Mục Lục
Cúm
Cúm là bệnh do vi rút influenza gây ra, thường sốt cao 5-7 ngày, đau cơ, mệt mỏi, ho và sổ mũi. Biến chứng của cúm bao gồm viêm phổi và nhập viện do các nhiễm khuẩn vi khuẩn thứ phát.
Cúm có thể nguy hiểm, thậm chí tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Sốt ở trẻ em thường cao hơn ở người lớn, và các triệu chứng về tiêu hóa cũng thường nặng hơn.
Có thể giảm nguy cơ mắc bệnh cũng như giảm nhẹ triệu chứng bằng cách tiêm vắc xin phòng cúm. Trẻ em có thể được tiêm vắc xin phòng cúm từ 6 tháng tuổi. Vắc xin cúm cần phải được tiêm hàng năm bởi vì các chủng vi rút được sử dụng trong vắc xin cúm có thể thay đổi cho phù hợp theo mùa. Vắc xin cúm cần ít nhất 2 tuần để có hiệu lực kể từ lúc tiêm.
Hiện chưa có thuốc để điều trị khỏi bệnh cúm hoàn toàn. Oseltamivir (Tamiflu), trong một số trường hợp đặc biệt và có chỉ định của bác sĩ Nhi khoa, có thể rút ngắn thời gian mắc bệnh nếu được điều trị sớm trong vòng 48 giờ kể từ khi sốt. Trẻ cũng nên nghỉ ngơi hợp lý và uống đủ nước để giúp cơ thể mau hồi phục hơn. Paracetamol hoặc ibuprofen có thể giúp giảm đau cơ sốt và cảm giác mệt mỏi toàn thân.
Cảm lạnh thông thường
Cảm lạnh thông thường cũng là một bệnh do vi rút gây ra và thường gặp ở trẻ em, gây nên nhiễm trùng hô hấp trên. Trẻ em có thể mắc cảm lạnh thông thường 6-8 lần mỗi năm.
Cảm lạnh thường nhẹ hơn cúm và ít có nguy cơ bị viêm phổi thứ phát hơn. Triệu chứng thường giống với người lớn, nhưng trẻ em thường sốt nhẹ còn người lớn thì không.
Hầu hết cảm lạnh thông thường ở trẻ em không nặng và tự khỏi sau vài ngày. Nghỉ ngơi và uống nhiều nước có thể giúp trẻ hồi phục nhanh hơn. Nên tránh cho trẻ uống các thuốc chữa cảm lạnh không kê đơn ở nhà thuốc, đặc biệt trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, do có thể có các tác dụng phụ nghiêm trọng bao gồm co giật, tăng nhịp tim, giảm tri giác và thậm chí tử vong.
Hen phế quản
Hen phế quản là bệnh phổi có thể rất nghiêm trọng gây nên các triệu chứng như: ho, khó thở, khò khè, cảm giác nặng hay đè ép ngực. Triệu chứng ở người lớn cũng thường giống như trẻ em. Tuy nhiên, người lớn có thể có triệu chứng dai dẳng hơn. Trẻ em cũng có thể có hen dị ứng nhiều hơn người lớn.
Cơn hen phế quản có thể được khởi phát bởi nhiều yếu tố như hít bụi hay phấn hoa hoặc tiếp xúc với dị nguyên như vảy da của thú nuôi. Hen phế quản làm tăng nguy cơ viêm phế quản hay viêm phổi ở trẻ em. Đây cũng là nguyên nhân đứng hàng thứ 3 gây nhập viện ở trẻ em dưới 15 tuổi, theo hiệp hội phổi Mỹ.
Nếu trẻ ho nhiều, ho khi gắng sức, khó thở, khò khè hay viêm phế quản tái diễn hãy đi đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ Nhi khoa thăm khám và chữa trị
Viêm xoang
Còn được gọi là nhiễm trùng xoang, viêm xoang là sự viêm và sưng phù của niêm mạc xoang. Dịch có thể ứ lại trong các xoang bình thường chứa đầy khí đằng sau mũi, mắt và gây nên nhiễm trùng. Viêm xoang có thể đi kèm với cảm lạnh hay cúm hoặc có thể khởi phát bởi dị ứng.
Viêm xoang có thể dẫn đến:
Đau hay nặng mặt, đặc biệt sau hốc mắt và mũi.Cảm giác nghẹt mũi nặng.Ho và sổ mũi
Chảy nước mũi sau có thể gây kích thích họng, hơi thở hôi và buồn ói hay ói
Ở trẻ em, triệu chứng viêm xoang có thể kéo dài hơn ở người lớn. Để làm giảm viêm và các triệu chứng có thể súc rửa xoang hay sử dụng các thuốc không kê đơn giảm nghẹt mũi. Nếu nghi ngờ nhiễm trùng do vi khuẩn, bác sĩ có thể kê đơn kháng sinh. Trường hợp viêm xoang dai dẳng, các bác sĩ có thể chỉ định phương pháp phẫu thuật làm sạch các mô bị viêm.
