Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Công dụng của cây bạc hà trong Đông Y

Cây bạc hà (Mentha) từ lâu đã được sử dụng trong nhiều nền y học cổ truyền, đặc biệt là trong Đông y. Với hương vị tươi mát và tính chất đa dạng, bạc hà không chỉ là một nguyên liệu phổ biến trong ẩm thực mà còn là một vị thuốc quý giúp điều trị nhiều bệnh lý.

Công dụng của cây bạc hà trong đông y

Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá các công dụng của cây bạc hà trong điều trị bệnh bằng phương pháp Y học cổ truyền.

1. Giới thiệu về cây bạc hà

Dược sĩ Cao đẳng Dược Hà Nội cho hay: Cây bạc hà, thuộc họ Lamiaceae, có nhiều loại khác nhau như bạc hà Ấn Độ, bạc hà chanh và bạc hà Nhật Bản. Từ lâu, bạc hà đã được biết đến với khả năng làm mát, giảm đau và kháng viêm. Trong Đông y, bạc hà được coi là một vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt, giải độc và làm dịu.

2. Công dụng trong điều trị bệnh hô hấp

Bạc hà được sử dụng rộng rãi trong điều trị các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Tinh dầu bạc hà có khả năng làm giảm triệu chứng của cảm cúm, viêm họng và ho. Theo Đông y, bạc hà có tác dụng khu phong, thanh nhiệt và tiêu đờm. Các chế phẩm từ bạc hà như trà bạc hà, tinh dầu bạc hà thường được dùng để làm giảm tình trạng nghẹt mũi, ho có đờm và đau họng.

3. Công dụng trong điều trị rối loạn tiêu hóa

Một trong những ứng dụng nổi bật của bạc hà trong Đông y là điều trị các vấn đề về tiêu hóa. Bạc hà giúp kích thích sự bài tiết dịch tiêu hóa, làm giảm triệu chứng đầy bụng, khó tiêu và chứng buồn nôn. Đặc biệt, tinh dầu bạc hà có tác dụng làm giảm cơn đau do chứng khó tiêu và viêm dạ dày. Bạc hà cũng có khả năng làm giảm chứng đau bụng và chuột rút bằng cách thư giãn cơ trơn của đường tiêu hóa.

4. Công dụng trong điều trị đau đầu

Bạc hà được biết đến với khả năng giảm đau đầu và đau nửa đầu. Tinh dầu bạc hà có tác dụng làm mát, giảm căng thẳng và thư giãn cơ bắp. Khi thoa tinh dầu bạc hà lên thái dương và vùng trán, cảm giác mát lạnh và thư giãn từ bạc hà có thể giúp giảm cơn đau đầu nhanh chóng. Trong Đông y, bạc hà được coi là một vị thuốc có tác dụng khu phong, làm giảm triệu chứng đau đầu do cảm cúm hoặc căng thẳng.

5. Công dụng trong điều trị vấn đề về da

Tinh dầu bạc hà cũng được ứng dụng trong điều trị các vấn đề về da như mụn trứng cá và viêm da. Với tính chất kháng khuẩn và làm mát, bạc hà giúp làm giảm viêm và ngứa, đồng thời hỗ trợ làm sạch lỗ chân lông. Các chế phẩm từ bạc hà như mặt nạ bạc hà có thể giúp làm giảm tình trạng mụn và cải thiện sức khỏe của da.

6. Công dụng trong điều trị stress và mệt mỏi

Bạc hà có tác dụng an thần, giúp làm giảm cảm giác căng thẳng và mệt mỏi. Tinh dầu bạc hà thường được sử dụng trong liệu pháp xoa bóp và tắm hơi để thư giãn cơ thể và tinh thần. Trong Đông y, bạc hà được coi là một vị thuốc có tác dụng làm thanh thản tâm trí và cải thiện tinh thần, giúp người dùng cảm thấy thư giãn hơn.

Công dụng trong điều trị stress và mệt mỏi của bạc hà

7. Cách sử dụng bạc hà trong Đông y

Trong Đông y, bạc hà thường được sử dụng dưới nhiều dạng khác nhau bao gồm trà, tinh dầu hoặc viên thuốc. Để điều trị bệnh hô hấp, có thể uống trà bạc hà hoặc xông hơi với tinh dầu bạc hà. Đối với các vấn đề tiêu hóa, sử dụng trà bạc hà có thể giúp làm giảm triệu chứng đầy bụng và khó tiêu. Để điều trị đau đầu, thoa tinh dầu bạc hà lên vùng thái dương và trán có thể giúp giảm cơn đau nhanh chóng.

8. Lưu ý khi sử dụng bạc hà

Mặc dù bạc hà có nhiều công dụng hữu ích, việc sử dụng nó cần phải được thực hiện cẩn thận. Nên tránh lạm dụng bạc hà, đặc biệt là tinh dầu bạc hà, vì nó có thể gây kích ứng da hoặc phản ứng phụ nếu sử dụng quá liều. Ngoài ra, phụ nữ mang thai và trẻ em nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bạc hà dưới dạng tinh dầu hoặc các chế phẩm khác.

Dược sĩ các trường Cao đẳng Dược Hà Nội cho hay: Cây bạc hà là một vị thuốc quý trong Đông y với nhiều công dụng điều trị bệnh đa dạng. Từ việc hỗ trợ điều trị bệnh hô hấp, rối loạn tiêu hóa, đến giảm đau đầu và căng thẳng, bạc hà chứng minh được giá trị của nó trong y học cổ truyền. Việc sử dụng bạc hà một cách hợp lý và an toàn có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và điều trị nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau.

Nguồn:  benhhoc.edu.vn

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Gợi ý thuốc uống và dược thiện hỗ trợ trị bệnh Gout

Gout là căn bệnh phổ biến, thường xảy ra ở nam giới ngoài tuổi 40. Bệnh khiến người bệnh đau đớn và mong muốn tìm giải pháp điều trị hiệu quả nhanh nhất.

Biểu hiện điển hình của bệnh Gout

Gout là bệnh rối loạn chuyển hóa và tăng lắng đọng các tinh thể acid uric tại các khớp. Y học cổ truyền gọi bệnh Gout là “Thống phong”. Những bệnh nhân có chức năng can tỳ thận đã suy yếu, thường xuyên dùng thực phẩm bổ béo, đời sống phóng túng, lạm dụng bia rượu, hay lo nghĩ phiền uất…là những đối tượng thường được Gout ghé thăm, khiến tỳ thận hư suy vận hóa kém, sinh đàm thấp ứ trệ lâu ngày, từ đó sinh thấp nhiệt ứ kết gây đau tại khớp.

