Mùa lạnh dùng bài thuốc gì phòng trị viêm phế quản?

77 / 100

Viêm phế quản thường gặp vào mùa thu – đông, khi tiết trời khô hanh. Để sẵn sàng đối phó căn bệnh này, bạn có thể tham khảo các bài thuốc phòng trị đơn giản trong y học cổ truyền.

Viêm phế quản thường gặp ở người cao tuổi, trong mùa thu - đông

Viêm phế quản thường gặp ở người cao tuổi, trong mùa thu – đông

Viêm phế quản là tình trạng viêm nhiễm tại các lớp niêm mạc của ống phế quản. Khi bị viêm, chúng sẽ gây hẹp lòng phế quản và ứ đọng các chất dịch, từ đó hình thành đờm tại phế nang, lâu dài làm suy giảm chức năng phổi và gây các vấn đề về hô hấp.

Theo y học cổ truyền, khí hậu khô hanh vào mùa thu – đông gây ra loại nhiệt bệnh ngoại cảm gọi là thu táo. Ban đầu tà vào phần vệ khí sau đó vào phần phế khí.

Mục Lục

Bài thuốc phòng trị viêm phế quản khi tà còn ở phần vệ khí

Khí táo làm tổn thương phế, tổn thương tân dịch khiến người bệnh bị sốt, nhức đầu, hơi sợ lạnh, ra mồ hôi ít, mũi khô, ho khan hay ho ít đờm mà dính, họng khô, lưỡi đỏ, khát nước, rêu lưỡi trắng, mạch sác.

Phương pháp trị là tân lương nhuận phế.

– Thuốc uống:

  • Bài 1: Tang cúc ẩm (Ôn bệnh điều biện): hạnh nhân 10g, bạc hà 4g, liên kiều 10g, tang diệp 12g, cát cánh 10g, cúc hoa 8g, lô căn 10g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang. Tác dụng tuyên phế chỉ khái, sơ phong thanh nhiệt. Trị phong ôn mới phát, ho, cảm cúm, cơ thể sốt, viêm phế quản, viêm đường hô hấp cấp tính.
  • Bài 2: Tang hạnh thang (Ôn bệnh điều biện): hạnh nhân 16g, tang chi 8g, sa sâm 12g, chi bì (vỏ quả chi tử) 8g, bối mẫu 8g, hương xị 8g, lệ bì (vỏ hạt quả vải) 8g. Sắc uống ngày 1 thang. Tác dụng nhuận phế chỉ khái, thanh tuyên táo nhiệt. Trị họng khô khát, ho không đờm, phế bị táo, ôn, viêm đường hô hấp trên.

Biểu hiện của viêm phế quản

Biểu hiện của viêm phế quản

– Món ăn thuốc điều trị bệnh:

  • Hạnh lê ẩm: hạnh nhân 10g, lê 1 quả to gọt vỏ thái lát. Cả 2 thứ đem nấu chín, thêm chút đường phèn khuấy cho tan đều. Món ăn thuốc thích hợp cho người bệnh viêm khí phế quản cấp tính dạng viêm khô, nóng sốt, ho khan ít đờm.
  • Nước la hán hạnh nhân: la hán quả 1 quả, hạnh nhân 10g. La hán nghiền đập vụn, hạnh nhân giã dập, cùng sắc lấy nước, thêm chút đường uống. Ngày 1 lần. Tốt cho người bị viêm khí phế quản, cảm mạo ho có đờm nhiều.

Bài thuốc phòng trị viêm phế quản khi tà vào phần phế khí

Táo nhiệt làm tổn thương phế, người bệnh có biểu hiện sốt, suyễn, ho nhiều không đờm, mũi họng khô, nhức đầu, bực dọc, khát, rêu lưỡi khô trắng mỏng, cạnh lưỡi và đầu lưỡi đỏ thẫm, mạch phù sác.

Phương pháp chữa là thanh phế nhuận táo chỉ khái.

– Bài thuốc:

  • Bài 1: tang bạch bì 12g, lá hẹ 8g, sa sâm 12g, mạch môn 12g, lá tre 12g, thiên môn 12g, thạch cao 16g, hoài sơn 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
  • Bài 2: Thanh táo cứu phế thang (Y môn pháp luật): a giao 16g, cam thảo 4g, hạnh nhân 12g, đảng sâm 12g, hồ ma nhân 12g, tang diệp 12g, mạch môn 16g, tỳ bà diệp (bỏ lông chích mật) 8g. Sắc uống ngày 1 thang. Trị tà ở phần khí biểu hiện sốt, thở nghịch lên, ngực đầy sườn đau, ho khan không đờm, họng khô, mũi khô.

Phòng trị viêm phế quản bằng các bài thuốc y học cổ truyền

Phòng trị viêm phế quản bằng các bài thuốc y học cổ truyền

– Món ăn thuốc chữa bệnh:

  • Lê hấp đường phèn bối mẫu: xuyên bối mẫu 3g, lê 1 quả to, đường phèn 6g. Bối mẫu tán bột, lê gọt vỏ, tách bỏ hạt. Tất cả cho vào nồi hầm chín rồi ăn. Thích hợp cho người bị viêm khô khí phế quản ho ít đờm, ho do dị ứng, lao phổi ho khan, ho gà, viêm họng.
  • Nhuận phế tán: qua lâu 1 quả bỏ hạt tán mịn, trộn với bột củ năng thành bánh, nướng chín vàng, tán bột. Mỗi lần uống 3g. Hòa với nước sôi thêm đường cho uống ngày 3 lần. Thích hợp cho trẻ em ho khan do viêm khí phế quản, ho gà dài ngày (bách nhật khai), sốt nóng.
  • Hạnh nhân ướp đường phèn: hạnh nhân 30g, đường phèn 30g. Hạnh nhân đập bỏ vỏ cứng, đường phèn nghiền đập vụn, trộn đều. Mỗi lần ăn 9g, ngày 2 lần. Thích hợp cho người bị đờm dính, ho khan lâu ngày, viêm khí phế quản mạn tính.
  • Trúc lịch chúc: trúc lịch (nước ép tre vầu tươi) 100ml, gạo tẻ 80-100g. Gạo vo sạch nấu cháo, cháo chín cho trúc lịch vào khuấy đều, chia ăn 2 lần trong ngày. Món ăn thuốc thích hợp với người viêm khí phế quản sốt nóng, đau tức vùng ngực, khó thở, ho đờm ít vàng dính, đờm có thể có tia máu.

Lưu ý: Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế cho lời khuyên của bác sĩ, thầy thuốc. Vì vậy để đảm bảo an toàn và đúng bệnh, bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị tốt nhất.

Nguồn: Sưu tầm