Viêm phế quản
Viêm phế quản là viêm đường thở lớn của phổi. Nguyên nhân thường do vi rút và có thể khởi đầu sau khi mắc cảm lạnh hay cúm. Triệu chứng điển hình của viêm phế quản là ho, có thể kéo dài 3-4 tuần. Ngoài ra, viêm phế quản có thể có các triệu chứng sau:
Sổ mũi.Đau ngực.Sốt và run lạnh
Mệt mỏi.Khò khè.Đau họng
Triệu chứng thường giống nhau giữa người lớn và trẻ em, nhưng trẻ em thường có xu hướng nuốt đàm nhớt hơn là ho khạc ra ngoài.
Trẻ em bị hen phế quản hoặc dị ứng hoặc có tiền sử viêm xoang mãn tính có nguy cơ cao bị viêm phế quản.
Đôi khi hen phế quản có thể nhầm với viêm phế quản và ngược lại, vì vậy nếu nghi ngờ hãy đến gặp các bác sĩ Nhi khoa để được chẩn đoán và điều trị hợp lý. Viêm phế quản thường điều trị chủ yếu là giảm triệu chứng.
Viêm thanh quản
Viêm thanh quản thường do vi rút gây nên, làm sưng phù thanh quản và khí quản. Sự sưng phù này làm cản trở không khí đi vào phổi và gây ra tiếng rít khi hít vào sâu. Giọng nói của trẻ có thể bị khàn hơn so với bình thường. Viêm thanh quản thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 4 tuổi và đặc trưng bởi ho ông ổng như “chó sủa” và khó thở. Mặc dù đối tượng hay gặp là trẻ nhỏ nhưng viêm thanh quản cũng có thể gặp ở người lớn.
Bởi vì nguyên nhân chủ yếu do vi rút nên viêm thanh quản thường được điều trị với nghỉ ngơi, uống nhiều nước và thuốc kháng viêm không kê đơn, giảm đau như ibuprofen hoặc paracetamol. Thở với không khí được làm ẩm cũng có thể giảm triệu chứng, đặc biệt ban đêm. Đối với những trường hợp nặng, trẻ có thể cần phải được điều trị với steroids để giảm viêm phù nề thanh quản, nhờ đó giúp trẻ dễ thở hơn.
Viêm phổi
Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng ở phổi và có thể nặng. Triệu chứng bao gồm:
Thở nhanh.Sốt cao, run lạnh.Ho.Mệt mỏi.Đau ngực, đặc biệt khi hít thở
Vi rút, vi khuẩn hoặc nấm đều có thể là nguyên nhân gây nên viêm phổi, và có thể xảy ra sau cảm lạnh, cúm hoặc viêm họng liên cầu.
Viêm phổi do vi khuẩn cần phải điều trị với kháng sinh. Hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho viêm phổi do vi rút, nhưng bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng vi rút giúp rút ngắn thời gian mắc bệnh. Trẻ em cần được nghỉ ngơi và uống nhiều nước để giúp nhanh hồi phục. Vắc xin chống phế cầu, sởi và ho gà có thể giảm nguy cơ mắc viêm phổi ở trẻ em.
Làm thế nào để phòng bệnh hô hấp ở trẻ?
Điều quan trọng nhất trong tiếp cận các bệnh hô hấp là phòng ngừa. Tuân thủ các biện pháp đơn giản sau đây có thể giảm sự lây nhiễm các bệnh hô hấp thông thường này:
Che chắn khi ho hay hắt xì với khủy tay hoặc khăn giấy.
Rửa tay thường xuyên. Bệnh Hô Hấp thường lây truyền qua nước bọt hay dịch tiết mũi, có thể lây trực tiếp như bắt tay hay gián tiếp qua các bề mặt nhiễm bẩn như mặt bàn, tay nắm cửa hoặc ho ở vùng lân cận. Hãy rửa tay trong ít nhất 20 giây với nước ấm và xà phòng để diệt vi rút hoặc vi khuẩn có thể đang tồn tại trên da bạn.
Tránh đụng chạm vào mắt, mũi miệng của bạn. Đây là các “đường vào” cơ thể thông thường nhất của rất nhiều vi rút.
Hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Khi trẻ mắc bệnh, hãy giữ trẻ ở nhà không đến lớp cho đến khi bình phục.
Tiêm vắc xin phòng cúm. Đây là 1 trong những phương pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh cúm, giảm đáng kể nguy cơ viêm phổi hay nhập viện.
Facebook Comment