Bài thuốc trị bệnh Gout trong Y học cổ truyền

Dưới đây là một số bài thuốc hỗ trợ trị bệnh gout hiệu quả:

Bài 1: Tỳ giải 30-60g, sắc hãm uống. Trị thống phong cấp và mạn; hạ thấp acid uric máu.

Bài 2: Uy linh tiên 30-60g, sắc hãm uống. Trị thống phong mạn, hạ thấp acid uric máu.

Bài 3: Thổ phục 30g. Sắc hãm uống. Dùng khi thống phong cấp (nóng, sưng, đỏ đau); hạ thấp acid uric máu.

Bài 4: Kim tiền thảo 60-120g, sắc hãm uống. Trị thống phong mạn, hạ thấp acid uric máu.

Bài 5: Ý dĩ 30g, vỏ mướp 30g, gừng 6g. Sắc uống.

Bài 6: Đậu tương 50g, lõi bắp ngô 30g, đào nhân 15g. Sắc uống.

Bài 7: Ngũ gia bì tửu: Địa cốt bì 50g, ngũ gia bì 50g. Sắc lấy nước, uống với chút rượu. Thích hợp cho các trường hợp đau nhức xương khớp, suy nhược cơ thể.

Món ăn thuốc trị bệnh Gout trong Y học cổ truyền

Bên cạnh các bài thuốc, Y học cổ truyền cũng có những món ăn có tác dụng hỗ trợ trị gout hiệu quả. Trang Bệnh học –  giới thiệu đến bạn đọc một số món ăn thuốc sau:

Thuốc trị bệnh Gout trong Y học cổ truyền. Hình ảnh minh họa.

Măng tre xào: Măng tre 250g, dầu thực vật 30ml. Măng tre bóc bỏ vỏ, chẻ sợi, ngâm kỹ, để ráo, sau đó xào với dầu đến chín, thêm gia vị vừa dùng. Thích hợp cho người có acid uric cao (dễ bị thống phong).

Cháo ý dĩ – phòng phong: Ý dĩ 50g, phòng phong 10g. Mang cả hai thứ ninh kỹ. Ngày dùng 1 lần, dùng liền 1 tuần. Món ăn có tác dụng thanh nhiệt trừ thấp; tốt cho người bệnh thống phong thể thấp nhiệt tê trở.

Canh củ cải: Củ cải 250g, bá tử nhân 30g. Củ cải đem rửa sạch thái sợi, xào qua với dầu thực vật, cho cùng bá tử nhân và 500ml nước, đun chín, cho gia vị vừa ăn. Dùng cho người bị thống phong

Cháo củ mài, giới bạch: Củ mài 100g, hoàng kỳ 30g, bạch giới tử 10g, gạo tẻ 50g. Củ mài đem cạo vỏ, thái lát mỏng. Gạo tẻ vo sạch, nấu thành cháo cùng các dược liệu. Khi cháo được thì thêm đường trắng vừa ăn.

Món ăn có tác dụng hóa đàm trừ tê, ích khí thông dương; tốt với người bệnh thống phong thể khí hư đàm trở do tỳ hư bất vận, đàm trọc nội sinh.

Cháo đào nhân: Đào nhân 15g, gạo tẻ 100-150g. Giã nát đào nhân, cho nước nhiều lần vắt lấy nước cốt. Gạo tẻ đem vo sạch, nấu với nước cốt đào nhân thành cháo. Ăn trong ngày. Món ăn thuốc có tác dụng hiệu quả trong việc thông lạc chỉ thống, hoạt huyết khứ đàm; thích hợp với người bị thống phong thể ứ huyết đàm trọc tê trở.

Bánh bạch giới, liên, sơn: Giới tử 5g, hoài sơn tươi 200g, bột liên tử 100g, hồng táo 200g, trần bì 5g. Hoài sơn cạo vỏ thái nhỏ; hồng táo bỏ hạt; trần bì thái sợi. Giới tử và trần bì đem giã nát, cho tiếp hồng táo, hoài sơn, và bột liên tử cùng ít nước trộn làm bánh; hấp chín. Ăn bữa sáng. Mỗi lần dùng 50-100g.

Vị thuốc hoài sơn

Món Bánh bạch giới, liên, sơn có tác dụng ích khí hóa đàm thông tê, thích hợp với người bệnh đàm trọc tê trở, thống phong thể tỳ vị khí hư.

Trên đây là những thông tin vô cùng hữu ích về các bài thuốc cũng như món ăn thuốc có tác dụng trong việc hỗ trợ trị gout hiệu quả mà bạn có thể tham khảo. Tuy nhiên điều này không thể thay thế hoàn toàn cho lời khuyên của bác sĩ, thầy thuốc. Vì vậy, bạn không nên tự ý dùng nếu chưa có chỉ định từ những người có chuyên môn.

Nguồn: suckhoedoisong.vn 

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Trị buồng trứng đa nang như thế nào?

Hội chứng đa nang buồng trứng thường gặp ở những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Bên cạnh phương pháp điều trị hiện đại, nhiều chị em còn tìm đến y học cổ truyền khi mắc phải.

Biểu hiện của bệnh buồng trứng đa nang

Bệnh buồng trứng đa nang

Dấu hiệu điển hình nhất của bệnh buồng trứng đa nang là kinh nguyệt không đều, bế kinh liên tục, trước khi bế kinh biểu hiện kinh nguyệt quá ít hoặc loãng.

Hiện tượng kinh nguyệt không đều ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản được biểu hiện như thưa kinh (có kinh dưới 8 lần 1 năm), thiểu kinh (lượng kinh ra ít, ngày thứ 2 thứ 3 chỉ ra nhỏ giọt), kinh nguyệt thất thường, không theo chu kỳ, (tháng có tháng không, đến nhanh, chậm bất thường)…

Bên cạnh đó, dấu hiệu không có thai, đa mao (cơ thể có nhiều lông, mọc nhiều vào sau thời kỳ dậy thì, ví dụ như vùng trên miệng, xung quanh núm vú, đường dọc bụng, xung quanh hậu môn và tứ chi lông mọc tương đối nhiều, thô và đen) là dấu hiệu của bệnh buồng trứng đa nang

Y học hiện đại thường dùng nội khoa hoặc ngoại khoa để điều trị đa nang buồng trứng. Đối với y học cổ truyền, đa nang buồng trứng không có trong các tài liệu và thư tịch. Tuy nhiên căn cứ vào triệu chứng và nguyên nhân bệnh lý của đa nang buồng trứng, bệnh này có liên quan đến đàm ẩm, thận hư và can uất.

