kích ứng niêm mạc họng hầu trong các trường hợp viêm họng, viêm thanh khí quản, rất thích hợp cho các giảng viên, ca sĩ và được làm chế phẩm chữa ho long đờm, giải khát.

Theo y học cổ truyền, quả la hán có vị ngọt, tính mát; vào phế, đại tràng; tác dụng nhuận phế, thanh nhiệt, thông tiện, nhuận tràng. Thường dùng cho các trường hợp viêm khí quản, viêm họng, ho nhiều đờm, ho gà, lao phổi gây ho, mất tiếng, cảm sốt, táo bón, bệnh tiểu đường. Liều dùng, cách dùng: 9 – 15g/ ngày; có thể sắc hoặc hãm uống.

Bài thuốc dùng quả la hán trị bệnh trong y học cổ truyền

Dẫn nguồn từ báo Sức khỏe và Đời sống, trang Bệnh học xin giới thiệu một số bài thuốc và món ăn thuốc có quả la hán:

Nước quả la hán trị viêm họng, cảm nắng,...

Nước quả la hán trị viêm họng, cảm nắng,…

– Nước quả la hán: la hán 1-2 quả nghiền đập vụn, pha hãm như pha trà hoặc nấu thành nước uống thường ngày 1 – 2 lần. Thích hợp cho người bị mất tiếng, viêm họng, cảm nắng, táo bón.

– Nước la hán mứt hồng: la hán 1 quả, mứt hồng 1 quả. Quả la hán mang nghiền vụn cho vào nồi, thêm nước sắc ngày 1 lần. Thích hợp cho người bị dị ứng, ho gà (ho dài ngày thành cơn).

– Nước la hán hạnh nhân: la hán 1 quả, hạnh nhân 10g. La hán mang nghiền đập vụn, sắc cùng hạnh nhân lấy nước. Ngày sắc 1 lần hoặc hãm uống. Tác dụng tốt đối với người bị cảm mạo ho có đờm nhiều, viêm khí phế quản.

– Nước la hán bàng đại hải: la hán 1 quả, bàng đại hải 2 – 3 hạt. La hán mang nghiền đập vụn, nấu sắc kỹ, chia uống trong ngày. Tác dụng trị đại tiện táo kết, đường ruột táo nhiệt.

– Sirô bối mẫu la hán quả: xuyên bối mẫu 10g, la hán 1 quả. La hán mang nghiền đập vụn, thêm ít đường hoặc mật lượng thích hợp, sau đó nấu sắc kỹ, chia 2 lần ăn trong ngày. Thích hợp cho người bị ho khan ít đờm, viêm khí phế quản, viêm họng khô có sốt, lao phổi.

– Canh la hán: la hán quả 50g, thịt lợn nạc 100g. La hán đem thái lát, cho vào nồi, đổ nước đun kỹ, sau đó cho thịt nạc vào nấu canh, thêm bột gia vị, ăn với cơm trong ngày. Món canh la hán được đánh giá hỗ trợ điều trị bệnh lao rất tốt.

Trên đây là những thông tin vô cùng hữu ích về cây la hán mà bạn có thể tham khảo. Tuy nhiên điều này không thể thay thế hoàn toàn cho lời khuyên của bác sĩ, thầy thuốc. Vì vậy, bạn không nên tự ý dùng nếu chưa có chỉ định từ những người có chuyên môn.

Nguồn: suckhoedoisong