Bệnh đa nang buồng trứng là một trong những nguyên nhân gây vô sinh ở nữ giới. Theo đó, bệnh cần được điều trị càng sớm càng tốt!

Trị buồng trứng đa nang ở thể thận hư

Triệu chứng của bệnh thường phát hiện ở thời kỳ dậy thì, kinh nguyệt bị chậm lại, thậm chí tắt kinh. Nguyên nhân do thận khí hư suy không thể sinh tinh huyết, gây nên bệnh.

Trị bệnh buồng trứng đa nang bằng các bài thuốc. Ảnh minh họa.

Dùng bài thuốc “Ôn thận hoàn”: Sơn thù 16g, đương quy 12g, lộc nhung 8g, phục thần 8g, sơn dược 8g, thục địa 16g, ba kích 12g, thỏ ty tử 10g, ích trí nhân 8g, sinh địa 8g, viễn chí 8g, tục đoạn 8g, xà sàng tử 8g.

Bài thuốc có tác dụng bổ thận, bồi bổ khí huyết, từ đó giúp dưỡng khí, sinh huyết. Đây là bài thuốc cổ phương thường dùng chữa phụ nữ bế kinh.

Trị buồng trứng đa nang ở thể đàm thấp

Triệu chứng của bệnh: Béo, đôi lúc bị chứng béo phì, đờm thấp trì trệ, cơ năng sinh hóa không đủ, vận khí, tỳ thận âm hư, kinh nguyệt không đều.

Dùng bài thuốc Thương truật đạo đàm thang: hương phụ 8g, xuyên khung 12g, thần khúc 8g, trần bì 10g, thương truật 8g, nam tinh 8g, bán hạ 8g, hoạt thạch 12g, phục linh 12g.

“Bài thuốc có tác dụng trừ đờm, khí huyết được lưu thông”

Trị buồng trứng đa nang ở thể can uất

Triệu chứng của bệnh: Bên trong thương tổn tình chí, bên ngoài là do lục dâm chi phối, hoặc khí huyết hưng thịnh, âm dương tương thừa gây ra. Trường hợp thất tình lục dục phân ưu sẽ khiến cho gan khí uất kết lại, khí trì huyết đọng, điều tiết thất thường, xung nhâm không thể tương tu, tử cung ra máu, hành kinh không điều hòa.

Đa nang buồng trứng là căn bệnh nguy hiểm dẫn đến vô sinh

Dùng bài thuốc “Điều kinh chủng ngọc thang”: Thục địa 16g, ngô thù du 8g, xuyên khung 12g, phụ tử 8g, quy thân 12g, bạch thược 12g, diên hồ sách 8g, mẫu đơn bì 10g, phục linh 12g, trần bì 8g, can khương 6g, ngải diệp 12g, quế chi 4g.

Tác dụng sơ can, khí huyết lưu thông, giải uất, kinh nguyệt điều hòa.

Trên đây là những thông tin tham khảo về bài thuốc trị bệnh đa nang buồng trứng, tuy nhiên điều này không thể thay thế hoàn toàn cho lời khuyên của bác sĩ/thầy thuốc. Vì vậy nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bạn cần tìm đến những người có chuyên môn để được giải đáp.

Nguồn: suckhoedoisong.vn 

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Mách bạn dược thiện và bài thuốc trị bệnh có hạ khô thảo

Hạ khô thảo theo kinh nghiệm dân gian có khả năng trị được nhiều bệnh ngoài da; có thể dùng cả cây làm thuốc chữa bệnh. Hạ khô thảo là cụm bông hoa của cây Hạ khô thảo. Loại cây này rất dễ nhầm với Hạ khô thảo Nam là cành mang lá và hoa của cây Cải trời, thuộc họ Cúc, do đó bạn cần đặc biệt lưu ý.

Cây thuốc hạ khô thảo

Theo các nghiên cứu hiện đại, “hạ khô thảo có alcaloid tan trong nước, tinh dầu chứa camphor, glucosid đắng (prunelin), muối vô cơ chủ yếu là KCl và một số chất khác…”, Dược sĩ tốt nghiệp Cao đẳng Dược – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết.

Theo y học cổ truyền, hạ khô thảo vị đắng cay, tính hàn; vào các kinh can và đởm. Vị thuốc có tác dụng tán kết, thanh hỏa, mát gan sáng mắt; thích hợp cho những người bị lao hạch, viêm gan siêu vi trùng, đau mắt đỏ, viêm vú tắc sữa, liệt ngoại vi, viêm gan vàng da cấp, bị u nhọt, áp-xe, đau đầu chóng mặt, rong kinh huyết trắng. Liều dùng: 8-20g.

Dược thiện có hạ khô thảo

– Điều trị mụn nhọt, xuất huyết kết giác mạc, viêm kết giác mạc cấp (đau mắt đỏ), viêm vú tắc sữa, lao hạch:

Dùng Cháo bồ công anh hạ khô thảo: hạ khô thảo 20g, bồ công anh 30g, gạo tẻ 60g. Sắc hay hãm bồ công anh và hạ khô thảo lấy nước bỏ bã, gạo vo sạch cho vào nước sắc nấu cháo, khi ăn cho thêm đường trắng đủ ngọt. Dùng một đợt 3-5 ngày.

– Điều trị nam giới lao mào tinh hoàn (hay gặp ở thanh niên 20 – 35 tuổi):

Dùng Cháo câu kỷ tử – hạ khô thảo: hạ khô thảo 20g, câu kỷ tử 15g, gạo tẻ 30g. Hạ khô thảo sắc lấy nước, bỏ bã, để riêng. Cho gạo tẻ vo sạch và kỷ tử vào nấu cháo, cháo chín cho nước hạ khô thảo vào, đun sôi đều. Ăn ngày 1 lần, đợt dùng liên tục trong 15 ngày.

5+ Bài thuốc y học cổ truyền có hạ khô thảo

– Bài thuốc có tác dụng thanh hỏa, tán kết. Trị viêm tuyến sữa, lao hạch, viêm gan bướu giáp,…

Bài 1: hạ khô thảo 12g, cam thảo 4g, Sắc uống ngày 1 thang, liên tục 20-30 ngày. Trị lao hạch.

Hạ khô thảo là vị thuốc hay có trong nhiều bài thuốc chữa bệnh

Bài 2: Hạ khô thảo thang: hạ khô thảo 30g (có thể dùng liều cao hơn). Sắc uống hoặc dùng hạ khô thảo nấu cao mà uống. Chữa lao hạch cổ chưa vỡ, viêm gan, bướu giáp trạng đơn thuần, viêm vú tắc sữa.

Bài 3: hạ khô thảo 20g, thổ bối mẫu 12g, huyền sâm 12g. Sắc uống. Trị viêm tuyến sữa, lao hạch tuyến lâm ba.

– Bài thuốc có tác dụng sáng mắt, mát gan, trị can dương vượng:

Bài 1: hạ khô thảo 62,5g, tang diệp 12g, bồ công anh 62,5g, dã cúc hoa 12g, xa tiền thảo 12g. Sắc uống. Chữa viêm màng tiếp hợp.

Bài 2: Bột hạ khô thảo: hạ khô thảo 62,5g, hương phụ tửu 62,5g, chích thảo 20g. Các vị tán thành bột. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 12g, uống với nước sôi để nguội. Chữa đau nhức mắt do nhiệt ở gan.

Bài 3: hạ khô thảo 20g, mẫu lệ sống 32g, cúc hoa 12g, thạch quyết minh sống 32g, mạn kinh tử 4g, xuyên khung 4g, sắc uống. Chữa đỏ mặt, tăng huyết áp gây đau đầu.

Bài 4: hạ khô thảo tươi 62,5g, dã cúc hoa 62,5g, hy thiêm thảo 62,5g, tất cả đem sắc uống. Trị đau đầu do tăng huyết áp.

Bài 5: Bổ can tán: hạ khô thảo 8g, hương phụ 4g. Tất cả tán bột, dùng cho 1 ngày, chiêu với nước sôi để nguội, hoặc ăn với cháo. Bài thuốc tốt cho người bị can huyết hư đau đầu hoa mắt chóng mặt…

Tuy nhiên cần nhớ rằng: Người âm hư, dạ dày yếu không có uất kết kiêng dùng. Đồng thời những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế cho lời khuyên của các bác sĩ, thầy thuốc có chuyên môn.

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Đông y trị chứng ngứa ở người cao tuổi hiệu quả

Người cao tuổi trong mùa thu đông dễ gặp các vấn đề về da, đặc biệt là chứng ngứa do tiết trời khô hanh cùng sự hoạt động kém hiệu quả của cơ thể. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng ngứa ở người cao tuổi như uống các loại thuốc hay thuốc bôi; sức đề kháng kém; mặc nhiều quần áo khi trời lạnh ảnh hưởng đến quá trình hô hấp bình thường của da.

Chứng ngứa ở người cao tuổi

Theo y học cổ truyền, để phòng trị chứng ngứa, người cao tuổi nên giữ độ ẩm trong phòng thích hợp; tắm nước ấm vừa phải, đặc biệt không nên tắm nước quá nóng và các loại sữa tắm, xà phòng có độ kiềm cao;…

Nếu thấy xuất hiện tình trạng ngứa, bong vảy, ngứa nhiều về đêm thì bạn có thể khảo và áp dụng một trong số những bài thuốc dưới đây:

Thuốc sắc trị chứng ngứa cho người cao tuổi

Bài 1: Gừng khô 9g, quế chi 6g, hồng táo 10 quả. Sắc uống mỗi ngày một thang. Uống liền trong 7-10 ngày.

Bài 2: Dạ giao đằng 50g, xà sàng, khổ sâm, tử mỗi thứ 20g, hoa tiêu 5g, kinh giới 30g. Sắc uống ngày một thang, sắc làm 2 lần.

Vị thuốc Dạ giao đằng trong bài trị ngứa ở người cao tuổi

Bài 3: Đương quy, bạch thược, sinh địa; mỗi thứ 15g; đan sâm 20g; phòng phong, bạch tật lê, kinh giới, mỗi thứ 10g. Sắc uống. Ngày 1 thang, sắc làm 2 lần.

Bài 4: Đương quy 10g, bạch thược 10g, quế chi 10g, tế tân 3g, mộc thông 6g, cam thảo 5g, gừng sống 9g, ngô thù du 3g. Ngày một thang, sắc làm 2 lần.

Bài 5: Quế chi 6g, đương quy 10g, bạch thược 12g, hồng táo 10 quả, gừng sống 3 miếng, cứu cam thảo 5g. Ngày một thang, sắc làm 2 lần.

Thuốc dùng ngoài trị chứng ngứa cho người cao tuổi

Bài 1: Lá đào tươi 30g, đem sắc lấy nước cốt. Dùng vào buổi tối trước khi đi ngủ bằng cách lấy bông thấm nước cốt bôi vào chỗ ngứa.

Bài 2: Vỏ chuối tiêu sắc lấy nước thấm vào khăn bông rồi chườm vào chỗ ngứa hoặc dùng mặt trong của vỏ chuối đắp trực tiếp vào chỗ ngứa.

Bài thuốc gừng tươi kết hợp rượu trắng trị ngứa

Bài 3: Gừng tươi 250g, rượu trắng 500ml. Gừng đem rửa sạch, thái lát, ngâm trong rượu 3-5 ngày là dùng được. Để sử dụng, bạn dùng bông tẩm thứ rượu này, bôi, chấm vào chỗ ngứa, ngày 2-3 lần.

Món ăn bài thuốc trị chứng ngứa ở người cao tuổi

Bên cạnh việc dùng thuốc sắc, người bệnh có thể kết hợp món ăn thuốc theo hướng dẫn để hỗ trợ điều trị:

Bài 1: Thịt dê 200g, gừng sống 15g, hoa tiêu 3g, đương quy 30g. Tất cả đem hầm mềm ăn nóng.

Bài 2: Thịt lươn 30g, hồng táo 15g, gạo tẻ vừa đủ, đem nấu cháo ăn hàng ngày.

Bài 3: Sơn tra 15g, hồng táo 10g, đương quy 15g. Nấu lên ăn.

Trên đây là những thông tin tham khảo về bài thuốc điều trị chứng ngứa ở người cao tuổi nhưng không thể thay thế hoàn toàn cho lời khuyên của bác sĩ/thầy thuốc. Vì vậy nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bạn cần tìm đến những người có chuyên môn để được giải đáp.

Nguồn: suckhoedoisong

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Bài thuốc trị bệnh và tác dụng của vị thuốc đương quy

Đương quy là vị thuốc đông y có vị ngọt cay, tính ôn; được dùng làm món ăn thuốc và thuốc trị bệnh trong nhiều trường hợp.

Vị thuốc đương quy

Đôi nét về đương quy

Đương quy còn có tên xuyên quy, là rễ đã phơi hay sấy khô của cây đương quy (Angelica sinensis (Oliv.) Diels.), thuộc họ Hoa tán (Apiaceae). Tại Việt Nam, đương quy là loài (Angelica acutiloba (Sieb. Et Zucc.) Kitagawa.) có nguồn gốc từ Nhật Bản.

Theo nghiên cứu hiện đại, đường quy chứa coumarin, acid amin, tinh dầu, đường saccharose, sterol, polyacetylen,… Theo y học cổ truyền, đương quy vị ngọt cay, tính ôn; vào kinh can, tâm và tỳ. Tác dụng hoạt huyết, nhuận tràng thông tiện, bổ huyết và điều kinh chỉ thống. Đương quy dùng cho các trường hợp hồi hộp đánh trống ngực, thống kinh, đau đầu chóng mặt xây sẩm choáng váng, kinh nguyệt không đều; đau nhức sưng nề, đau bụng do tỳ vị hư hàn, phong thấp, lở ngứa; được đánh giá là thuốc tốt cho người cao tuổi và phụ nữ sau sinh bị táo bón.

Liều dùng cách dùng: ngày dùng 10 – 20g; bằng cách nấu, sắc, ướp, ngâm rượu…

Các trường hợp dùng đương quy làm thuốc

– Bổ huyết điều kinh: Trị kinh nguyệt không đều, huyết hư kinh bế, thấy kinh đau bụng.

  • Bài 1: Thang tứ vật: đương quy 12g, thục địa 20g, xuyên khung 6g, bạch thược 12g. Sắc uống.
  • Bài 2: Cao Đương quy: cao long đương quy tỷ lệ 1/1. Ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 2 – 3ml.

Đương quy được dùng trong nhiều món ăn và bài thuốc

– Tán ứ giảm đau:

Hoạt lạc hiệu linh đơn: đương quy 12g, đan sâm 20g, một dược 6g, nhũ hương 6g. Sắc uống. Trị các chứng tim, bụng đau do huyết ứ khí trệ.

Thang phục nguyên hoạt huyết: đương quy 12g, sài hồ 20g, hồng hoa 8g, xuyên sơn giáp 8g, thiên hoa phấn 12g, cam thảo 4g, đào nhân 12g, đại hoàng 12g. Sắc uống. Trị ứ huyết, các chứng té ngã sưng đau, đau buốt hai bên sườn.

Nhuận táo thông tiện: Dùng trong trường hợp thiếu máu làm đại tràng không mềm ướt nên đại tiện táo.

  • Bài 1: Hoàn Đương quy: quy vĩ 20g, đào nhân 63g, đại hoàng 20g, khương hoạt 20g, ma nhân 63g. Tất cả nghiền thành bột mịn, luyện với mật làm hoàn. Ngày 2 lần, mỗi lần 8g, chiêu với nước.
  • Bài 2: Đương quy (sao với dầu vừng) 40g, sắc uống.

Dược thiện chữa bệnh có đương quy

Trang Bệnh học – cập nhật tại báo Sức khỏe đời sống, cung cấp đến bạn một số món ăn bài thuốc có đương quy như sau:

Bài thuốc trị bệnh và tác dụng của vị thuốc đương quy

Nước sắc đương quy và hoàng liên: đương quy 16g, hoàng liên 3g đập vụn, sau đó ngâm rượu khoảng 25 – 30 phút, tiếp đến đem tất cả đun sôi cho uống. Dùng cho người bệnh đau mắt do tăng nhãn áp (thiên đầu thống).

Đương quy hầm rượu: đương quy 30g, rượu lượng thích hợp, đun sôi nhỏ lửa trong 15 phút, dùng uống. Dùng cho người bị đau đầu dữ dội.

Đương quy hầm gà: đương quy 30g, gà mái 1 con (làm sạch chặt khúc). Cho đương quy, gà, gừng, hành, gia vị đặt trong nồi, đậy kín. Đun trong 2 – 3 giờ. Thích hợp cho phụ nữ kinh nguyệt không đều, hồi hộp đánh trống ngực, hoa mắt chóng mặt.

Tuy nhiên những người có chứng tỳ thấp, nóng sốt (u thượng thận, lao đang tiến triển, bướu độc giáp trạng), tiêu chảy không được dùng.

Trên đây là những thông tin tham khảo về thảo dược đương quy nhưng không thể thay thế hoàn toàn cho lời khuyên của bác sĩ/thầy thuốc. Vì vậy nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bạn cần tìm đến những người có chuyên môn để được giải đáp.

Nguồn: suckhoedoisong.vn 

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Mách bạn cách trị viêm mũi xuất tiết

Thời tiết thay đổi thất thường, môi trường bị ô nhiễm,… là những nguyên nhân hàng đầu khiến các bệnh về đường hô hấp như viêm mũi xuất tiết phát sinh. Vậy điều trị như thế nào?

Viêm mũi xuất tiết thường xuất hiện khi thời tiết thay đổi

Viêm mũi xuất tiết khiến người bệnh bị chảy nước mũi, ngứa mũi, hắt hơi kèm theo ho và đau họng. Điều này khiến người bệnh vô cùng khổ sở, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sinh hoạt. Để khắc phục bệnh này, y học cổ truyền có những bài thuốc điều trị hiệu quả mà bạn có thể tham khảo.

Thuốc trị viêm mũi xuất tiết trong y học cổ truyền

Trường hợp 1: Người bệnh sổ mũi, hắt hơi nhiều, đau trong hốc mũi, tiếng nói thô, toàn thân mệt mỏi, đau đầu, có khi tịt một bên mũi gây khó thở. Dùng một trong những bài thuốc sau:

– Bài 1: phòng  phong 10g, xuyên khung 10g, bạch chỉ 10g, kinh giới 16g, xương bồ 12g, thương nhĩ 16g, hoàng kỳ 12g, cây ngũ sắc 16g, cỏ seo gà 16g, tía tô 16g, thiên niên kiện 10g. Sắc uống  ngày 1 thang, chia 3 lần. Công  dụng: ôn ấm phế trường, trừ phong chống viêm, chống xuất tiết.

– Bài 2: xuyên khung 10g, tía tô 16g, trần bì 10g, tang ký sinh 12g, bạch chỉ 10g, thương nhĩ 16g, bán hạ chế 12g, sinh khương 6g, bồ công anh 16g, nam hoàng bá 16g, phòng phong 10g, tế tân 10g, cam thảo đất 16g, cát cánh 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Công dụng: giảm tiết, chống  viêm, thông  phế  khí.

– Bài 3: khương hoạt 10g, độc hoạt 12g, bán hạ chế 10g, hậu phác 10g, nam hoàng bá 16g, sa sâm 12g, rau tần dày lá 16g, thiên niên kiện 10g, vỏ quế 8g, sinh khương 4g, thương nhĩ 16g. Sắc uống  ngày 1 thang, chia 3 lần. Công  dụng: trừ phong  hàn, chống xuất tiết, chống dị ứng.

Trường hợp 12 Người bệnh ngạt mũi liên tục, đau đầu, vùng  trán đau, niêm mạc mũi sưng nề, khó thở, có khi phải thở bằng miệng, nước mũi luôn chảy. Dùng một trong những bài thuốc mà trang Bệnh học cập nhật trên báo Sức khỏe đời sống như sau:

Y học cổ truyền mách cách trị viêm mũi xuất tiết

– Bài 1: xuyên khung 10g, huyền sâm 12g, sa sâm 16g, xạ can 12g, bạch chỉ 10g, xương bồ 12g, củ đinh lăng 16g, xuyên sơn giáp 2g, vỏ quế 6g, rau tần dày lá 16g, bán hạ chế 10g, sinh khương 4g, tế tân 10g, đương quy 12g, trần bì 10g. Sắc uống  ngày 1 thang, chia 3 lần. Công  dụng: tiêu viêm, chống sưng nề, giảm tiết, làm thông đường hô hấp trên.

– Bài 2: cát cánh 12g, nam tục đoạn 12g, xuyên sơn giáp 2g, tang ký sinh 10g, bán hạ chế 10g, bối mẫu 10g, hoàng kỳ 10g, rễ xương sông 16g, tế tân 10g, sa sâm 12, cây ngũ sắc 16g, thương nhĩ 16g, củ đinh lăng 16g, nam hoàng bá 12g. Sắc uống  ngày 1 thang, chia 3 lần. Công  dụng: chống viêm, giảm tiết, giảm đau, thông phế đạo.

– Bài 3: xuyên khung, lá chanh, bạch chỉ, vỏ quế, kinh giới, tía tô, hoa hồng bạch mỗi vị 8g. Cho tất cả vào một chiếc ca, đổ nước sôi vào, đậy nắp lại. Sau khoảng 5 phút mở nắp ghé mũi vào xông. Phương pháp này dễ làm, thuận tiện lại rất hữu hiệu. Người bệnh cảm thấy dễ chịu, dễ thở, giảm xuất tiết, giảm đau rõ rệt.

Trên đây là những thông tin vô cùng hữu ích về các bài thuốc điều trị viêm mũi xuất tiết hiệu quả mà bạn có thể tham khảo. Tuy nhiên điều này không thể thay thế hoàn toàn cho lời khuyên của bác sĩ, thầy thuốc. Vì vậy, bạn không nên tự ý dùng nếu chưa có chỉ định từ những người có chuyên môn.

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Y học cổ truyền gợi ý bài thuốc hay hỗ trợ trị tăng huyết áp

Điều trị tăng huyết áp bằng các bài thuốc trong y học cổ truyền đang là xu hướng hiện nay khi những lo ngại về các tác dụng phụ của thuốc tân dược ngày một lớn. Đối với y học hiện đại, tăng huyết áp được điều trị bằng nhiều loại thuốc khác nhau với các cơ chế khác nhau như: giãn mạch, lợi tiểu, chọn dòng canxi… Tuy nhiên các loại thuốc này cần phải theo chỉ định của bác sĩ.

Những biến chứng do tăng huyết áp gây ra

Trong y học cổ truyền, tăng huyết áp thuộc chứng huyễn vựng, đầu thống, can dương thương cang. Tùy vào tình trạng bệnh, người ta chia tăng huyết áp làm một số thể bệnh như sau:

Trị tăng huyết áp ở thể đàm hỏa nội thịnh (đàm thấp)

– Triệu chứng: Mắt mờ, đau đầu ngực sườn đầy tức, đầu căng, mắt đỏ, miệng khô đắng, đờm dính quánh, đầu lưỡi đỏ hay lợm giọng buồn nôn, rêu lưỡi vàng dầy, kém ăn ít ngủ; mạch huyền hoạt. Thể đàm thấp thường gặp ở những người có hàm lượng cholesterol cao (mỡ máu cao), có thể trạng béo.

– Bài thuốc điều trị: bán hạ 8g, ý dĩ 16g, uất kim 8g, trạch tả 8g, trúc nhự 12g, ngưu tất 12g,tang ký sinh 12g, trần bì 6g.

Trị tăng huyết áp ở thể can nhiệt (can dương thượng cang)

– Triệu chứng: Căng đầu, đau đầu, hoa mắt, mắt đỏ, ù tai, mất ngủ, chân tay hay bị co rút, tê bì, môi miệng khô, đắng, đầu lưỡi đỏ, rêu trắng hoặc hơi vàng, lòng bàn chân nóng, mạch huyền.

Y học cổ truyền gợi ý bài thuốc hay hỗ trợ trị tăng huyết áp

– Bài thuốc điều trị: hoàng cầm 9g, long đởm thảo 9g, từ thạch 30g, hạ khô thảo 15g, cao bản 9g, xuyên khung 10g, cúc hoa 9g, tang chi 30g.

Trị tăng huyết áp ở thể âm hư dương thịnh

– Triệu chứng: Hoa mắt, chóng mặt, đầu nặng chân bước không thật, phiền táo dễ cáu gắt, tai ù, chân tay tê bì, mạch huyền, chất lưỡi đỏ, rêu trắng, mỏng.

– Bài thuốc điều trị: sinh địa 12g, bá tử nhân 10g, bạch thược 10g, long cốt 12g, tiên linh kỳ 12g, mẫu lệ 30g, ngưu tất 10g.

Trị tăng huyết áp ở thể tâm tỳ hư

– Triệu chứng: Người cao tuổi là đối tượng dễ gặp, có kèm theo các triệu chứng viêm loét dạ dày tá tràng như da khô, kém ăn, kém ngủ, hiện hoa mắt, đau đầu, phân nát, mạch huyền tế, rêu lưỡi trắng mỏng.

– Bài thuốc điều trị: đảng sâm 15g, táo nhân 10g, mộc hương 5g, đương quy 10g, hoàng kỳ 15g, phục thần 10g, bạch truật 10g, cam thảo 3g, đan sâm 20g.

Tăng huyết áp cần điều trị sớm và đúng cách

Trị tăng huyết áp ở thể can thận âm hư

– Triệu chứng: Ù tai, nhức đầu hoa mắt, mắt hay đỏ, hay hoảng hốt dễ sợ hãi, miệng khô, chất lưỡi đỏ, ít rêu. Gối mỏi, lưng đau, di tinh; khi ngủ hay mê; mạch huyền, tế, sác. Thể âm hư thường gặp ở người cao tuổi động mạch bị xơ cứng.

– Bài thuốc điều trị: trân châu mẫu 30g, câu đằng 10g, dạ giao đằng 12g, thạch hộc 10g, sinh địa 10g, câu kỷ căn 30g, đương quy 10g, hoàng bá 10g.

Trị tăng huyết áp ở thể âm dương lưỡng hư

– Triệu chứng: Chóng mặt đau đầu; sắc mặt trắng bệch, cơ teo nhẽo, chân tay lạnh, mềm yếu, liệt dương hoạt tinh, tiểu đêm nhiều lần, miệng khô, lưỡi bỏng hơi hồng, mạch trầm tế. Người luôn có tâm trạng phiền muộn, cảm giác gió lạnh, sợ lạnh, nước lạnh.

– Bài thuốc điều trị: sinh địa 12g, nữ trinh tử 8g, cam thảo 4g, ngưu tất 16g, mạch môn 12g, bạch thược 12g, thỏ ty tử 8g, ngũ vị tử 6g, mẫu lệ 12g.

Lưu ý: Các bài thuốc trên sắc uống ngày 1 thang. Cho 1 lít nước vào thang thuốc đun đến sôi, sau đó đun nhỏ lửa trong khoảng từ 45 – 60 phút, đến khi còn khoảng 300 – 400ml, chia uống 3 lần trong ngày sau khi ăn 30 phút.

Trên đây là những thông tin tham khảo về các bài thuốc điều trị tăng huyết áp, nhưng điều này không thể thay thế hoàn toàn cho lời khuyên của bác sĩ/thầy thuốc. Vì vậy nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bạn cần tìm đến những người có chuyên môn để được giải đáp.

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Khám phá vị thuốc hay trong dân gian từ quả lê

Lê không chỉ hấp dẫn bởi hương vị đặc biệt mà còn có thể chế biến thành những món ăn dinh dưỡng hay các bài thuốc trị bệnh độc đáo, có lợi đối với sức khỏe.

Khám phá vị thuốc hay trong dân gian từ quả lê

Đôi nét về quả lê

Tên gọi khác: tuyết lê, bạch lê, ngọc nhũ, mật phụ, khoái quả, sa lê.

Theo các nghiên cứu hiện đại, cứ 100g lê có 86,5g nước; 0,1g lipid; 0,3g protein; 8g đường (fructose, levulose,glucose…); 1,6g chất xơ; 0,5mg Fe; 14mg Ca; 0,2mg vitamin PP; các vitamin nhóm B; acid acetic, betacaroten và acid malic.

Với đặc tính vị mát ngọt, lê rất thích hợp trong việc bổ sung nước và các chất dinh dưỡng cho người cao tuổi, bệnh nhân suy nhược cơ thể; trợ tiêu hóa, khai vị và bảo vệ tế bào gan; thích hợp đối với những bệnh nhân viêm phế quản, lao phổi, viêm họng; tác dụng tư âm thanh nhiệt hạ huyết áp nên rất tốt đối với những bệnh nhân tăng huyết áp; đồng thời có vai trò quan trọng trong tiêu hóa và chuyển hóa do trong lê chứa nhiều chất xơ.

Theo y học cổ truyền, quả lê tính lương, vị chua ngọt; vào Phế và Vị. Tác dụng sinh tân, thanh nhiệt, nhuận táo, hóa đàm; thích hợp đối với người bị âm hư, đàm nhiệt như: ho khan, sốt nóng, ho, sốt, mất nước khát nước, khái huyết, kích ứng vật vã, người đái tháo đường, nôn nấc, táo bón.

Bạn có thể sử dụng quả lê một cách đa dạng như ăn tươi, ép nước hoặc nấu, hầm; có thể ăn 1-5 quả mỗi ngày.

Dược thiện trị bệnh từ quả lê

Dẫn nguồn từ báo Sức khỏe và Đời sống, trang Bệnh học giới thiệu đến bạn 6 món ăn thuốc hấp dẫn có quả lê như sau:

– Nước ép lê: lê tươi 1-2 quả, ép nước, để tủ lạnh nửa ngày, uống dần ít một. Thích hợp cho người bị nhiễm siêu vi trùng sốt nóng, khát nước, mất nước.

Ngoài ra bạn có thể dùng nước ép lê, uống nhiều lần từng ít một; tác dụng tốt cho người bị khản giọng mất tiếng do viêm họng nhiệt táo.

– Ngũ trấp ẩm: nước ép quả lê, nước ép lô căn, nước ép củ mã thầy, nước ép giá đỗ xanh (hoặc ngó sen), nước ép mạch môn, liều lượng bằng nhau, hòa chung rồi uống hoặc hấp cách thủy, uống.

Tác dụng thanh nhiệt sinh tân. Ngũ trấp ẩm trị ôn bệnh làm tổn thương tân dịch, lưỡi đỏ ít rêu, miệng háo khát, họng khô.

Lê hấp đường phèn tác dụng điều trị viêm phế quản

– Lê hấp đường phèn: lê 2 quả, bột bối mẫu 10g, đường phèn 30g. Lê đem khoét bỏ hạt, sau đó cho bối mẫu và đường phèn vào trong quả lê, rồi hấp chín. Ăn vào buổi sáng và buổi tối trong ngày.

Tác dụng: Trị thể viêm khô, viêm phế quản cấp, ho khan ít đờm.

– Si rô hạnh nhân nước ép lê: lê 1 quả, hạnh nhân (nhân hạt quả mận) 10g, đường phèn lượng thích hợp. Lê gọt vỏ thái lát, hạnh nhân giã nát. Hạnh nhân và lê cho vào nồi, thêm nước nấu chín nhừ, cho đường phèn vào, khuấy đều.

Tác dụng: Si rô hạnh nhân nước ép lê được đánh giá rất tốt đối với người bệnh bị thể viêm khô, viêm khí phế quản cấp, ho khan ít đờm.

– Lê hầm mật: lê 1kg, mật ong vừa đủ. Lê đem rửa sạch, bỏ hạt, thái lát, sau đó đem ninh nhừ, tiếp đến cho mật ong vào, đun thành dạng cao và bảo quản trong lọ. Mỗi lần uống 2-3 thìa nhỏ với nước, hoặc nhai ngậm.

Tác dụng: Rất tốt cho người bị mất nước, khát nước, sốt nóng dài ngày, ho ra máu, đái tháo đường.

– Cháo bạch lê: lê 3 quả, gạo tẻ 100g. Lê đem gọt vỏ, thái lát. Gạo đem vo sạch rồi nấu cháo, khi cháo chín thì cho lê vào nấu tiếp, khuấy cho tan đều.

Tác dụng: Cháo bạch lê thích hợp cho người bị sốt nóng, khát nước, kích ứng vật vã, chán ăn.

Mặc dù quả lê mang lại nhiều tác dụng có lợi đối với sức khỏe, sử dụng dễ dàng nhưng những người bị tỳ hư tiêu chảy, ho do cảm lạnh thì không nên dùng.

Bên cạnh đó, những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo mà không thể thay thế lời khuyên của bác sĩ/thầy thuốc chuyên khoa. Vì vậy nếu nhận thấy sức khỏe không tốt, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị kịp thời.

Nguồn: suckhoedoisong

Chuyên mục
Y Học Cổ Truyền

Trị bệnh đường tiêu hóa hiệu quả nhờ Cốc nha

Theo y học cổ truyền, cốc nha tác dụng kiện vị, giúp tiêu hóa tốt nên được dùng trong điều trị các bệnh về đường tiêu hóa. Cốc nha là hạt chín già đã mọc mầm, phơi khô của cây lúa tẻ, họ lúa. Theo các nghiên cứu hiện đại, cốc nha chứa tinh bột, chất béo, đường maltose, protid, saccarose, vitamin B, C và nhiều men maltaza, amylaza, diastaza, lipaza, invertaza, proteaza, peptidaza,… Mạch nha là mầm.

Trị bệnh đường tiêu hóa hiệu quả nhờ Cốc nha

Theo y học cổ truyền, cốc nha vị ngọt tính ôn; vào kinh vị và tỳ. Trong đó, mạch nha và cốc nha có tác dụng kiện vị, giúp tiêu hóa như nhau; tuy nhiên tác dụng giúp tiêu hóa của mầm mạch cao hơn, tác dụng dưỡng vị của mầm lúa mạnh hơn. Vì vậy, người xưa thường kết hợp 2 vị này để điều trị bệnh đường tiêu hóa. Liều dùng: 12-20g bằng cách dùng sống hoặc sao qua.

Điểm mặt các đơn thuốc có cốc nha

– Đơn thuốc có cốc nha tác dụng tiêu thực hóa tích: Dùng khi bụng trướng đau, thức ăn tích trệ không tiêu:

Bài 1: mầm lúa 12g, kê nội kim 8g, thương truật 8g, cam thảo 8g. Sắc uống. Trị ăn không ngon miệng, tiêu hóa không tốt.

Bài 2: mầm lúa sao 12g, mầm mạch sao 12g, thần khúc sao xém 12g, sơn tra sao xém 12g, lai phục tử 8g. Sắc uống. Trị miệng hôi, thức ăn tích trệ không tiêu, bụng trướng.

Bài 3: cốc nha 20g, bạch truật 20g, hoàng liên 20g, đảng sâm 16g, thần khúc 16g, sơn tra 12g, quả giun 16g, phục linh 12g, cam thảo chích 6g, lô hội 6g. Tất cả đem sấy khô, tán bột làm viên. Ngày uống 10-12g. Chữa tích trệ tiêu hóa do giun.

– Đơn thuốc có cốc nha tác dụng khai vị ăn ngon: Dùng khi kém ăn, tỳ vị hư nhược.

Bài 1: Hoàn cốc thần: mầm lúa 20g, sa nhân 4g, cam thảo 8g, bạch truật 12g. Sắc uống. Trị tỳ vị hư nhược, nôn, tiêu chảy, kém ăn, tiêu hóa không tốt.

Mạch nha lợi sữa

Bài 2: Lợi sữa: mạch nha 60g, tán mịn, uống với nước sôi. “Thích hợp đối với các sản phụ sau đẻ ứ tắc sữa, ít sữa”

Dược thiện có mầm mạch điều trị bệnh hiệu quả

Cháo mạch nha: mạch nha 60g, gạo 60g. Mạch nha đem sao qua, sắc lấy nước; sau đó lấy nước mạch nha nấu với gạo thành cháo. Ngày ăn 1 lần. Đợt dùng liền 3 ngày.

Tác dụng: Thích hợp cho sản phụ sau đẻ bị sốt, viêm vú (áp-xe vú) ứ tắc sữa, vỡ mủ.

Bánh khảo mạch nha sơn tra: cốc nha 50g, sơn tra 50g, mạch nha 50g, bột gạo rang 150g, đường trắng 75g. Tất cả đem sao giòn hoặc sấy khô, tán mịn; trộn đều hòa với mật ong, ép thành bánh cho ăn thường ngày.

Tác dụng: Thích hợp cho trẻ em ăn kém, chậm tiêu, chậm lớn.

Trên đây là những thông tin vô cùng hữu ích về các bài thuốc và món ăn có chứa cốc nha mà bạn có thể tham khảo. Tuy nhiên điều này không thể thay thế hoàn toàn cho lời khuyên của bác sĩ, thầy thuốc. Vì vậy, bạn không nên tự ý dùng nếu chưa có chỉ định từ những người có chuyên môn.

Exit mobile version